Điệp viên dự báo chính xác thời điểm Đức tấn công Liên Xô
Cùng tìm hiểu cuộc đời điệp viên duy nhất dự báo chính xác thời điểm Đức tấn công Liên Xô trong mùa hè năm 1941.
Năm 1973, lần đầu tiên truyền hình Liên Xô trình chiếu bộ phim dài tập Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân. Được xây dựng dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yulian Semenyov, phim nói về tình báo viên Liên Xô, Đại tá Maksim Isayev hoạt động tại nước Đức phát xít dưới vỏ bọc Đại tá tình báo Đức Quốc xã Stirlitz.
Nhà văn Yulian Semenov nói rằng khi xây dựng nhân vật Stirlitz, ông đã lựa nhiều chi tiết trong đời thực của “cha đẻ” ngành tình báo Xô-viết Feliks Dzherjinsky, được “bồi đắp” thêm bằng những phẩm chất tốt đẹp nhất của một số điệp viên Xô-viết lừng danh.
Mới đây, qua việc nghiên cứu hồ sơ mới được giải mật, trang Russian7.ru của Nga cho biết, một trong những nguyên mẫu ngoài đời của Stirlitz là một nhân viên an ninh Đức Quốc xã tên là Wilhelm Lehmann.
Wilhelm Lehmann sinh năm 1884 tại Leipzig, năm 17 tuổi tình nguyện gia nhập hải quân Đức. Sau 12 năm phục vụ, Lehmann đến Berlin và gia nhập lực lượng cảnh sát. Năm 1914, do có thành tích trong công tác, Lehmann được cơ quan phản gián Đức tuyển mộ và bổ nhiệm làm trợ lí cho chánh văn phòng cơ quan này. Năm 1918, nước Nga Xô-viết mở cơ quan đại diện tại Đức và người được giao theo dõi cơ quan này chính là Lehmann.
Qua công tác nghiệp vụ, Lehmann đi đến kết luận rằng các đại diện của Liên Xô thực sự không tiến hành bất kỳ hoạt động nào chống lại nước Đức. Điều này đã thúc đẩy ông, qua sự giới thiệu của một người đồng nghiệp tên là Ernst Kuhr, từ mùa thu năm 1929 bắt đầu cộng tác với cơ quan tình báo Xô-viết, dưới bí số A-201 và mật danh Breitenbach.
Năm 1933, Hitler lên nắm quyền ở Đức. Bộ phận của Wilhelm Lehmann hợp nhất với cơ quan cảnh sát mật Gestapo. Theo chỉ thị của Moscow, Lehmann đã tình nguyện gia nhập đảng Quốc xã, sau đó một năm, được kết nạp vào lực lượng SS. Năm 1936, Lehmann được bổ nhiệm là Trưởng ban phản gián phụ trách các xí nghiệp quân sự của Đức (Ban E/1, Gestapo).
Tận dụng vị trí công tác của mình, Lehmann đã cung cấp cho phía Liên Xô những thông tin về việc nước Đức ráo riết chuẩn bị chiến tranh, đặc biệt là nhiều tài liệu về các loại vũ khí mới như pháo cối, xe bọc thép, đạn xuyên giáp, máy bay tiêm kích, tên lửa nhiên liệu rắn... do nền công nghiệp quốc phòng Đức nghiên cứu chế tạo.
Năm 1938, sau cái chết của một nhân viên trong lưới tình báo, mối liên hệ của Lehmann với Moscow bị gián đoạn. Đến tháng 6/1940, trong tuyệt vọng, Lehmann đánh liều gửi thư vào hòm thư của Đại sứ quán Liên Xô tại Berlin đề nghị nối lại liên lạc.
Rất may là bức thư đến đúng địa chỉ cần thiết, liên lạc với Trung tâm ở Moscow được tái thiết lập. Ngay sau đó, Lehmann chuyển cho Moscow chìa khóa mật mã của Tổng cục An ninh Đức cùng nhiều tin tình báo quan trọng.
Tháng 3/1941, Lehmann báo cáo với trung tâm việc cơ quan tình báo quân đội Đức (Abhwer) đang khẩn trương kiện toàn Phòng Liên Xô, trong khi Nhà nước Đức Quốc xã nỗ lực tiến hành các biện pháp động viên trong cả nước.
Chiều muộn ngày 19/6/1941, Lehmann yêu cầu được gặp gấp người chỉ đạo mình là Zhuravlev ở ngoại ô Berlin. Tại cuộc gặp, Lehmann với vẻ mặt rất nghiêm trọng báo cáo cơ quan của ông vừa nhận được tin Hitler đã ra lệnh cho quân đội bắt đầu tấn công Liên Xô vào 3 giờ ngày 22/6.
Đây là nguồn tin tình báo duy nhất của tình báo Liên Xô nói chính xác ngày giờ phát xít Đức mở màn chiến dịch Barbarossa. Đây cũng chính là thông báo cuối cùng được Lehmann chuyển về trung tâm. Từ thời điểm đó, không một điệp viên Xô-viết nào có dịp gặp lại ông.
Ngày 4/12/1942, tình báo Liên Xô tổ chức cho điệp viên Beck, một hàng binh đồng thời là một đảng viên Đảng Cộng sản Đức xâm nhập hậu phương quân Đức để bắt liên lạc với Wilhelm Lehmann.
Rất tiếc là do non nớt về nghiệp vụ, Beck đã rơi vào bẫy của Gestapo và bị Gestapo ép thực hiện “trò chơi liên lạc điện đàm” với Moscow. Nhờ có được mật khẩu và các chỉ dẫn liên lạc, Gestapo cũng phát hiện ra cả Breitenbach. Giữa tháng 12/1942, Breitenbach - Wilhelm Lehmann bị bắt và bị xử bắn.
Sinh thời, nhà lãnh đạo Liên Xô L. Brezhev rất mê điện ảnh, và một trong những bộ phim mà ông thích nhất chính là Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân. Một lần, ông trao đổi với trợ lí Andrey Alesandrov về bộ phim này và đề nghị Nhà nước Xô-viết nên phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho điệp viên Stirliz.
Tuy nhiên, do Stirlitz chỉ là nhân vật hư cấu nên các cơ quan chức năng đã tìm ra cách thức thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư bằng cách tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa cho diễn viên thủ vai nhân vật này - Vyacheslav Vasilyevich Tikhonov.