Điều chỉnh linh hoạt biện pháp ứng phó dịch
Không chỉ tập trung ở khu vực trọng điểm, những ngày gần đây, số người mắc Covid-19 đang tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Các địa phương đang bám sát địa bàn, điều chỉnh linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch sát với thực tế.
Ngăn chặn dịch xâm nhập khu công nghiệp
Liên tiếp mấy ngày qua số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Bạc Liêu tăng mạnh, là tỉnh có nhiều F0 trong cộng đồng nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 31/10, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận thêm 414 ca mắc mới, trong đó có đến 143 ca cộng đồng. Trong 217 ca ghi nhận tại các khu cách ly tập trung, có đến 193 ca liên quan đến chuỗi lây nhiễm xảy ra tại Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi và Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Châu Bá Thảo, đều ở thị xã Giá Rai.
Một trong những nguyên nhân số người mắc và tử vong do Covid-19 tại Bạc Liêu mấy ngày qua tăng cao là do công tác tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân còn hạn chế. Ngoài ra, những người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tự phát trở về địa phương đông, trong đó có nhiều người nhiễm Covid-19, đây cũng là nguồn lây làm gia tăng số người mắc mới trên địa bàn mấy ngày qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang rất quyết tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, giảm số ca mắc và chết do Covid-19. Tuy nhiên, do tiềm lực có hạn, nên tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong công tác này, nhất là thiếu trang thiết bị và kinh nghiệm xử lý trong phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, số ca mắc mới đã vượt quá kịch bản mà tỉnh xây dựng, điều đó đã khiến cho ngành y tế đứng trước nguy cơ quá tải trong công tác điều trị. Đáng lo ngại nhất là số ca nhiễm trong các nhà máy, xí nghiệp đang tăng cao, nhất là tại các nhà máy chế biến thủy sản ở thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn công nhân lao động tập trung. Hiện Bạc Liêu đã có 9/64 đơn vị xã ở mức cấp độ 4 (nguy cơ rất cao - vùng đỏ).
Trước tình hình này, Bạc Liêu đang huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng F0; nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm thấp nhất số ca mắc tử vong. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong khi số ca F0 trong cộng đồng tăng cao đã gây áp lực rất lớn các cơ sở y tế, nên tỉnh Bạc Liêu rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố để sớm kiểm soát dịch bệnh.
Tại tỉnh Bắc Giang, dịch cũng đang có nguy cơ tấn công vào khu công nghiệp (KCN) khi từ ngày 26/10 đến nay, trên địa bàn xuất hiện hai ổ dịch tại xã Thượng Lan và Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam thuộc KCN Quang Châu (huyện Việt Yên). Nếu như ổ dịch tại xã Thượng Lan phát hiện 21 ca nhiễm chủ yếu là cán bộ, học sinh (đã xác định được nguồn lây và đang từng bước được khống chế) thì tại ổ dịch ở Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (đã phát hiện 30 F0) có dấu hiệu lây lan các doanh nghiệp khác. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khoanh vùng xử lý ổ dịch và truy vết những người tiếp xúc gần. Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát sinh thêm nhiều F0 mới ngoài cộng đồng, trong doanh nghiệp khác, tại khu cách ly, từ những người về từ vùng dịch.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang cũng triển khai tăng cường giám sát những người cung ứng vật tư, xe vận chuyển, chuyên gia, người lao động từ tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố có dịch vào địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đồng thời tầm soát xét nghiệm Covid-19 cho lao động làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn. Riêng tại Công ty TNHH Luxshase - ICT Việt Nam thuộc KCN Quang Châu, 100% người lao động tại Xưởng D (BU20) được xét nghiệm hai ngày/lần; 100% người lao động các xưởng, khu vực còn lại trong công ty được xét nghiệm ba ngày/lần; người lao động trong các doanh nghiệp khác trong các KCN, cụm công nghiệp được xét nghiệm ba ngày/lần. Thực hiện ít nhất ba chu kỳ xét nghiệm (10 ngày), nếu tình hình dịch ổn định thì giảm tần suất xét nghiệm và sau đó căn cứ tình hình dịch sẽ điều chỉnh phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận định, đến nay ổ dịch ở xã Thượng Lan được khống chế. Riêng ổ dịch tại Công ty TNHH Luxshase - ICT Việt Nam xuất hiện trong công ty lớn, đông công nhân trong KCN là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang phát hiện sớm, ổ dịch đang ở chu kỳ lây nhiễm đầu tiên, chưa có lây nhiễm thứ phát sang những người ở cùng nhà, cùng phòng trọ. Tỉnh cũng đã nhanh chóng chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ doanh nghiệp trong các KCN... Đáng chú ý, do tỷ lệ người lao động trong KCN đã được tiêm vắc-xin cao, cho nên giảm thiểu tốc độ lây lan.
