Điều chỉnh giấy tờ miễn phí cho người dân khi Thủ Đức lên thành phố
Lãnh đạo quận 2 cho biết nhiều người dân chia sẻ nỗi lo lớn nhất là phải chuyển đổi toàn bộ giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, nhà ở, tài khoản ngân hàng…và mong muốn được phục vụ miễn phí khi phải thực hiện việc điều chỉnh.
Ngày 26/12, tại buổi làm việc của Thành ủy TPHCM với Quận ủy Quận 9, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/3/2021, các cơ quan hành chính của 3 quận (2, 9, Thủ Đức) và 19 phường sắp xếp vẫn giải quyết thủ tục bình thường cho người dân.
Từ ngày 1/3, khi chính thức đi vào hoạt động, UBND TP Thủ Đức và 9 phường mới sẽ chính thức giải quyết thủ tục, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách liên tục.
“Trách nhiệm của cơ quan hành chính là chuyển đổi giấy tờ cho người dân và không được thu phí. Trường hợp người dân chưa chuyển đổi, mà giấy tờ vẫn còn thời hạn, thì giấy tờ cũ vẫn được sử dụng bình thường; nếu giấy tờ hết hạn thì cần chuyển đổi”, ông Nhân nói.
Trước đó, chiều 25/12, làm việc với đoàn công tác của Thành ủy TPHCM, Bí thư Quận ủy Quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết nhiều người dân chia sẻ nỗi lo lớn nhất là phải chuyển đổi toàn bộ giấy tờ từ chứng minh nhân dân, hộ khẩu, nhà ở, tài khoản ngân hàng…
“Người dân mong muốn, đề xuất cơ quan hành chính, cơ quan công an tổ chức các đợt đến nhà giải quyết việc điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cho người dân bị ảnh hưởng hoặc giải quyết ngoài giờ hành chính tại trụ sở phường. Ngoài ra, người dân cũng mong muốn nhà nước không thu phí khi người dân chỉnh sửa các loại giấy tờ do việc thay đổi tên phường”, ông Hưng nói.
Bí thư Quận ủy Quận 2 cho hay người dân trong quận mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến người dân thật kỹ trước khi thực hiện đề án và cần có những chủ trương, chính sách về định hướng phát triển hợp lý; tổ chức quy hoạch và công tác quản lý phải thực sự khoa học để đảm bảo sự phát triển bền vững của TP Thủ Đức trong tương lai, đảm bảo cho người dân thực sự là đối tượng thụ hưởng những giá trị tốt đẹp như định hướng phát triển của TP Thủ Đức.
Về tâm tư nguyện vọng của cán bộ công chức khi thực hiện việc sáp nhập, ông Nguyễn Phước Hưng nói một số cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức quận còn rất băn khoăn đến vị trí, việc làm của mình sau khi thành lập TP Thủ Đức với số lượng cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức dư ra sau khi sáp nhập.
“Nhiều cán bộ công chức thuộc các phường trong diện sáp nhập còn băn khoăn chưa biết cách bố trí nhân sự như thế nào cho phù hợp với từng chức danh, nhiệm vụ, địa điểm làm việc của cán bộ, công chức”, ông Hưng bày tỏ.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ, lãnh đạo TPHCM đã tiên liệu được một số phát sinh và có hướng xử lý. Theo đó, khi bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết 1111 thì đồng thời thảo luận về xử lý các việc tồn đọng còn lại trên các địa bàn có liên quan, trước hết là khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết việc thành lập TP Thủ Đức, bên cạnh những phấn khởi sẽ có những tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, người dân nhưng vì sự phát triển phải chấp nhận chia tay cái cũ, phát triển cái mới.
“Đây là tâm tư chính đáng, quan điểm của lãnh đạo TPHCM là khi thực hiện thì hạn chế tối đa thiệt thòi đối với cán bộ. Đối với người dân thì hạn chế tối đa những khó khăn, ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển tiếp”, ông Nên khẳng định.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói, TP Thủ Đức có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM, của vùng và sẽ đóng góp ngân sách lớn cho cả nước. Do đó, lãnh đạo TPHCM mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức cùng chia sẻ, khắc phục các thiệt thòi có thể xảy ra, vì mục tiêu lớn hơn là vì tương lai phát triển của TP Thủ Đức, của TPHCM và cả nước.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM lưu ý: Hiện nay đã gần đến Tết Nguyên đán, có nhiều việc cần giải quyết, trong đó có thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo tết đối với các trường hợp khó khăn cũng như giữ gìn an ninh trật tự để người dân hưởng tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm… phải đảm bảo một cách trọn vẹn trước, trong và sau Tết.