Điều chỉnh hành vi ứng xử để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
'Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng' vừa được Bộ TT&TT ban hành. Bộ quy tắc sẽ góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của mọi người, từ đó kiến tạo môi trường mạng tích cực và lành mạnh cho trẻ em.
Huy động sự chung tay bảo vệ trẻ em trên mạng
Bộ TT&TT vừa ban hành “Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, quy định về hành vi ứng xử và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động trên mạng.
Ngoài nhóm quy tắc chung áp dụng cho mọi người, bộ quy tắc cũng đưa ra các quy tắc cho 5 nhóm đối tượng gồm: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên; người dùng trên môi trường mạng; tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; và trẻ em.
Thông tin với VietNamNet, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, “Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các quy định bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tham khảo khung của các bộ quy tắc khác đã được ban hành.
Đồng thời, cũng xuất phát từ thực tiễn các vụ việc đã xảy ra trên môi trường mạng, những khoảng trống giữa thực tế và hành lang pháp lý về bảo vệ trẻ em trên mạng hiện nay.
Việc Bộ TT&TT xây dựng và ban hành “Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, là nhằm mục đích xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hành vi, ứng xử cho người sử dụng Internet, từ đó thúc đẩy môi trường mạng an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bộ quy tắc cũng hướng tới nâng cao nhận thức của xã hội về các rủi ro mà trẻ em phải đối mặt khi hoạt động trên môi trường mạng; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cùng với đó, thúc đẩy việc phản ánh, thông báo các nội dung độc hại và các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tới các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet ngày 24/1, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, nhận xét: Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là bước tiếp theo rất cần thiết để có thể nâng cao kiến thức, nhận thức về bảo vệ trẻ em trên mạng. Bộ quy tắc cũng sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia vào không gian mạng trong bối cảnh hiện nay.
Giai đoạn trước, Việt Nam đã có nhiều văn bản, quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tiêu biểu như Luật Trẻ em, chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025.
Gần đây, Nghị định 147 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, cũng có nhiều quy định tập trung vào bảo vệ an toàn cho trẻ trên không gian mạng.
Cần kiểm soát chặt nguồn thông tin, nội dung cung cấp tới trẻ em
Cũng theo Phó Chủ tịch VNISA Ngô Tuấn Anh, với các quy tắc ứng xử áp dụng cho 5 nhóm đối tượng, các chủ thể tham gia hoạt động trên môi trường mạng có thể nhận thức rõ vai trò cũng như các quy tắc mà mình cần tuân thủ trong việc ứng xử trên môi trường mạng dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng quyền riêng tư và an toàn của trẻ.
“Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử không chỉ của trẻ em, cha mẹ hay người giám hộ mà cả của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nội dung và nền tảng trên Internet. Nhờ đó, khi được phổ biến sâu rộng, bộ quy tắc có thể tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc cùng nhau kiến tạo môi trường mạng tích cực, lành mạnh cho trẻ em”, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để bộ quy tắc sớm đi vào thực tiễn, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng: Bên cạnh tuyên truyền về bộ quy tắc cho mọi người dân biết và áp dụng, cơ quan nhà nước vẫn cần có chế tài chặt chẽ hơn với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nền tảng, nội dung trên mạng để có thể kiểm soát được nguồn thông tin, nội dung cung cấp tới trẻ em.
Thực tế, với vai trò của mình, Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng đã có những hoạt động tuyên truyền đầu tiên về bộ quy tắc tới các thành viên của mình, đồng thời đã bổ sung nội dung liên quan đến triển khai bộ quy tắc vào kế hoạch hoạt động của Câu lạc bộ trong năm 2025.
Cụ thể, các nội dung về bộ quy tắc sẽ được lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức được Câu lạc bộ tổ chức trong năm nay, thông qua các kênh thông tin với nhiều hình thức mới, dễ hiểu, dễ thẩm thấu tới từng đối tượng cụ thể.
Các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên mạng cũng sẽ được tổ chức theo chiều sâu, thông qua các dự án ở từng vùng, từng địa phương, các trường học…
“Trong năm 2025, với việc kết nối cùng các tổ chức, doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ có nhiều hoạt động để đưa thêm các giải pháp, dịch vụ và các nội dung nhằm góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em”, ông Ngô Tuấn Anh cho hay.