Nâng cấp độ, chống dịch linh hoạt
Sau khi mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, tại TP Cần Thơ xuất hiện các ca F0 từ bên ngoài xâm nhập vào; cùng với đó là sự chủ quan trong công tác phòng, chống dịch của một bộ phận cán bộ, người dân; công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ... Trưa 31/10, TP Cần Thơ thông báo phát hiện 178 ca mắc Covid-19 (F0) ở tất cả 9 quận, huyện, cao nhất từ khi chuyển về trạng thái bình thường mới. Từ ngày 20 đến 31/10, thành phố ghi nhận thêm gần 1.000 ca F0, trong đó, có nhiều F0 trong cộng đồng, trong khu phong tỏa, đang cách ly tại nhà. TP Cần Thơ xuất hiện các ổ dịch lớn ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong các khu dân cư ở các quận, huyện, F0 ở Công ty Thủy sản Cá Việt Nam (KCN Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (KCN Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn).
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, UBND TP Cần Thơ thay đổi cấp độ dịch, nâng từ cấp độ 1 (nguy cơ thấp) lên cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) toàn thành phố để phòng, chống dịch. UBND TP Cần Thơ yêu cầu khẩn trương tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, kể cả tiêm cho người dân tạm trú để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Ngành y tế có kế hoạch tầm soát, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng phù hợp; tập trung tập huấn, hướng dẫn và trang bị trạm y tế, bảo đảm mỗi một trạm y tế thu dung điều trị mười F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Các sở, ngành, quận, huyện hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Về phía doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cần có phương án sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình mới, nhất là kiểm soát lịch trình di chuyển của công nhân để tránh bị lây nhiễm.
Tình hình dịch cũng đang nóng lên ở Sóc Trăng khi đến ngày 31/10, tỉnh Sóc Trăng đã có 5.384 người nhiễm Covid-19. Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh) sang cấp độ 2 (vùng vàng) kể từ ngày 2/11. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu - Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, chức sắc các tôn giáo và toàn thể nhân dân cùng đoàn kết, đồng lòng và ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với các giải pháp hạn chế ra đường khi không cần thiết, người lao động tuân thủ “1 cung đường, 2 điểm đến” và thông điệp 5K.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, những ngày gần đây các chùm ca bệnh mới xuất hiện có diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm lan rộng. Do vậy, Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương tập trung sàng lọc để tách F0 khỏi cộng đồng. Khi phát hiện ca F0 phải nhanh chóng phong tỏa phù hợp; nguyên tắc phong tỏa hẹp, khoanh vùng rộng, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm thần tốc, khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết. Đề cao kỷ luật kỷ cương trong khu vực cách ly; bố trí đủ lực lượng phục vụ người dân trong khu cách ly. Chấn chỉnh lại các khung tại khu cách ly tập trung; thành lập các tổ tuần tra để kiểm soát dịch bệnh...
Trong hai tuần qua số ca nhiễm Covid-19 tại An Giang tăng cao và đến ngày 31/10 toàn tỉnh có 11.193 ca bệnh. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh này, số ca F0 tăng cao do lượng người dân về từ các tỉnh, thành phố quá nhiều, từ sau ngày 1/10 đến nay, tỉnh này tiếp nhận hơn 65 nghìn người từ các địa phương trở về và đã có 1.163 ca dương tính với SARS- CoV-2. Đáng chú ý, từ sau ngày 19/10, An Giang xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh An Giang; thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới); và một số ổ dịch nhỏ lẻ ở TP Long Xuyên...
Các điểm nóng nhất là huyện Chợ Mới và TP Long Xuyên nên Chợ Mới đã nâng lên cấp độ 3 toàn huyện; TP Long Xuyên quyết định từ 5 giờ sáng 31/10 các cơ sở, dịch vụ ăn uống tại địa phương chỉ bán mang đi, không phục vụ tại chỗ. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, từ ngày 1/10 đến nay số ca F0 tăng cao do lượng người về từ các tỉnh quá đông, bên cạnh đó nguồn lây còn liên quan đến một số người vào tỉnh theo đường mòn, lối mở né tránh khai báo y tế; một số người trong khu phong tỏa và cách ly tại nhà ý thức phòng, chống dịch chưa cao; một số công nhân ngụ TP Long Xuyên qua lại TP Cần Thơ làm công dẫn đến nguồn lây nhiễm cho Long Xuyên...
Để hạn chế dịch bệnh, UBND tỉnh An Giang tiếp tục duy trì chốt kiểm soát đặt trước cửa ngõ vào TP Long Xuyên; yêu cầu 11 huyện, thị, chỉ đạo các tổ phản ứng nhanh phối hợp chặt chẽ với tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng công an địa phương, tổ dân phố quản lý chặt các đối tượng lạ mặt khi đến địa phương, nơi cư trú, khóm, ấp, khu dân cư... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế và giám sát chặt chẽ các trường hợp này. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ đối với người dân tại các khu vực phong tỏa và người dân đang thực hiện cách ly tại nhà; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ việc cách ly tại nhà theo quy định.