Điều chỉnh nguyện vọng theo hướng có lợi cho thí sinh
Việc được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần sau khi có kết quả thi sẽ giúp thí sinh có sự tính toán, nghiên cứu kỹ trong việc lựa chọn ngành, trường. Ảnh: THÚY HẰNG
Từ ngày 27/4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Nếu trong giai đoạn làm thủ tục đăng ký dự thi THPT, thí sinh chọn tổ hợp môn xét tuyển chủ yếu dựa trên thế mạnh của bản thân thì trong giai đoạn chỉnh sửa nguyện vọng, các em được thay đổi tổ hợp môn dựa trên chính điểm thi thực tế.
Tăng cơ hội trúng tuyển khi được điều chỉnh nguyện vọng
“Việc được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần sau khi có kết quả thi sẽ giúp chúng em có sự tính toán, nghiên cứu kỹ trong việc lựa chọn ngành, trường yêu thích”, em Phan Văn Trí, học sinh Trường THPT Trần Suyền nói.
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2021, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước đó. Tuy nhiên, có một điểm mới là sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, thay vì 1 lần như năm 2020.
Với những học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc chọn trường, ngành học nào trong tương lai là quan tâm hàng đầu trong thời điểm này. Trước thông tin Bộ GD-ĐT có thể tăng thêm 2 lần thay đổi nguyện vọng xét tuyển trong kỳ thi năm nay, các chuyên gia tư vấn và học sinh cho rằng, đây là một thay đổi phù hợp bởi đã có trường hợp nhiều thí sinh sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT đã hấp tấp điều chỉnh nguyện vọng để rồi phải trượt oan.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP TP Hồ Chí Minh cho hay: Với những thay đổi theo hướng tăng tính chủ động của thí sinh những năm gần đây, có thể nói, chính thí sinh là người quyết định cơ hội trúng tuyển của mình thông qua việc chọn ngành, chọn trường, chọn phương thức và tổ hợp môn xét tuyển, chọn thứ tự nguyện vọng…
Trong thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, việc các em phải quan tâm đầu tiên là chọn bài thi tổ hợp đúng với năng lực, sở trường để sau này còn sử dụng kết quả các môn trong tổ hợp này để xét tuyển đại học. Đối với đăng ký xét tuyển đại học, với thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành/trường thì thứ tự xét tuyển căn cứ vào thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký. Vì vậy, các em cần chọn nguyện vọng ưu tiên cao nhất cho ngành học yêu thích nhất.
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, các em có thể sử dụng quyền thay đổi nguyện vọng đã đăng ký từ trước. Đây là một cơ hội giúp thí sinh có thể đậu vào ngành học, trường học mình mong muốn.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh khuyên rằng: Thí sinh thường có tâm lý sợ trượt đại học nên chọn những ngành và trường có điểm chuẩn mọi năm thấp để tránh rủi ro mà không quan tâm đến sự phù hợp của ngành nghề và trường. Các em nên biết rằng nếu không đỗ nguyện vọng 1, các em sẽ được xét tiếp xuống nguyện vọng 2, 3... cho đến khi hết số lượng nguyện vọng.
Tuy nhiên, cũng chính vì suy nghĩ này nên có không ít em đăng ký quá nhiều nguyện vọng, thậm chí có em đăng ký trên 100 nguyện vọng. Điều này là không cần thiết. Theo thầy Dũng, mỗi thí sinh chỉ nên đăng ký tối đa 5 nguyện vọng. Ngành nào các em thích nhất thì đặt làm nguyện vọng 1, sau đó hạ dần.
Thực tế những năm qua vẫn tồn tại tình trạng thí sinh không tận dụng hiệu quả cơ hội điều chỉnh nguyện vọng. Do chỉ có một lần điều chỉnh, nếu các em đã trót điều chỉnh rồi là không thể thay đổi. Trong khi đề thi tốt nghiệp THPT đang phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp thì thí sinh học trung bình khá, khá, thậm chí là có học lực giỏi cũng sẽ khó đủ sức cạnh tranh nếu như không chọn được ngành học ở những trường học phù hợp với năng lực.