Điều cấm kỵ trong hồ sơ xin việc
Những bản sơ yếu lý lịch ấn tượng thường mang thông điệp về công việc ứng viên làm tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều người lại không chú ý đến điều này.
Gary Burnison là giám đốc điều hành của mạng lưới tuyển dụng lớn Korn Ferry. Ông đồng thời là tác giả của cuốn sách Advance: The Ultimate How-to Guide for your Career - tác phẩm trong danh sách bán chạy của New York Times.
Trong cuốn sách này, ông chia sẻ cái nhìn của người trong cuộc về mọi thứ mà bạn cần kiểm soát với sự nghiệp. Ông cũng là tác giả của Lose the Resume, Land the Job về những quyết định quan trọng khi chúng ta thất nghiệp.
Trong hơn 20 năm làm ngành tuyển dụng, Gary Burnison cho hay ông đã xem xét hàng nghìn hồ sơ xin việc. Ông tiết lộ chỉ ít trong số đó mang lại sự thuyết phục, hấp dẫn nhà tuyển dụng.
Dưới đây là những lỗi sai trong hồ sơ xin việc, sơ yếu lý lịch của hàng nghìn người, khiến ứng viên thường bị nhà tuyển dụng từ chối.
Không có mục tiêu rõ ràng
Tác giả Gary Burnison cho hay ông thường xuyên đọc được những hồ sơ mà ở đó ứng viên viết mục tiêu nghề nghiệp quá lan man hoặc quá ngắn, không đúng trọng tâm.
Theo ông, những ứng viên viết mục tiêu “tìm kiếm vị trí lãnh đạo nhóm đầy thử thách” không sai, nhưng nó không cho thấy bạn là ứng viên tiềm năng mà nhà tuyển dụng tìm kiểm. Bởi, hàng triệu người khác cũng đều có mong muốn như vậy. Quan trọng là họ làm gì và có gì để thực hiện nó.
Theo vị chuyên gia này, “các bản sơ yếu lý lịch ấn tượng nhất miêu tả cách súc tích và hấp dẫn được thông điệp đâu là điều họ làm tốt nhất”. Tuy nhiên, ở phần mục tiêu, đáng lẽ chúng ta cần thể hiện rõ tham vọng nghề nghiệp của mình thì nhiều người chỉ viết sơ sài.
Gary đưa ra một số ví dụ về cách viết mục tiêu sai lầm như: Chuyên gia an ninh mạng làm việc tại San Jose, California (làm việc từ xa nhưng sẵn sàng đi công tác) tìm kiếm vai trò quản lý một nhóm chuyên gia toàn cầu có cùng chí hướng; tìm kiếm cơ hội để tạo ra sự khác biệt, thay đổi thế giới.
Gary phân tích mục tiêu đầu tiên nghe rất cụ thể nhưng nó lại giống nhu cầu cá nhân của ứng viên hơn là gắn với chiến lược, sự phát triển của doanh nghiệp. Mục tiêu thứ hai bị đánh giá là mơ hồ, thậm chí quá tự phụ.
Dựa trên những phân tích trên, Gary khuyên chúng ta nên tóm tắt những điểm mạnh của mình và tham vọng nghề nghiệp sẽ giúp ích cho vị trí tuyển dụng của công ty.
Hồ sơ dày đặc chữ
Ngay cả bản thân chúng ta cũng không muốn đọc tờ giấy dày đặc chữ, nhà tuyển dụng cũng vậy. Mọi người có xu hướng đọc từ trái sang phải và họ chỉ dành trung bình 10 giây hoặc thậm chí ít hơn để xem xét các hồ sơ. Nó đồng nghĩa họ đọc lướt hơn là từng câu.
Vì vậy, bạn cần có một hồ sơ ứng tuyển đủ hấp dẫn, ngắn gọn, súc tích, chỉ tập trung những điểm cốt lõi. Tuy nhiên, nếu ngắn quá, bạn cũng dễ bị nhà tuyển dụng đánh giá sơ sài, không nổi bật. Cách trình bày tối ưu trong hồ sơ là dài tối đa 2 trang.
Ngoài ra, lỗi chính tả, ngữ pháp cũng là điều tối kỵ trong hồ sơ xin việc. Điểm này không những cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, nhiều nhà tuyển dụng khó tính sẽ đánh giá bạn cẩu thả, thiếu chỉn chu từ điều nhỏ nhất.
Kinh nghiệm làm việc không liên quan
Khi viết sơ yếu lý lịch, bạn nên liệt kê kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng có tính định lượng, liên quan cụ thể đến vị trí đang ứng tuyển. Kinh nghiệm làm việc nên là điều mà hữu ích với nhà ứng tuyển.
Ví dụ, bạn đang ứng tuyển vào vị trí dịch vụ khách hàng nhưng kinh nghiệm chỉ giới hạn ở việc làm thu ngân. Thay vì liệt kê chi tiết về việc sổ sách, tính toán, bạn có thể nêu bật ưu điểm tương tác, giao tiếp và giúp đỡ khách hàng ra sao.
Sơ yếu lý lịch có kèm mức lương
Việc đề xuất mức lương là quyền lợi của mọi ứng viên. Tuy nhiên, điều đó không nên xuất hiện trong hồ sơ xin việc. Làm như vậy có thể bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, nhất là những nơi khó cung cấp được mức lương bạn kỳ vọng nhưng có một số quyền lợi khác hấp dẫn không kém. Thông thường, mức lương nên được thỏa thuận trong cuộc phỏng vấn hoặc thư xin việc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-cam-ky-trong-ho-so-xin-viec-post1166849.html