Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở
Với mức lương cơ sở mới 2,34 triệu đồng, giá khám bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ là 50.600 đồng, trước đó là 42.100 đồng.
Ngày 14/11, Bộ Y tế cho biết, đến nay Bộ đã phê duyệt giá khám chữa bệnh tại 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.
Lý giải về việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng, Bộ Y tế thông tin, Nghị định 96/2023/NĐ-CP cho phép các đơn vị được thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt đến khi có quy định mới nhưng không muộn hơn 31/12/2024.
Nghĩa là từ nay đến 31/12/2024, các cơ sở KBCB phải triển khai phê duyệt giá KBCB theo đúng thẩm quyền quy định của Luật KBCB.
Căn cứ Nghị định 73/2024/NĐ-CP, Thông tư 21/2024/TT-BYT về phương pháp định giá dịch vụ KBCB, các cơ sở KBCB thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành xây dựng Hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí: Giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã phê duyệt giá KBCB cho một số bệnh viện gồm 5 bệnh viện hạng đặc biệt và khoảng 10 bệnh viện hạng I.
Các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện phê duyệt giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở KBCB trên địa bàn không cao hơn mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định.
Cấp có thẩm quyền phê duyệt giá ngày nào thì đơn vị được thực hiện thu theo mức giá mới từ ngày đó.
Đánh giá về tác động điều chỉnh giá dịch vụ KBCB, Bộ Y tế cho rằng, so sánh chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (lũy kế kết dư năm 2023), đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ KBCB nên quỹ BHYT đủ khả năng cân đối.
Bộ Y tế cho biết thêm, về tác động với người dân, đối tượng tham gia BHYT, thì với đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng.
Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.
Đối tượng chưa có thẻ BHYT (khoảng 8% dân số) chịu ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ KBCB.