Điều chỉnh phụ tải điện: Khi doanh nghiệp và người dân cùng muốn làm

Không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân đều muốn thực hiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) để ổn định sản xuất, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.

Cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Đông Anh tuyên truyền thực hiện DR với doanh nghiệp

Cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Đông Anh tuyên truyền thực hiện DR với doanh nghiệp

Điều chỉnh phụ tải điện (DR) là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.

Tại Hà Nội, chương trình DR được các công ty điện lực triển khai rộng rãi đến mọi nhóm khách hàng sử dụng điện nên việc điều chỉnh phụ tải được thực hiện khá hiệu quả.

Là doanh nghiệp sản xuất nhôm xuất khẩu, Công ty TNHH Nhôm Việt Ý (Đông Anh) tham gia chương trình DR từ năm ngoái. Ông Nguyễn Hữu Xuân- Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Việt Ý cho biết: “Để điều chỉnh phụ tải, chúng tôi điều chỉnh giờ sản xuất, nhiều dây chuyền chuyển sang làm vào ban đêm, giờ thấp điểm hoặc thứ 7, Chủ nhật. Công nhân sẽ được nghỉ bù ngày trong tuần”.

Nhờ đó việc sản xuất tránh giờ cao điểm khi giá điện cao mà Công ty này đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí tiền điện mỗi năm. “Trước khi thực hiện DR, sản lượng điện bình quân của công ty khoảng 330.000 kWh. Sau khi tham gia chương trình, sản lượng điện giảm còn 300.000 kWh/tháng, tiết giảm khoảng 15%. Năm 2023, công ty chi trả hơn 6 tỷ đồng tiền điện, tiết kiệm được khoảng 450 triệu đồng do tham gia chương trình DR”- ông Nguyễn Hữu Xuân nói.

Hướng dẫn khách hàng sử dụng app của EVN để theo dõi sản lượng điện

Hướng dẫn khách hàng sử dụng app của EVN để theo dõi sản lượng điện

Ngoài ra, để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, công ty còn lắp biến tần cho một số vị trí để theo dõi sản lượng, tăng nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý. Công ty cũng ban hành quy định thực hành tiết kiệm điện với toàn thể công nhân, người lao động như: yêu cầu công nhân tắt quạt, tắt điện khi không ở vị trí sản xuất, tránh chạy không tải các thiết bị…

Cùng tham gia chương trình DR, Công ty sản xuất Cơ khí Thành Công cũng triệt để thực hiện điều chỉnh phụ tải để tiết kiệm điện, mặc dù đặc thù sản xuất của công ty đã tránh được hầu hết khung giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khoa- Giám đốc Công ty sản xuất Cơ khí Thành Công (Đông Anh), chuyên sản xuất chi tiết xe nâng xuất khẩu cho hay, đặc thù việc sản xuất của công ty là nấu thép vào buổi tối. Tuy nhiên, vẫn có một số dây chuyền sử dụng điện vào khung giờ 22-24h hàng ngày, kéo dài đến khoảng 4h sáng hôm sau.

Tham gia DR, Công ty điều chỉnh thời gian các dây chuyền này muộn hơn so với bình thường một chút và kết thúc ca làm việc vào sáng sớm hôm sau muộn hơn từ 30- 60 phút (thường 4h30-5h sáng).

“Hiệu quả sản xuất không thay đổi lắm nhưng điều chỉnh phụ tải vừa giúp an toàn hệ thống, trong đó có công ty, vừa tiết kiệm cho công ty”- ông Nguyễn Hồng Khoa nói.

Theo đại diện doanh nghiệp này, Công ty đã có nội quy với người lao động là phải tắt đèn, tắt quạt khi không sử dụng, cải tiến hiệu suất làm việc của máy móc, thực hành tiết kiệm triệt để để giảm chi phí cho công ty.

Đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, việc tham gia DR có thể làm tăng chi phí nhân công với một số doanh nghiệp nhưng chi phí này không lớn và thấp hơn so với số tiền điện tiết kiệm được.

Để tăng cường ổn định cho hệ thống điện, điều chỉnh phụ tải điện đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, các công ty điện lực nói chung và Công ty Điện lực Đông Anh nói riêng không chỉ vận động khách hàng là doanh nghiệp tham gia chương trình mà còn tuyên truyền sâu rộng đến khách hàng sinh hoạt.

Chị Nguyễn Kiều Oanh, thôn Phan Xá, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh cho hay: “Chúng tôi được cán bộ điện lực tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, cài đặt ứng dụng (app) của ngành điện để theo dõi sản lượng điện đã tiêu thụ mỗi ngày. Nhìn vào biểu đồ này chúng tôi tự tiết giảm việc sử dụng điện trong gia đình”.

Nhờ vậy mà tại gia đình chị Oanh, dù là nắng nóng đã bắt đầu, nhưng tiền điện của gia đình lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, khi chưa biết đến chương trình, gia đình phải chi trả từ 1,3- 1,4 triệu tiền điện mỗi tháng, nhưng đến nay, tiền điện của gia đình giảm còn khoảng 1,1 triệu/tháng.

Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt này đã biết bật điều hòa từ 26 độ trở lên, kê tủ lạnh cách xa tường, tận dụng ánh sáng và gió trời, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng…

"Trước đây chúng tôi không hiểu nên không thực hiện tiết kiệm điện. Giờ đã biết thì tự giác thực hiện để tiết kiệm cho chính gia đình mình, cũng tránh tình trạng mất điện liên tục như năm ngoái"- chị Kiều Oanh cho hay.

Ông Trần Đăng Hoàn- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đông Anh cho hay, Công ty đã thành lập ban chỉ đạo tiết kiệm và cung ứng điện, trong đó từng đồng chí được phân công nhiệm vụ cụ thể. Công ty cử cán bộ tuyên truyền, ký kết cam với khách hàng về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Công ty đã rà soát, lên danh sách các khách hàng lớn, đặc biệt khách hàng có sản lượng trên 1tr kWh/năm, tuyên truyền để họ hạn chế sản xuất từ 12-15h, 22-24h hàng ngày, đặc biệt từ tháng 5-7.

“Công tác này nhận được sự ủng hộ, đồng hành của khách hàng lớn, qua đó làm việc khách hàng hiểu dịch chuyển biểu đồ phụ tải, vừa hỗ trợ khách hàng, vừa tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Cụ thể là tại Đông Anh, có 60 khách hàng lớn sử dụng trên 1 triệu kWh điện/năm đã ký cam kết DR, 38/38 khách hàng sử dụng dưới 1 triệu kWh/năm ký kết và hàng nghìn khách hàng sản xuất kinh doanh, khách hàng lẻ ủng hộ chương trình”- ông Trần Đăng Hoàn nói.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dieu-chinh-phu-tai-dien-khi-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-cung-muon-lam-post578853.antd