Diệt chủng Rwanda: Nghi can vừa bị bắt đã sát hại bao nhiêu người?
Ngày 25/5, tòa án Liên hợp quốc (LHQ) về các tội ác chiến tranh ở Rwanda cho biết nghi phạm Fulgence Kayishema bị truy nã gắt gao nhất liên quan đến nạn diệt chủng ở Rwanda đã bị bắt giữ ở Nam Phi sau hơn 25 năm trốn chạy.
Fulgence Kayishema, nghi phạm bị truy nã gắt gao vì sát hại hơn 2.000 người trong nạn diệt chủng Rwanda năm 1994, đã bị bắt ở Nam Phi.
Cụ thể, Fulgence Kayishema, nghi phạm thảm sát hơn 2.000 người, bị bắt tại một vườn nho ở Paarl, thị trấn nhỏ trong vùng sản xuất rượu vang cách Cape Town của Nam Phi gần 50 km về phía đông, hôm 24/5.
Kayishema bị bắt trong chiến dịch hợp tác của chính quyền Nam Phi và các nhà điều tra Liên Hợp Quốc. Theo cảnh sát Nam Phi, khi bị bắt, Kayishema đã khai tên giả là Donatien Nibashumba, quyết không thừa nhận danh tính thực. Thế nhưng, đến tối cùng ngày, anh ta nói "tôi đã chờ đợi rất lâu để bị bắt".
Kayishema bị truy tố vào năm 2001. Các nhà điều tra cho biết Kayishema đã sử dụng nhiều danh tính và giấy tờ giả để tránh bị phát hiện trong suốt thời gian lẩn trốn. Mỹ đã treo thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt được Kayishema.
Vụ thảm sát ở Nyanga, Rwanda, là một trong những cuộc diệt chủng tàn bạo nhất, trong đó ước tính khoảng 800.000 người Tutsi và người Hutus ôn hòa đã bị giết trong 3 tháng. Tòa án cáo buộc Kayishema đã trực tiếp tham gia lập kế hoạch và thực hiện vụ thảm sát hơn 2.000 người ở nhà thờ Công giáo Nyange ngày 15/4/1994, khi cuộc diệt chủng vừa bắt đầu.
Trong cuộc diệt chủng Rwanda, các dân quân người Hutu và dân thường đã giết hại rất nhiều thành viên của dân tộc thiểu số Tutsi. Các vụ giết chóc kết thúc 100 ngày sau khi lực lượng của Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF) do Tổng thống Paul Kagame lãnh đạo đánh bại phiến quân Hutu và nắm quyền kiểm soát đất nước.
Kể từ khi nạn diệt chủng nói trên chấm dứt, có khoảng 95.000 trẻ em ở Rwanda bị mồ côi cha mẹ và khoảng 2.000 phụ nữ nhiễm HIV do bị hãm hiếp. Năm 2001, ước tính có khoảng 264.000 trẻ em ở nước này bị mất mẹ hoặc bố vì bệnh AIDS và con số trên đã lên tới 350.000 trẻ em vào năm 2010.