Điều chỉnh mức phí tại trạm thu phí Bắc Hải Vân trên Quốc lộ 1A

Ngày 21-9, đơn vị quản lý, vận hành trạm thu phí Bắc Hải Vân cho biết, từ ngày 27-9 tới, mức phí tại trạm sẽ được điều chỉnh để thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Phước Tượng-Phú Gia và dự án hầm đường bộ Hải Vân. Đây là trạm thu phí nằm trên Quốc lộ 1A ở phía Bắc của hầm đường bộ qua đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Cụ thể, mức phí thấp nhất cho xe ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt là 70.000 đồng/lượt. Xe ô tô từ 12 chỗ đến 30 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn có mức phí là 90.000 đồng/lượt. Xe ô tô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn mức phí là 140.000 đồng/lượt. Mức phí của xe tải từ 10 đến 18 tấn, xe container 20 feet là 180.000 đồng/lượt. Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet mức phí là 240.000 đồng/lượt.

 Trạm thu phí Bắc Hải Vân trên Quốc lộ 1A.

Trạm thu phí Bắc Hải Vân trên Quốc lộ 1A.

Tại công văn số 8543/BGTVT-ĐTCT ngày 10-9-2019 về điều chỉnh mức thu phí dịch vụ sử dụng trạm thu phí Bắc Hải Vân, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo hợp đồng giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thì trạm thu phí Bắc Hải Vân thu phí hoàn vốn cho hầm đường bộ Hải Vân và hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia với mức thu phí giai đoạn 2019-2020 là 90.000 đồng/xe loại 1/lượt. Bộ GTVT cho rằng mức thu này phù hợp theo Thông tư 60/TT-BGTVT. Tuy nhiên, nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã gửi văn bản tới Bộ GTVT đề xuất mức thu là 70.000 đồng/xe loại 1/lượt. Mức phí này thấp hơn mức phí quy định tại hợp đồng dự án và người dân có quyền lựa chọn trả phí để đi qua hầm an toàn, thuận tiện hoặc đi qua đường đèo không mất phí.

Việc đưa ra mức phí dịch vụ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Mức phí quy định tại Thông tư 60 đã xem xét đến tính đặc thù của công trình hầm đường bộ là công trình có tổng mức đầu tư lớn, đòi hỏi độ phức tạp về kỹ thuật. Trước đây, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định chung mức phí áp dụng cho hầm ngang bằng mức phí cầu, đường bộ. Điều này phát sinh bất cập, ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn của dự án.

Theo phương án trước đây, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Hải Vân. Từ năm 2016 khi tiếp nhận dự án đến nay, nhà đầu tư chi gần 300 tỷ đồng để vận hành hầm Hải Vân và 900 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp giai đoạn 1. Tuy nhiên, do trạm thu phí Nam Hải Vân chỉ cách trạm thu phí Bắc Hải Vân khoảng 12km, không đảm bảo quy định nên Bộ GTVT đã quyết định bỏ trạm thu phí Nam Hải Vân. Đồng thời, thu gộp phí của dự án hầm Hải Vân vào trạm Bắc Hải Vân. Tiền thu phí ưu tiên hoàn vốn cho hầm Phước Tượng-Phú Gia. Với việc không cho đặt trạm thu phí mà chỉ sử dụng nguồn tiền phân bổ khiến nhà đầu tư dự án hầm Hải Vân không đủ nguồn thu để chi trả kinh phí vận hành. Đơn vị đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có hướng tháo gỡ.

Hầm Hải Vân từ khi đi vào hoạt động vào năm 2005 đến nay đã đón gần 29 triệu lượt xe qua hầm, tạo thuận lợi trong thông thương, giảm thiểu tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Bên cạnh đó, Dự án mở rộng hầm lánh nạn của hầm đường bộ Hải Vân thành hầm chính với tổng chiều dài hơn 12,6km đang được Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả triển khai. Trong đó, đường dẫn phía Bắc dài 2,1km, đường dẫn phía Nam dài 4,3km, đường hầm dài hơn 6,2km với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, dự kiến thông xe vào tháng 10-2019 và hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2020.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dieu-chinh-muc-phi-tai-tram-thu-phi-bac-hai-van-tren-quoc-lo-1a-591642