Diệt địch đến hơi thở cuối cùng

Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.

Một góc đường Đỗ Nam tại thị trấn Phú Bài. Ảnh: Trà My

Một góc đường Đỗ Nam tại thị trấn Phú Bài. Ảnh: Trà My

Đồng chí Đỗ Nam, sinh năm 1948, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhập ngũ tháng 2-1967, trinh sát vũ trang, Ban An ninh nhân dân thành phố Huế, quê quán xã Thiên Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong quá trình công tác, đồng chí đã được tặng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì và Ba, 13 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ các cấp, 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua.

Xuất thân từ gia đình cách mạng, cha hy sinh lúc Đỗ Nam còn nhỏ, anh lớn lên trong tình thương yêu, dạy dỗ của bà nội, chú ruột. Năm 1964, anh được đoàn thể dìu dắt tham gia rải truyền đơn và phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh, sinh viên.

Sau khi bị lộ, Đỗ Nam bị địch bắt vào trại giam. Chúng đã tra tấn anh rất tàn ác nhưng vẫn không khai thác được tài liệu gì. Năm 1965, thoát khỏi nhà tù của địch, Đỗ Nam từ giã quê hương lên chiến đấu tham gia hoạt động cách mạng. Anh được phân công làm nhiệm vụ trong cơ quan thanh vận tỉnh Thừa Thiên.

Đầu năm 1967, Đỗ Nam chuyển sang lực lượng An ninh vũ trang thành phố Huế và được phân công làm trinh sát với nhiệm vụ: Đánh bọn ác ôn đầu sỏ và phá các hệ thống kìm kẹp của ngụy quân, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Anh thường xuyên tranh thủ học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn nhận mọi nhiệm vụ được giao.

Tháng 4-1967, Đỗ Nam được đề bạt làm Tiểu đội phó. Tiểu đội của anh được giao nhiệm vụ kết hợp với trinh sát Phú Vang, biệt động thành Huế đánh vào các vị trí trung tâm của bọn ngụy quân, bình định và công an địch ở Vĩ Dạ.

Lần đầu tiên chỉ huy tiểu đội chiến đấu cùng với đơn vị bạn, Đỗ Nam tỏ ra rất tháo vát, linh hoạt. Được lệnh nổ súng tấn công địch, mũi nhọn do anh phụ trách đã nhanh chóng tiêu diệt 50 tên địch và làm tan rã một trung đội ngụy quân, 2 đội bình định của địch. Trong số những tên bị tiêu diệt có tên Châu là công an cấp tỉnh về nằm vùng chỉ đạo phá hoại phong trào cách mạng. Sau đó, tiểu đội của anh có nhiệm vụ chặn địch ở Phú Vang.

Dự đoán đúng âm mưu của địch, lợi dụng đêm tối, Đỗ Nam chỉ huy tiểu đội bí mật phục kích, chờ địch tới gần 3m, anh hạ lệnh tiêu diệt tốp đi đầu. Bị đánh bất ngờ, địch cụm lại, đội hình rối loạn. Đỗ Nam tiếp tục cho đồng đội dùng súng B40 và AK tiêu diệt thêm một số tên khác. Bọn giặc hoảng loạn bỏ chạy để lại 28 xác chết. Tiểu đội của anh rút lui an toàn.

Tháng 6-1968, phong trào đấu tranh cách mạng ở Thừa Thiên gặp nhiều khó khăn. Địch tăng cường lực lượng và thực hiện nhiều âm mưu quỷ quyệt. Đỗ Nam được phân công phụ trách hoạt động trên địa bàn Phú Xuân. Địa bàn này địch kiểm soát rất chặt chẽ, không một ai lạ mặt có thể lọt vào được.

Trước tình hình đó, anh cùng đồng đội chịu đựng mọi gian khổ, khôn khéo, mưu trí điều tra, nắm các quy luật hoạt động của địch. Qua nhiều ngày nghiên cứu tình hình, được đồng đội ủng hộ, 4 giờ, ngày 8-6-1968, Đỗ Nam dẫn đơn vị giấu mình dưới ruộng nước có cỏ cây che khuất chờ địch. Tới 6 giờ kém 15 phút, địch bắt đầu xuất hiện, lực lượng của chúng gồm một trung đội thám báo, một đoàn bình định.

Tuy số lượng của chúng đông gấp bội, nhưng Đỗ Nam đã bình tĩnh, kiên trì chờ địch lọt vào trận địa phục kích của đơn vị mới hạ lệnh nổ súng tiêu diệt. Một số tên bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại chùn bước. Anh cho hỏa lực tấn công tiếp, địch nằm chết ngổn ngang.

Để đảm bảo bí mật và an toàn cho đơn vị, anh ra lệnh cho các chiến sĩ rút lui theo kế hoạch. Trận chiến đấu diễn ra chớp nhoáng chưa đến 5 phút, địch bị tiêu diệt trên 30 tên, trong đó có tên toán trưởng, toán phó làm nhiệm vụ bình định. Đơn vị của anh không ai bị thương vong và rút lui an toàn.

Để ghi nhận công lao, đóng góp của Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Nam, ngày 10-9-2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 1977/2007/QĐ-UBND về việc đặt tên đường phố ở thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy đợt I-2007, trong đó có việc đặt tên đường mang tên Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Nam. Đường Đỗ Nam chạy qua khu phố 1, thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu năm 1969, địch tập trung lực lượng đánh các cơ sở của ta, chúng lùng sục các hầm bí mật nhằm xây dựng vành đai trắng và khu vực bình định.

Trước tình hình bị địch o ép mạnh và gắt gao đó, Đỗ Nam được cấp trên phân công về xây dựng cơ sở tại địa bàn mới thuộc huyện Phú Vang - nơi có nhiều khó khăn, nguy hiểm. Ban ngày, anh ở trong hầm bí mật ngoài đồng hay các bụi tre, đêm vào dân nắm tình hình.

Qua một thời gian, anh đã xây dựng được tổ 3 người và giành được một số kết quả phục vụ cho phong trào đấu tranh của quần chúng. Tháng 2-1969, một đại đội địch vào trú quân trong khu vực rặng tre. Chúng tổ chức phát hoang và phát hiện được cửa hầm bí mật của anh.

Trước tình thế nguy hiểm ấy, anh cùng 2 tổ viên buộc phải nhảy lên chiến đấu quyết liệt với địch. 3 người phải chống chọi với một đại đội địch trong một địa hình không có lợi cho ta, nhưng địch đã phải thất bại rất nặng. Hàng chục tên địch đã chết trong hơn một giờ chiến đấu vô cùng dũng cảm của anh và đồng đội, cuối cùng, cả tổ đã hy sinh oanh liệt.

Tuy mới 21 năm tuổi đời, 2 năm tuổi quân, nhưng đồng chí Đỗ Nam đã từng tham gia chiến đấu nhiều trận đánh trên nhiều vị trí khác nhau. Ở bất kỳ cương vị nào, trận chiến đấu nào, anh cũng luôn linh hoạt, mưu trí, dũng cảm tiến công địch đến phút cuối cùng. Anh được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6-6-1976.

Mạnh Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diet-dich-den-hoi-tho-cuoi-cung-post430008.html