Điều bất ngờ trong kết quả tốt nghiệp của sinh viên Mỹ

Không có tiêu chuẩn quốc gia quy định sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp loại Xuất sắc. Các trường Mỹ có toàn quyền quyết định các tiêu chuẩn.

Anh: Lạm phát bằng tốt nghiệp Xuất sắc, đạt 50%

Vương quốc Anh có hệ thống xét duyệt bằng cấp lâu dài và độc đáo. Tại đây, thứ hạng bằng cấp là một chỉ số quan trọng về khả năng học tập của cá nhân, đồng thời mang tiếng nói quyết định cho những việc như học lên cao hơn hay lựa chọn nghề nghiệp.

Khoảng 50% sinh viên Anh tốt nghiệp với bằng xếp loại Giỏi.

Khoảng 50% sinh viên Anh tốt nghiệp với bằng xếp loại Giỏi.

- Bằng hạng nhất/bằng Xuất sắc (First-Class Honours): GPA từ 70% trở lên.

- Bằng thứ nhất hạng hai/bằng Giỏi (Upper Second-Class Honours-2:1): GPA từ 60%- 69%.

- Bằng thứ hai hạng hai/bằng Khá (Lower Second-Class Honours -2:2): GPA từ 50%- 59%.

- Bằng hạng Ba/bằng Trung bình (Third-Class Honours): GPA từ 40%- 49%.

- Bằng thông thường (Ordinary degree): Để xét tốt nghiệp, dưới mức này sinh viên không được nhận bằng.

Kể từ thời kỳ dịch Covid-19, các đại học Anh bị chỉ trích vì “dễ dãi” trao cử nhân hạng nhất First-Class. Phân tích của tổ chức Office for student cho thấy gần 38% sinh viên đại học Anh được trao First-class vào năm học 2020/21, hơn gấp đôi mức 16% của thập kỷ trước. Những năm trước dịch, con số này cũng chỉ 29%.

Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học (HESA) năm học 2020/21 cho thấy sự phân bổ bằng cấp giữa một số trường đại học nổi tiếng thuộc Russell Group- nhóm hội tụ các trường hàng đầu tại Anh.

Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) có tỷ lệ bằng loại Giỏi trở lên đạt 96%, trong đó, bằng Xuất sắc đạt hơn 50%. Riêng tỷ lệ bằng Xuất sắc tại Đại học College London (UCL) là 57%. Đại học Cambridge có tỷ lệ cấp bằng Giỏi và Xuất sắc thấp nhất trong số các trường đại học trong nhóm Russell, ở mức 71%.

Mỹ: Khoảng 30% đạt danh hiệu Giỏi trở lên

Không có tiêu chuẩn quốc gia quy định sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp loại xuất sắc. Các trường Mỹ có toàn quyền quyết định các tiêu chuẩn.

Thông thường, các đại học Mỹ thường dựa trên điểm trung bình tích lũy, dùng Danh hiệu Latin (Latin honors) để xếp hạng và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

Ba xếp hạng bao gồm: Summa cum laude (GPA: >3.8), Magna cum laude (GPA từ 3,6-3,8) và Cum laude (GPA từ 3,4-3,6).

Một sinh viên Đại học Bang San Jose (Mỹ) chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp cùng gia đình.

Một sinh viên Đại học Bang San Jose (Mỹ) chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp cùng gia đình.

Một số trường sẽ có các yêu cầu khác, chẳng hạn như Đại học Bang Ohio yêu cầu GPA> 3,9 cho Summa cum laude. Trong khi đó, Harvard yêu cầu sinh viên phải đạt điểm trung bình tối thiểu 3,6 để đạt Cum laude, và phải đạt 4.0 cho Summa cum laude.

Hàng năm, chỉ có khoảng 30% sinh viên Mỹ tốt nghiệp được trao Danh hiệu Latin, cho thấy tính cạnh tranh và đòi hỏi cao trong học thuật, theo Student Assembly.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Mark Kantrowitz trong cuốn sách “Who Graduates from College? Who Doesn't?” (Ai tốt nghiệp đại học? Ai không?), chưa đến 1/2 số sinh viên đại học Mỹ tốt nghiệp đúng thời hạn. Khoảng hơn 1 triệu sinh viên Mỹ bỏ học đại học mỗi năm, theo Forbes.

Hà Lan: Khoảng 20%, cân nhắc bãi bỏ hệ thống xếp loại tốt nghiệp

Khác với Mỹ, Hà Lan áp dụng chỉ áp dụng 2 cấp độ: Cum laude (tốt nghiệp loại giỏi) và Summa cum laude (tốt nghiệp loại xuất sắc). Những đánh giá này thường dựa chủ yếu vào GPA.

Khoảng 15% sinh viên tốt nghiệp Hà Lan đạt Cum laude và một tỷ lệ nhỏ hơn, từ 2%- 5%, đạt được Summa cum laude.

Tuy nhiên, nhiều trường đại học ở Hà Lan đang bỏ danh hiệu “Cum laude” dành cho những sinh viên tốt nghiệp y khoa có thành tích tốt nhất với hy vọng giảm bớt áp lực cho sinh viên và nguy cơ “kiệt sức”, theo Brussels Signal.

Đại học Amsterdam đã loại bỏ danh hiệu bằng cấp y khoa và nhiều trường đại học khác của Hà Lan đang xem xét thực hiện điều tương tự. Điều này dẫn đến khả năng một nửa số cơ sở giáo dục y khoa của quốc gia Tây Âu sẽ ngừng trao danh hiệu “xuất sắc” cho sinh viên tốt nghiệp.

Các trường muốn giảm bớt “áp lực về thành tích” đối với sinh viên, vì các nghiên cứu chỉ ra 1/4 sinh viên của đại học có nguy cơ kiệt sức.

Trung Quốc: Khoảng 30%, áp lực điểm số nặng nề để cạnh tranh

Số liệu của Bộ Giáo dục và Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho thấy số lượng sinh viên quốc gia tỷ dân dự kiến tốt nghiệp năm 2024 đạt 11,79 triệu người, tăng 210.00 so với năm 2023, theo Tờ 163. Đây là con số khổng lồ, gây áp lực quá tải lên hệ thống việc làm vốn đã cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.

Nhìn chung, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của Dự án 985 (các trường trọng điểm thuộc tầm đẳng cấp thế giới) là khoảng 30%, Dự án 211 (trường trọng điểm có thành tích đào tạo xuất sắc) vào khoảng 20%.

Học sinh, sinh viên Trung Quốc luôn thường trực áp lực đạt điểm số cao, điểm trung bình hạng ưu và bằng tốt nghiệp loại xuất sắc để tạo lợi thế cạnh tranh trong “chiến trường” tìm việc làm.

“Nhiều bậc cha mẹ có những kỳ vọng đặc biệt cao về điểm số ở con cái họ. Ngay cả khi một học sinh đạt điểm 98% trong một bài kiểm tra, các bậc cha mẹ Trung Quốc thường tập trung vào hai điểm còn thiếu thay vì khen ngợi con”, nhà tâm lý học Liu Zhen nói với Sixth Tone.

Một số trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phúc Đán đã thí điểm bỏ bảng điểm và sử dụng phương pháp đánh giá theo cấp bậc A-F để tránh “sinh viên mắc kẹt trong vòng xoáy căng thẳng và áp lực không cần thiết”.

Nhiều trường đã bỏ ghi xếp loại Xuất sắc, Giỏi hay Khá trên tấm bằng tốt nghiệp của sinh viên.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dieu-bat-ngo-trong-ket-qua-tot-nghiep-cua-sinh-vien-my-2280464.html