Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh càng chậm càng khó
Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) không chỉ giảm gánh nặng thuế cho người lao động, mà còn giúp kích thích tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách từ các kênh khác.
Áp lực tài chính trĩu vai
Chị Nguyễn Minh Hường (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) một mình nuôi con nhỏ hơn 2 tuổi. Để có mức thu nhập hiện nay khoảng 20 triệu đồng/tháng, chị phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối. Công việc rất bận, phải đi sớm về muộn nên chị gửi con học ở trường mầm non tư thục với mức học phí 6 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn cho con, tiền bỉm, sữa, quần áo, thực phẩm bổ sung… Mỗi tháng, chi phí nuôi con nhỏ không dưới 10 triệu đồng, nhưng hiện mức GTGC đối với con nhỏ (người phụ thuộc) chỉ 4,4 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như hiện nay, tháng nào chị cũng thiếu trước hụt sau nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Tương tự, anh Võ Văn Chức (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, mức GTGC 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc là quá thấp so với thực tế chi tiêu hiện nay. Gia đình anh có 4 người. Anh có mức lương 16 triệu đồng/tháng, còn vợ có thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Tổng chi phí cho việc học của hai con là gần 18 triệu đồng, tiền thuốc điều trị bệnh tim của anh ít nhất 3 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà và các dịch vụ điện, nước… hết 9 triệu đồng/tháng. Học phí, thuốc thang và chi phí sinh hoạt không ngừng tăng đã tạo gánh nặng lớn. Với chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ hiện nay, hàng tháng gia đình anh không có tích lũy, phải tằn tiện lắm mới đủ chi phí sinh hoạt trong khi vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, cho rằng quy định mức GTGC chỉ được thay đổi khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến đổi 20% khiến việc sửa đổi rất chậm. Chưa kể, từ năm 2020 đến nay, nền kinh tế đã có nhiều thay đổi mà vẫn áp dụng mức GTGC cũ là quá bất hợp lý. Trong 15 năm qua, chỉ có 2 lần điều chỉnh mức GTGC và mỗi lần, mức điều chỉnh cũng thấp hơn thực tế yêu cầu.

Mức GTGC đang áp dụng không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay
Mong lắm cũng phải chờ...
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố bản tổng hợp tiếp thu góp ý về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế. Trong đó, các Bộ Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin - Truyền thông,... và chính quyền một số tỉnh, thành phố đều cho rằng mức GTGC đang áp dụng không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức GTGC đối với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đề xuất tăng mức GTGC cho người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng.
Hầu hết các ý kiến đều chỉ ra một điểm bất hợp lý khác của Luật Thuế thu nhập cá nhân là khi CPI tăng 20%, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC cho phù hợp với sự biến động của giá cả. Quy định này không còn phù hợp vì lạm phát của Việt Nam chỉ tăng khoảng 3-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức GTGC. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm đều có ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế.
Cùng với đó, hiện Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) và sẽ được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026 và có thể áp dụng từ năm 2027 là quá lâu. Do đó, dư luận rất đồng tình và mong muốn dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về GTGC, sớm được hoàn thiện và thông qua để hỗ trợ người lao động, giúp giảm bớt áp lực tài chính.
Khi mức GTGC tăng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, thu nhập khả dụng của người dân cũng tăng theo, kéo theo sự gia tăng của tiêu dùng, từ đó thúc đẩy nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và các nguồn thu khác từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, người lao động có thêm năng lực để chi tiêu, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán hàng tốt hơn, mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm. Đây là một vòng quay kinh tế có lợi cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, Bộ Tài chính: Cần có cách tiếp cận đa chiều và sát thực tế

Trong khi chờ sửa đổi luật, cần cấp bách điều chỉnh tăng mức GTGC để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Việc kéo dài tình trạng này sẽ khiến đời sống người dân thêm chật vật, đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Hiện nay, CPI phản ánh biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ chung nhưng chưa thể hiện đầy đủ mức tăng của các mặt hàng thiết yếu mà người dân phải chi trả hằng ngày. Thực tế, có nhiều thời điểm CPI tăng thấp nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, y tế, giáo dục vẫn leo thang, gây áp lực lớn lên đời sống người lao động. Do đó, việc điều chỉnh mức GTGC cần có cách tiếp cận đa chiều, không chỉ dựa trên CPI mà còn tính đến mức tăng thu nhập bình quân của người dân.
Bên cạnh đó, mức GTGC không nên đồng nhất mà nên phân chia theo vùng miền để đảm bảo công bằng. Thứ nhất, tạo sự hợp lý giữa các địa phương có chi phí sinh hoạt cao và thấp. Thứ hai, nâng cao mức sống của người dân ở những vùng có chi phí sinh hoạt cao. Thứ ba, mức GTGC cao sẽ kích thích tiêu dùng và sản xuất.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch:
Tính toán mức điều chỉnh phù hợp, tránh lạc hậu và đi theo lối cũ

