Điều chỉnh nguyện vọng theo điểm sàn xét tuyển

Thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn từ 3 điểm trở lên, khả năng trúng tuyển sẽ cao. Ảnh: THÚY HẰNG

Hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố điểm sàn xét tuyển. Trong đó, hầu hết mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đều tăng so với năm ngoái. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục khuyên thí sinh dù có điểm thi cao vẫn phải tìm hiểu thật kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm sàn xét tuyển, nhiều trường ĐH cũng công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển.

Điểm sàn cao, điểm chuẩn cũng sẽ tăng

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH theo hình thức trực tuyến đến hết 17 giờ ngày 25/9, điều chỉnh theo hình thức trực tiếp đến 17 giờ ngày 27/9. Kết quả trúng tuyển đợt 1 sẽ được các trường công bố trước 17 giờ ngày 5/10.

Dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều trường ĐH đã đưa ra mức điểm sàn khá cao so với mọi năm. Những trường top trên được nhiều thí sinh trên địa bàn tỉnh tham gia xét tuyển như Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh có mức điểm sàn cao nhất là 25 điểm thuộc về ngành Luật thương mại quốc tế xét tuyển thí sinh từ 25 điểm trở lên ở tất cả các tổ hợp môn; ngành Luật cũng có điểm sàn khối C từ 25 điểm, các tổ hợp khác xét thí sinh từ 17,5-19,5 điểm; Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có điểm sàn cao nhất là 20 điểm, thấp nhất 18 điểm; Trường ĐH Ngoại thương cũng đưa ra mức điểm xét tuyển từ 20,5-22,5 điểm cho các tổ hợp xét tuyển; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), điểm sàn năm nay dao động từ 16-20 điểm.

Với các nhóm trường ĐH đào tạo khối ngành kỹ thuật, nông nghiệp, thực phẩm, ngưỡng điểm xét tuyển từ 15,5-20 điểm. Đơn cử, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh điểm xét tuyển là 15,5 cho tất cả các khối, các ngành; Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh có điểm nhận hồ sơ xét tuyển dao động từ 15,5-18 điểm.

Tại Phú Yên, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Trường ĐH Xây dựng Miền Trung là 15 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển; Trường ĐH Phú Yên cũng vừa công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đối với các ngành thuộc khối sư phạm bằng điểm sàn mà Bộ GD-ĐT công bố là 18,5 đối với trình độ ĐH và 16,5 điểm đối với trình độ cao đẳng.

Trong khi đó, điểm sàn cao nhất của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh là 22,5 - cao hơn ngưỡng điểm chung của Bộ GD-ĐT 4 điểm đối với các ngành Sư phạm toán học, Sư phạm hóa học, Sư phạm tiếng Anh. Một số ngành điểm nhận hồ sơ từ mức 22 điểm gồm: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Tâm lý học...

Riêng đối với khối ngành sức khỏe, điểm sàn các ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt là 22; các ngành Y học cổ truyền, Dược là 21 điểm; các ngành còn lại đều 19 điểm. Dù mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT công bố chỉ tăng 1 điểm so với năm ngoái, song điểm sàn mà các trường thuộc khối này công bố đều tăng cao, dao động từ 24-26 điểm. Theo dự đoán của các trường thuộc khối sức khỏe, điểm chuẩn trúng tuyển có thể từ 28 điểm trở lên.

Quan tâm khả năng trúng tuyển

Theo quy chế tuyển sinh, các thí sinh khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Các nguyện vọng cạnh tranh ngang nhau bằng điểm số. Vì thế, hầu hết thí sinh đều áp dụng triệt để quy tắc “lọt sàng xuống nia” để đảm bảo quyền lợi của mình.

Thí sinh Trần Quốc Bảo, Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) cho biết: “Em đạt 24,5 điểm thi tổ hợp khối A, trong khi điểm sàn của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đưa ra là 20 điểm. Dù cao hơn mức sàn 4,5 điểm nhưng em vẫn sợ bị trượt nên các nguyện vọng sau em chọn các ngành có điểm sàn thấp hơn để chắc suất trúng tuyển”.

Khi biết mức điểm sàn mà các trường công bố, thí sinh cần so sánh với mức điểm mà mình đã đạt được để lựa chọn các chuyên ngành phù hợp với mức điểm của mình. Thông thường điểm chuẩn trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn và mức thấp nhất sẽ bằng điểm sàn. Vậy nên khi thay đổi nguyện vọng thí sinh nên lựa chọn các chuyên ngành phù hợp với mức điểm nhận hồ sơ mà các trường đã công bố.

Theo lời khuyên của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, việc sắp xếp các thứ tự nguyện vọng phải thực hiện theo nguyên tắc giảm dần về độ yêu thích, độ phù hợp và mức điểm xét tuyển để tăng khả năng trúng tuyển. Những thí sinh có điểm thi ở mức chênh lệch đáng kể so với mức điểm sàn (từ 3 điểm trở lên) thì không nên điều chỉnh nguyện vọng.

Điểm chuẩn trúng tuyển cụ thể của các trường là bao nhiêu phải chờ đến ngày 5/10. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung lưu ý với các thí sinh, nguyên tắc xét tuyển là xét lần lượt các nguyện vọng từ trên xuống dưới, đỗ ở nguyện vọng nào thì dừng không xét nguyện vọng tiếp theo nên khi thí sinh thích học ở chuyên ngành nào đó thì xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên trên và giảm dần mức độ ưu tiên đối với các chuyên ngành tiếp theo.

Để tính toán được dự kiến điểm chuẩn của các trường, thí sinh phải tham khảo điểm chuẩn của trường đó trong ba năm gần đây. Đặc biệt năm nay phổ điểm cao hơn các năm trước từ 2-3,5 điểm tùy tổ hợp nên điểm chuẩn của các trường cũng có thể tăng theo, nhất là với các trường top trên sẽ càng tăng mạnh, từ đó các em có thể chọn được trường phù hợp với điểm thi của mình.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/245809/dieu-chinh-nguyen-vong-theo-diem-san-xet-tuyen.html