Điều bất ngờ về khẩu súng của nghi phạm ám sát ông Abe
Chuyên gia nhận định khẩu súng tự chế được nghi phạm sử dụng để ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe trông có vẻ thô sơ, nhưng người chế tạo rõ ràng có nhiều kiến thức về súng.
Chuyên gia Soichiro Takakura - 45 tuổi, từng có nhiều bài viết và xuất hiện trên các chương trình truyền hình về vũ khí - nhận định nghi phạm ám sát ông Abe có thể đã chế tạo khẩu súng và đạn được theo cấu tạo của súng ngắn thông thường, nhưng hình dạng của báng súng khiến ông ngạc nhiên.
“Nó được uốn cong một cách cẩn thận”, ông nói với tờ Asahi Shimbun. "Điều đó đòi hỏi (người chế tạo) phải có kiến thức".
Ông Takakura nói thêm kiểu báng súng này sẽ giúp người bắn phản ứng nhanh hơn sau lần bắn đầu tiên và dễ dàng bắn lần hai hơn.
“Nếu không có kiến thức, báng súng sẽ được thiết kế thẳng. Dù khẩu súng trông thô sơ khi được quấn bằng băng dính, có vẻ như nghi phạm đã tính toán rất kỹ lưỡng khi chế tạo", ông nhận định.
Theo ảnh và video đăng tải trên mạng xã hội, nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, đã tiếp cận ông Abe từ phía sau, trong khi nhân viên an ninh chỉ theo dõi ở phía trước. Các bức ảnh của nghi phạm tại hiện trường cho thấy người này cầm thứ có vẻ là khẩu súng thủ công.
Nhân viên an ninh phân tâm vì người qua đường
Ngày 14/7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe xảy ra là do lỗi từ các nhân viên an ninh. “Tôi cho rằng các biện pháp an ninh có vấn đề”, ông Kishida nói.
Ông Kishida cho biết các quan chức tại Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) đang điều tra kỹ về vấn đề này. Một nhóm sĩ quan đã tới trụ sở cảnh sát tỉnh Nara hôm 14/7, Asahi Shimbun đưa tin.
“Tôi kêu gọi điều tra kỹ lưỡng và khắc phục lỗi sai, đồng thời nghiên cứu ví dụ ở các nước khác”, thủ tướng Nhật Bản nói thêm.
Theo Mainichi Shimbun, một nhân viên - được giao nhiệm vụ quan sát khu vực sau lưng ông Abe vào ngày cựu thủ tướng bị ám sát - khai rằng không nhìn thấy nghi phạm bởi anh bị phân tâm vì người qua đường.
Ông Abe vận động tranh cử ở gần ga Yamato-Saidaiji và có hàng rào bao quanh. Theo nguồn tin, 4 sĩ quan, bao gồm cả nhân viên được điều động từ Sở Cảnh sát Tokyo, đứng bên trong vòng lan can này. Một người trong số họ chịu trách nhiệm canh ở phía sau.
Khi nghi phạm tiến tới gần ông Abe, người này nói anh mải nhìn phương tiện di chuyển qua đường và không nhận ra nghi phạm có vũ trang cho đến khi nghe phát súng đầu tiên.
Ngoài đội an ninh chính này, hàng chục cảnh sát tỉnh Nara cũng túc trực, nhưng hầu hết đều theo dõi khu vực phía trước cựu thủ tướng - nơi tập trung rất đông người.
Một số sĩ quan cho rằng ngay từ đầu, an ninh tại địa điểm vận động tranh cử này đã lỏng lẻo, bởi ôtô và xe đạp có thể liên tục đi từ phía trước và phía sau ông Abe.
Trong khi đó, chuyên gia Soichiro Takakura cho biết âm thanh của phát súng đầu tiên trong video ám sát cựu thủ tướng không giống với bất kỳ tiếng súng nào mà ông từng nghe trước đây.
“Âm thanh rất nặng và lớn, không giống như tiếng súng”, ông nói và nhấn mạnh kể cả những người nghe quen tiếng súng cũng khó nhận ra.
“Tôi cho rằng nhân viên an ninh không nghĩ (âm thanh đầu tiên) là tiếng súng, nên họ không kịp phản ứng trước khi phát thứ hai bắn ra”, ông Takakura nhận định.
Vũ khí của nghi phạm được cấu tạo bởi một bộ phận giống như hai ống nước dán vào nhau, đặt trên một tấm gỗ có tay cầm, và quấn chặt bằng băng dính.
Ông Takakura nói rằng những sợi dây được nhìn thấy trong hình ảnh khẩu súng chỉ ra rằng nghi phạm đã dùng một cục pin để đốt thuốc súng. Ông cũng tin rằng khẩu súng hai nòng “không thể bắn phát đạn thứ ba”.
