Điều chế vắc xin ngăn ngừa dịch Covid-19: Cuộc đua với thời gian

Kể từ khi xuất hiện và bùng phát tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) hồi cuối tháng 12-2019, tính đến ngày 17-3 dịch Covid-19 đã lan rộng sang hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, hàng loạt quốc gia đang nỗ lực ngày đêm, chạy đua với thời gian để tìm ra phương thức ngăn ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

Dược sĩ Michael Witte tiêm thử nghiệm mũi vắc xin Covid-19 cho tình nguyện viên Neal Browning tại Seattle (Mỹ).

Ngày 16-3, dư luận thế giới đón nhận một tin vui khi Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19 dựa trên vật liệu di truyền RNA (axit ribonucleic) tại Viện Y tế Kaiser Permanente Washington ở thành phố Seattle. Cuộc thử nghiệm được tiến hành với sự tham gia của 45 tình nguyện viên trẻ tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Những người tình nguyện tham gia thử nghiệm sẽ không đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh do vắc xin không có vi rút Covid-19 trong thành phần điều chế. Mục đích của việc thử nghiệm nhằm xác định loại vắc xin này có gây ra tác dụng phụ hay không, từ đó mở đường cho các cuộc thử nghiệm ở quy mô lớn hơn.

Tại Trung Quốc, giới khoa học cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong nỗ lực phát triển vắc xin RNA chống lại SARS-CoV-2. Theo Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, vắc xin RNA ra đời là sự hợp tác giữa Công ty Stermirna Therapeutics và Bệnh viện Đông Thượng Hải. Hiện vắc xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm sơ bộ trên các loài linh trưởng, dự kiến tiến tới thử nghiệm lâm sàng ngay trong tháng 4 tới. Ngoài vắc xin RNA, Trung Quốc hiện cũng phát triển vắc xin nhóm kháng nguyên khối u (VLP) dựa trên việc cấy vi rút để tạo kháng thể từ chuột.

Trong nỗ lực điều chế vắc xin ngừa Covid-19, Viện Pasteur tại Paris (Pháp) cũng đang gấp rút thử nghiệm một loại vắc xin dựa trên vắc xin chống bệnh sởi. Giáo sư Christiane Gerke, người đứng đầu những chương trình nghiên cứu vắc xin tại viện này cho biết, các thử nghiệm đạt kết quả khả quan và vắc xin có thể tăng khả năng miễn dịch.

Glaxosmithkline, hãng dược đa quốc gia có trụ sở ở London (Anh) thông báo, Trường Đại học Queensland có thể tiếp cận những công nghệ hỗ trợ chế tạo vắc xin của các hãng dược Anh. Hãng này cũng cho biết đã phối hợp với Công ty Công nghệ sinh học Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc trong nghiên cứu chế tạo vắc xin ngăn ngừa dịch Covid-19.

Bên cạnh vắc xin, hiện nay thế giới cũng đã đạt được những bước tiến ban đầu trong việc tạo ra thuốc đặc trị SARS-CoV-2. Điển hình là việc Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học Flemish (Bỉ) ngày 16-3 đã tuyên bố phát hiện ra kháng thể có thể vô hiệu hóa loại vi rút này, mở ra hy vọng phát triển một loại thuốc khống chế SARS-CoV-2.

Theo các chuyên gia y tế, thế giới hiện có khoảng 35 công ty và các tổ chức nghiên cứu đang nỗ lực chạy đua trong việc điều chế vắc xin ngăn ngừa dịch Covid-19, với các đơn vị mũi nhọn nằm tại Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp... Ít nhất có 4 trong số 35 đơn vị này bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người và động vật. Có được sự phát triển nhanh chóng như vậy một phần nhờ vào những nỗ lực ban đầu của Trung Quốc trong việc giải mã trình tự vật liệu di truyền của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc có được vắc xin hay thuốc đặc trị Covid-19 hoàn chỉnh mới chỉ là bước tiến đầu tiên. Sau khi được phê chuẩn, việc sản xuất với số lượng đủ lớn cung cấp cho toàn thế giới còn là một thách thức rất lớn.

Kể từ khi Covid-19 bùng phát, nghiên cứu khoa học về điều trị, thuốc và vắc xin hiệu quả đã trở thành một nỗ lực toàn cầu. Bằng quyết tâm và sự đồng lòng, thế giới đang nỗ lực chế tạo thành công vắc xin có khả năng ngăn ngừa và loại bỏ hoàn toàn căn bệnh nguy hiểm chết người này.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/961421/dieu-che-vac-xin-ngan-ngua-dich-covid-19-cuoc-dua-voi-thoi-gian