Điều chỉnh giá điện chịu nhiều sức ép, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế
Điều chỉnh giá điện chịu nhiều sức ép dư luận, Bộ Công thương đề xuất sửa Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định thay vì Thủ tướng.
Chính phủ quy định cơ chế giá điện thay vì Thủ tướng Chính phủ
Bộ Công thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về sửa đổi Luật Điện lực. Đây là lần đầu luật này được đề nghị sửa sau gần 20 năm thi hành.
Bộ này đề nghị sửa 5 vấn đề lớn gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; các quy định về điều kiện hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường cạnh tranh; quản lý vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; điều chỉnh phụ tải điện...
Về vấn đề quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường cạnh tranh, việc sửa đổi để đưa cơ chế giá điện theo thị trường được Bộ Công thương lưu ý.
Theo cơ quan này, điện là loại hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá điện chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế vĩ mô.
Do đó, việc quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện cần có tính pháp lý cao hơn so với quy định hiện hành để đảm bảo sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Bộ Công thương cho rằng, cần sửa quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng Chính phủ ban hành Nghị định, thay Thủ tướng ban hành quyết định như hiện nay.
Trong đó, quy định thẩm quyền điều chỉnh theo từng mức gồm Chính phủ và đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN).
Việc này được Bộ Công thương lý giải là, để đảm bảo sự phù hợp với các quy định pháp luật khác. Đơn cử, Khoản 3 Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định Chính phủ có thẩm quyền “quyết định chính sách cụ thể về tài chính, tiền tệ quốc gia, tiền lương, giá cả ”.
Giá điện cần sát thị trường, xóa bỏ bù chéo
Ngoài ra, theo Bộ Công thương, cần bổ sung thêm các nội dung liên quan đến thẩm quyền hướng dẫn phương pháp lập giá phát điện, giá bán buôn điện... thành các điều, khoản của Luật.
Thời gian qua, để thu hút đầu tư tư nhân vào khâu phát điện, các dự án phát điện theo hình thức IPP, BOT (có chủ đầu tư không phải Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã thỏa thuận, đàm phán, ký kết họp đồng mua bán điện với tỷ suất sinh lợi nhuận nội tại về tài chính (IRR) phổ biến ở mức từ 10-12%.
“Mức sinh lời này cao hơn mức tỷ suất áp dụng cho các đơn vị phát điện hạch toán phụ thuộc EVN (như thủy điện đa mục tiêu) và các khâu khác (truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện) do vẫn thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước (thông thường ở mức 3% hoặc thấp tùy tình hình cân đối tài chính của EVN hàng năm, đặc biệt trong các năm không thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện).
Do đó, Bộ Công thương cho hay sẽ bổ sung chính sách giá điện để giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền. Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng quy định liên quan đến các loại giá điện, “cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện” phù hợp với nội dung quy định tại Luật Giá (sửa đổi).
Hiện thị trường điện Việt Nam đã mở ra cạnh tranh ở khâu phát điện, bán buôn điện và sẽ tiến tới cạnh tranh khâu bán lẻ điện (dự kiến năm 2025)
Để thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định điều kiện tiên quyết là phải phân tách các khâu phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) với khâu kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh).
Do đó, cần sửa đổi để luật hóa những quy định liên quan đến 2 yếu tố nêu trên. Đồng thời luật hóa hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng, thanh toán tiền điện bảo lãnh thanh toán... nhằm đảm bảo công khai, thống nhất, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.