Điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện từ ngày 20/8/2019, bao gồm giá khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) và ngoài phạm vi BHYT. Đối với tỉnh Quảng Trị, tại kì họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VII, dự thảo đề án 'Thực hiện thay đổi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các đối tượng không do quỹ BHYT chi trả tại các cơ sở y tế của nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị' được trình để xem xét, thông qua.

 Nhiều dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá đối với người không có thẻ BHYT. Ảnh: BB

Nhiều dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá đối với người không có thẻ BHYT. Ảnh: BB

Đến ngày 31/10/2019, toàn tỉnh có 590.108 người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 93,32% so với dân số. Như vậy là còn gần 6,7% dân số phải chi trả trực tiếp khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 400 - 500 bệnh nhân đến khám chữa bệnh, số lượt điều trị nội trú 900 - 1.200 bệnh nhân/ngày. Trong số đó, có hơn 95% số người dân có thẻ BHYT và được hỗ trợ chi phí điều trị nằm viện tùy theo từng loại bệnh, tuy nhiên vẫn có gần 5% chưa có thẻ BHYT, phải chi trả 100% tiền khám chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Trang, ở Triệu An, Triệu Phong chia sẻ: “Chúng tôi cũng biết được việc tham gia BHYT sẽ rất có lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh, tuy nhiên hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên chưa có điều kiện tham gia BHYT. Nghe thông tin sắp tới những ai chưa có thẻ BHYT thì giá dịch vụ khám chữa bệnh có tăng lên, chúng tôi cũng lo lắng”.

Tại Quảng Trị, đối với các đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT hiện nay đang thực hiện thu viện phí theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 29/7/2017 của HĐND tỉnh về việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh, được xây dựng trên mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP. Năm 2018, ngành y tế thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng không tham gia BHYT và các khoản thu dịch vụ hợp pháp khác là 67,387 tỉ đồng, năm 2019 dự kiến thu 78,242 tỉ đồng.

Theo quy định tại Thông tư 13 của Bộ Y tế thì không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/QĐ-CP ngày 15/5/2018) sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/ NĐ-CP ngày 9/5/2019).

Với mục đích nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo công bằng thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng và hướng tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, trong khi ngân sách nhà nước không bù đắp việc khám chữa bệnh cho đối tượng không tham gia BHYT và phần chênh lệch theo mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng tăng lên 1,49 triệu đồng nên việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho các đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo định mức thông tư 14/2019/TTBYT ngày 5/7/2019 được áp dụng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là rất cần thiết. Đồng thời đảm bảo sự bình đẳng về giá khám chữa bệnh giữa đối tượng có thẻ khám chữa bệnh BHYT và đối tượng không tham gia thẻ BHYT, qua đó nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Theo dự thảo đề án, sau khi áp dụng việc điều chỉnh, sẽ có 5 dịch vụ khám bệnh thấp so Nghị quyết số 12/2017NQHĐND; 1 dịch vụ khám bệnh ngang giá, 3 kĩ thuật tăng 20% so với Quyết định số 20/2017QĐ-UBND. Các danh mục tiền giường tăng từ 6%-27% so với Nghị quyết số 12/2017NQ-HĐND. Điều chỉnh giá 1.937 dịch vụ kĩ thuật y tế tăng và giảm so với Nghị quyết số 12/2017NQ-HĐND và phù hợp với Thông tư số 14/2019/TTBYT. Theo cách điều chỉnh giá như trên, giá dịch vụ y tế đề xuất có phần tăng nhưng không đáng kể thì nhóm có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT đều được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao. Ngoài ra, việc áp dụng điều chỉnh mức viện phí này không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100%.

Tuy nhiên nhiều người dân băn khoăn là giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh của các cơ sở y tế liệu có tương xứng hay không? Trên thực tế vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn chăm chú khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn xem nhẹ, phân biệt đối xử với người khám chữa bệnh có thẻ BHYT. Vì vậy, đồng thời với việc áp dụng thay đổi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các đối tượng không do quỹ BHYT chi trả, để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho người bệnh. Đồng thời các địa phương, tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động người dân tham gia BHYT để được hưởng nhiều quyền lợi chăm sóc sức khỏe.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144497