GTGC là khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. Mức GTGC cần được điều chỉnh dựa trên các yếu tố kinh tế và chính sách thuế tại từng thời điểm. Hiện tại, mức GTGC không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và cần thay đổi gấp.
Chi phí sinh hoạt đã tăng liên tục trong thời gian qua. Mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng hiện quá thấp, gây khó khăn cho người nộp thuế. Tương tự, mức 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng không đủ để trang trải chi phí nuôi một người phụ thuộc trong bối cảnh hiện nay. Trước đây, mức này có thể phù hợp, nhưng khi lương cơ sở, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu thay đổi, mức GTGC cũng cần được điều chỉnh kịp thời. Do đó, mức GTGC nên được nâng lên ít nhất 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 8 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Bên cạnh đó, mức GTGC cần được tính toán kỹ lưỡng dựa trên mặt bằng chi phí sinh hoạt, thu nhập bình quân và sự chênh lệch giữa các vùng. Chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn cao hơn nhiều so với các địa phương khác, nếu áp dụng cùng một mức trên toàn quốc sẽ tạo áp lực tài chính lớn hơn cho người dân đô thị. Vì vậy, có thể chia theo các nhóm khu vực để quy định mức GTGC khác nhau, tương tự cách xác định lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, quy định hiện hành chỉ cho phép điều chỉnh GTGC khi CPI tăng trên 20% là chưa hợp lý. Trên thực tế, CPI tăng 10-15% đã ảnh hưởng đáng kể đến mức sống của người dân. Việc chờ CPI tăng đủ 20% mới điều chỉnh có thể khiến người nộp thuế chịu áp lực tài chính kéo dài. Chỉ số CPI bao gồm hơn 700 loại hàng hóa và dịch vụ, nhưng người nộp thuế thường chịu tác động nhiều nhất từ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước. Với sự điều hành hiệu quả của Chính phủ gần đây, CPI có xu hướng ổn định ở mức thấp, do đó không nên lấy CPI làm căn cứ duy nhất để điều chỉnh mức GTGC. Một phương án hợp lý là điều chỉnh GTGC định kỳ 2-3 năm/lần hoặc khi CPI tăng từ 10-15% để đảm bảo theo kịp thực tế.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam:
Mấu chốt là phản ánh đúng bản chất đời sống và thu nhập của người nộp thuế

Bất cập về mức GTGC đã tồn tại từ lâu. Dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân thay thế dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10/2025. Nếu được thông qua vào tháng 5/2026, thì năm 2027 mới có thể áp dụng. Để thực hiện nhanh, Chính phủ có thể trình Quốc hội điều chỉnh một số quy định quan trọng như mức GTGC ngay trong kỳ họp gần nhất bằng một nghị quyết riêng, thay vì chờ thông qua toàn bộ luật.
Mức GTGC vẫn nên tính toán dựa trên CPI, kết hợp với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vĩ mô khác, nhằm phản ánh đúng bản chất đời sống và thu nhập của người nộp thuế. Việc điều chỉnh mức GTGC cần tiếp cận theo mức sống đô thị, đồng thời đảm bảo miền núi, nông thôn không bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, nên sửa đổi quy định để CPI chỉ cần tăng từ 5-10% là Chính phủ có thể điều chỉnh mức GTGC, thay vì 20% như hiện nay. Điều này giúp chính sách nhạy bén hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.
Ngoài ra, cần bổ sung các khoản chi phí thiết yếu như giáo dục, y tế vào diện được giảm trừ, tương tự như các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Theo tôi, mức GTGC hợp lý cho người nộp thuế nên ở khoảng 15-18 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức mà nhiều bộ, ngành và địa phương đã kiến nghị.