Diệt trừ 'sâu' trong vườn cây

Người làm vườn nào cũng nằm lòng một nguyên tắc: Trong trường hợp vườn cây bị sâu phá hoại, thì biện pháp tốt nhất vẫn là diệt trừ sâu bệnh.

Nói về quyết tâm diệt trừ sâu bệnh, “cứu” cây, tạo điều kiện tốt nhất cho vườn cây xanh tốt, thực ra là để tiếp tục trao đổi về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Tuần qua, ngày 1- 2/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp Phiên thứ 25 và thống nhất đánh giá năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, sau phiên họp của Ban Chỉ đạo, cũng như lâu nay, sau mỗi sự kiện tổng kết, đánh giá thành tựu công tác của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong nước, các thế lực thù địch lại ráo riết chống phá cuộc chiến “diệt giặc tham nhũng” của Đảng và Nhân dân ta. Bên cạnh việc xuyên tạc, bóp méo kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, gần đây, chúng còn đưa ra lập luận hết sức vô lý, rằng “Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế”. Các cá nhân, tổ chức ở hải ngoại với chiêu bài “bình luận về kinh tế Việt Nam” lập luận rằng “cuộc chiến chống tham nhũng khiến giao dịch kinh tế tê liệt, ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, rằng việc xử lý “mạnh tay” và liên tục với các cá nhân sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ (kể cả cấp cao) trong bộ máy công quyền là lý do của việc các cấp, các ngành “sợ sai”, không dám làm, né tránh, đùn đẩy… khiến các giao dịch thương mại và cả các hoạt động dân sinh xã hội bị đình trệ...

Trước tiên, phải nhìn nhận sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế thế giới. Giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khá ảm đạm sau ảnh hưởng của dịch bệnh và các xung đột chính trị từ các điểm nóng, các thị trường quen thuộc của sản xuất trong nước bị ảnh hưởng, tất yếu dẫn tới những đơn hàng, những dự án từ nước ngoài với các doanh nghiệp và địa phương bị chậm trễ hoặc hủy bỏ.

Tuy nhiên, đánh giá cuối cùng, so với đà giảm tốc của kinh tế thế giới nói chung và khu vực nói riêng, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn là thành tựu đáng ghi nhận. GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020 và 2021. Tuy không đạt mục tiêu 6,5% đề ra nhưng Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Kết quả này được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là rất tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát thấp hơn chỉ số được dự báo; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi Ngân sách nhà nước được kiểm soát; Tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của kinh tế được bảo đảm. Đó là chưa kể đến các chương trình của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chăm lo đời sống xã hội cho người dân luôn được coi trọng, khiến niềm tin xã hội hội trong thời điểm khó khăn luôn được duy trì. Do vậy, việc cố tính xuyên tạc thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam là sự vu khống trắng trợn, vô lý.

Tiếp theo, phải thấy rằng việc các cá nhân, tập thể lập luận theo kiểu gắn những chỉ số thấp do lý do khách quan với thành tựu phòng chống tham nhũng, tiêu cực… là hoàn toàn ngụy biện. Tham nhũng là hành vi bị lên án trên toàn thế giới, bởi tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, xâm phạm quyền lợi của từng cá nhân người dân lương thiện. Hành vi này gây ra những hậu quả, tác hại to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Về mặt chính trị, tham nhũng làm mục ruỗng các thể chế. Về mặt kinh tế, tham nhũng là những sâu mọt ăn bám nền kinh tế, gây ra những tổn thất to lớn. Về mặt xã hội, tham nhũng tập trung quyền lực và của cải vào tay những cá nhân và nhóm lợi ích, từ đó bào mòn niềm tin trong dân chúng. Tóm lại, bên cạnh việc gây thất thoát tài sản công, làm vẩn đục môi trường kinh doanh và đầu tư, hành vi tham nhũng còn làm xói món đạo đức, gây mất niềm tin trong nhân dân, là nguyên nhân của nhiều mâu thuẫn xã hội, gây mất ổn định xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, ở nền kinh tế nào, tham nhũng cũng là một nguy cơ cần phải loại bỏ. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng để tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội. Có những quốc gia xây dựng các “kênh” tố cáo tham nhũng, trực tiếp kết nối tới người đứng đầu Chính phủ. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã ban hành Công ước về chống tham nhũng ngay trong năm 2023 vừa qua, cho thấy cuộc chiến này là vấn đề sống còn của không chỉ một nền kinh tế. Vì vậy, không thể nói rằng “chống tham nhũng làm ảnh hưởng (xấu) tới kết quả kinh tế” như luận điệu chống phá đang ngày đêm ra rả.

Nhìn lại cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta, Đảng và Chính phủ luôn khẳng định tham nhũng là “giặc nội xâm” nguy hại, và cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội, sâu xa và cuối cùng là để bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Ngăn chặn mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực là nhằm xây dựng một Chính phủ hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh hơn và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn.

Chính vì vậy, cuộc chiến chống tham nhũng - vốn được người dân gọi là “công cuộc đốt lò” bởi thổi bùng quyết tâm và quy tụ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vì một mục tiêu làm trong sạch bộ máy, tạo nền tảng, môi trường tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay hiện tại và cho lâu dài. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, phải bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã triển khai quyết liệt định hướng này, xử lý nghiêm những vụ việc bức xúc trong dư luận, đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng, buộc nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm. Đến giờ phút này, sau “cơn bão” của dịch bệnh COVID-19 và trong bối cảnh kinh tế thế giới còn chưa khởi sắc, thì chính quyết tâm chính trị và niềm tin xã hội trong nước đã tạo nên sức mạnh giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong thành tựu phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế - xã hội thời gian qua, được cả thế giới ghi nhận.

Trên thực tế, có những nơi, những lúc manh nha xuất hiện tư tưởng “sợ sai”, nên có hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, thể hiện rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm, trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp.... Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ đã nhanh chóng phát hiện những diễn biến này, đẩy mạnh giáo dục tư tưởng cho cán bộ công chức, đồng thời nhanh chóng rà soát, đề xuất, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực kinh tế xã hội đang còn những phát sinh khó khăn vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền ở các cơ quan tổ chức, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Bên cạnh đó, là cơ chế khuyến khích bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung được đề cao. Những biện pháp quyết liệt này đã nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn từ thực tế, tạo điều kiện để dòng chảy kinh tế của đất nước được khơi thông, tuôn chảy mạnh mẽ. Đồng thời, đây cũng là “phiễu lọc” để sàng lọc những tập thể, cá nhân còn non kém, thiếu năng lực cũng như bản lĩnh; đồng thời tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân minh bạch về tài chính, mạnh mẽ về tiềm năng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây sẽ là những “đầu tàu” của nền kinh tế đất nước trong hiện tại và tương lai.

Quay trở lại câu chuyện những con sâu và vườn cây. Rõ ràng, để bảo vệ vườn cây, người làm vườn phải lựa chọn giải pháp diệt trừ sâu bệnh. Đương nhiên, trong quá trình “vạch lá tìm sâu”, hay xử lý mầm bệnh..., ban đầu sẽ có những vụ mùa chưa thể “bội thu” như ý muốn, thậm chí có thể có những cây phải cắt bỏ nhiều lá sâu, chưa thể phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, về lâu dài, đây là công việc nên làm và bắt buộc phải làm, để bảo vệ những cây trái khác, đồng thời để chuẩn bị một mảnh vườn “sạch” cho nhiều, nhiều những mùa vàng no ấm muôn đời sau.

Thùy Hương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/diet-tru-sau-trong-vuon-cay-20240203213149217.htm