Điều chỉnh mức sinh cao, nâng chất lượng dân số

Những năm qua, Lạng Sơn là 1 trong 33 tỉnh, thành có mức sinh cao trên toàn quốc. Để phấn đấu đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ, các cấp ngành đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để điều chỉnh mức sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế Lộc Bình tuyên truyền cho phụ nữ về chính sách Dân số - KHHGĐ

Cán bộ Trung tâm Y tế Lộc Bình tuyên truyền cho phụ nữ về chính sách Dân số - KHHGĐ

Sinh sống ở một tỉnh miền núi, biên giới, người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn chịu ảnh hưởng của nhiều hủ tục, bất bình đẳng giới như quan niệm "đông con, đông của", "trọng nam, khinh nữ"... Thêm vào đó, một bộ phận người dân có xu hướng sinh nhiều con để có nhân lực tham gia lao động, sản xuất và phụng dưỡng chăm sóc gia đình. Vì thế, so với toàn quốc, Lạng Sơn vẫn là tỉnh có mức sinh cao (năm 2020 là 2,19; năm 2021 là 2,32; năm 2022 là 2,14...) và là 1 trong 33 tỉnh, thành phố trên cả nước có mức sinh cao. Mức sinh cao ảnh hưởng đến giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Thực hiện việc điều chỉnh mức sinh cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác dân số. Cụ thể, ngày 5/10/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 tỉnh Lạng Sơn.

Ông Hoàng Văn Từ, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của tỉnh và Sở Y tế, những năm qua, chi cục đã cụ thể hóa từng nội dung, chủ động xây dựng kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan củng cố mạng lưới cán bộ chuyên trách, đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tư vấn cung ứng các dịch vụ KHHGĐ được đặc biệt chú trọng và tập trung vào các địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao.

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã yêu cầu, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan dân số trên địa bàn tỉnh đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng thực hiện đúng chính sách dân số. Ngoài ra còn yêu cầu, hướng dẫn các trạm y tế tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp dân, sinh hoạt đoàn thể, tại các buổi tiêm chủng. Chi cục còn phối hợp xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn và phát hành các ấn phẩm truyền thông "Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”, vận động giảm sinh để tiến tới đạt mức sinh thay thế...

Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan dân số trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông lồng ghép được hơn 1.000 buổi với hơn 25.700 lượt người về các kiến thức DS-KHHGĐ; tuyên truyền trên hệ thống loa đài các xã, phường, thị trấn nội dung về chính sách DS-KHHGĐ, các biện pháp tránh thai hiện đại, các sản phẩm xã hội hóa phương tiện tránh thai được hơn 2.900 lượt. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn bổ sung, cập nhật những kiến thức mới, cung cấp kỹ năng tuyên truyền, vận động tại cộng đồng, thực hiện các dịch vụ KHHGĐ, nội dung thực hiện giảm sinh ở cơ sở… cho trên 1.000 lượt cộng tác viên, nhân viên y tế thôn, bản, khối phố.

Đi đôi với tuyên truyền, đội ngũ cộng tác viên dân số đã tư vấn, cung ứng miễn phí các phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người đơn thân, vị thành niên, thanh niên. Bình quân mỗi năm, cơ quan dân số toàn tỉnh đã cung cấp hơn 50.000 vỉ viên uống, hơn 6.000 liều thuốc tiêm, hơn 1.300 vòng tránh thai, 2.455 lọ dung dịch vệ sinh Vagis. Ngoài ra các đơn vị còn tư vấn, cung ứng phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản theo cơ chế xã hội hóa. Nhờ đó, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được nâng cao nhận thức, chủ động lựa chọn các biện pháp KHHGĐ với 69,2% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Cùng với đó, cơ quan dân số tỉnh đã triển khai các giải pháp để phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chế độ của Nhà nước theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP về hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Bình quân mỗi năm có khoảng 600 phụ nữ được hỗ trợ với số tiền 1,2 tỷ đồng.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng tuyên truyền, vận động người dân sinh con đúng chính sách dân số

Cán bộ Trạm Y tế xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng tuyên truyền, vận động người dân sinh con đúng chính sách dân số

Giảm mức sinh ở địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 8/11 huyện thành phố có tỷ lệ sinh con thứ 3 trên 10% như: Hữu Lũng 23%; Chi Lăng 20,1%, Lộc Bình 17,5%, Cao Lộc 14,1%, Văn Quan 14%... Những địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ ba cao có tác động tiêu cực đến việc điều chỉnh mức sinh của tỉnh. Do đó, song song với tuyên truyền, cơ quan dân số tỉnh đã thực hiện điều chỉnh mức sinh theo hướng duy trì mức sinh phù hợp ở các vùng, đối tượng, đặc biệt chú trọng giảm mức sinh ở những địa bàn đang có mức sinh cao và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác dân số; thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo toàn dân thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng "Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt"; quán triệt, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số.

Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế Lộc Bình cho biết: Thực hiện kế hoạch điều chỉnh mức sinh, phòng đã tham mưu Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức người dân cũng như tư vấn, hướng dẫn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ đó, mức sinh trên địa bàn huyện giảm qua từng năm, từ 2,30 con/phụ nữ năm 2020 đến nay chỉ còn 2,15 con/phụ nữ.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại 5 xã thuộc 2 huyện Hữu Lũng và Đình Lập (địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao). Cụ thể, truyền thông tư vấn tại cộng đồng được 10 buổi cho 700 người; trong đó, trên 70% phụ nữ thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ như: khám phụ khoa; cấy và tháo thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai.

Chị Lưu Thị Minh, thôn Ngòi Na, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Vợ chồng tôi có 2 con. Trong quá trình khám thai, sinh con, tiêm chủng, tôi luôn được các cán bộ y tế ở Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã tuyên truyền vận động chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt, cũng như thông tin, tư vấn về các biện pháp tránh thai hiện đại. Tôi đã lựa chọn phương pháp cấy que tránh thai để thực hiện KHHGĐ, có thời gian và điều kiện chăm lo cho các con tốt hơn.

Với sự nỗ lực của ngành chức năng, tỷ suất sinh của Lạng Sơn đang từng bước được điều chỉnh giảm dần qua các năm. Năm 2023, tỷ suất sinh của tỉnh còn 2,13 con/phụ nữ, giảm 0,01 con/phụ nữ so với năm 2022, giảm 0,19 con/phụ nữ so với năm 2021...

Thời gian tới, cùng với tiếp tục triển khai các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan. Từ đó, từng bước đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) theo mục tiêu được xác định tại Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dieu-chinh-muc-sinh-cao-nang-chat-luong-dan-so-5014430.html