Khói dày đặc bốc lên sau khi nghi phạm sử dụng súng. Ông Takakura nói các loại súng hiện đại thường dùng thuốc súng không có nhiều khói sau khi bắn. Do đó, ông tin khẩu súng tự chế chứa thuốc súng màu đen thường sử dụng trong pháo hoa.
Chuyên gia Takakura lưu ý thêm khẩu súng tự chế có vẻ không được trang bị ống ngắm trên nòng súng, và nghi phạm cũng không đưa súng lên ngang tầm mắt khi bắn vào cựu thủ tướng.
Thay vào đó, nghi phạm dùng phương pháp "bắn điểm" khiến việc ngắm bắn khó hơn nhưng giúp nghi phạm bắn nhanh hơn, ông Takakura nói, nhấn mạnh nghi phạm có vẻ không có ý định bắn từ xa.
Ông Takakura cũng cho rằng nghi phạm dùng phương pháp bắn này vì tự tin về sức mạnh của khẩu súng: “Tôi nghĩ nghi phạm đã thử bắn súng hơn một lần”.
Sự thận trọng của truyền thông Nhật Bản
Nghi phạm Yamagami được cho là đã học về lắp ráp vũ khí trong 3 năm phục vụ tại Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Khi được hỏi về động cơ gây án, Yamagami cho biết anh phẫn nộ với một tổ chức tôn giáo "có liên quan tới ông Abe".
Cụ thể, mẹ nghi phạm tham gia vào Giáo hội Thống nhất và bán đất đai thuộc sở hữu của anh để quyên góp cho tổ chức này dù chưa được phép. Số tiền quyên góp đã khiến người phụ nữ khánh kiệt và phá hoại cuộc sống gia đình anh.
Tuy nhiên, trước khi có sự xác nhận từ phía cảnh sát, truyền thông Nhật Bản luôn né tránh việc đề cập trực tiếp đến giáo hội này, dù trên mạng xã hội dày đặc thông tin ngay sau khi nghi phạm giải thích động cơ gây án.
Theo ông Axel Klein, giáo sư khoa học xã hội Đông Á và chính trị Nhật Bản tại Đại học Duisburg-Essen, tình trạng đó xuất phát từ những quy tắc “ngầm” trong giới truyền thông nội địa.
“Việc báo chí không nhắc tới tên của Giáo hội Thống nhất cho đến khi cảnh sát chính thức xác nhận xuất phát từ nhiều nguyên tắc. Điều đó cho thấy khả năng đưa tin nhanh nhất có thể và dựa trên nghiên cứu điều tra ban đầu không phải là mục tiêu quan trọng của các phương tiện truyền thông chính tại Nhật Bản”, ông nhận định với Zing.
Do đó, “hầu hết người nghe tin tức Nhật đều tìm những cách khác trên mạng xã hội để bổ sung cho (thông tin) trên báo chí và truyền hình”, ông cho hay.
Ông lý giải cách phương tiện thông tin đại chúng chính thống ở Nhật Bản phản ứng với vụ việc hình thành từ hai yếu tố chính.
“Đầu tiên, vụ ám sát ông Abe xảy ra 2 ngày trước cuộc bầu cử Thượng viện. Kể từ đầu những năm 1960, các phương tiện truyền thông chính thống ở Nhật Bản rất cẩn trọng để không gây ảnh hưởng nhiều hơn mức cần thiết tới các sự kiện chính trị và xã hội”, ông nói.
Vị giáo sư cho biết cách tiếp cận này bắt nguồn sau sự kiện biểu tình chống hiệp ước an ninh năm 1960. Từ tiêu chuẩn của Nhật Bản, đây là sự kiện rất bạo lực, trong đó có một người biểu tình thiệt mạng.
“Khi đó, các nhà báo đã suy ngẫm về vai trò của họ trong việc ngầm 'lôi kéo' bạo lực. Kể từ đó, truyền thông Nhật Bản cố giữ vai trò trung lập nhất có thể khi đưa tin về vận động và chính trị trước mọi đợt bầu cử”, ông nhận định.
Giáo sư đưa ra yếu tố thứ hai là các phương tiện truyền thông chính thống Nhật Bản nhất trí về một số thủ tục và quy tắc, đảm bảo họ sẽ cùng đưa ra một hệ quy chiếu cho khán giả. Ngoài ra, phương tiện truyền thông cũng khuyến nghị và tham vấn lẫn nhau về cách sử dụng các cụm từ.
“Những cụm từ này thường bị coi là không trung lập hoặc mang tính gợi ý, khiến khán giả đánh giá về một sự kiện nào đó. Trong trường hợp của ông Abe, ‘tấn công’, ‘giết người’, ‘sát hại’ đều là những cụm ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa”, ông Klein nhận xét.