Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang tầm nhìn dài hạn
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, được các cơ quan tiếp thu và chỉnh lý để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khÓA XIV. Trong đó, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động. Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội DOÃN MẬU DIỆP (trong ảnh) đã có những chia sẻ chung quanh nội dung này.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Có thể khẳng định, vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ Việt Nam đưa ra, bởi hầu hết các nước hiện nay đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần. Có nhiều lý do điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhưng Ban soạn thảo luật tập trung vào bốn lý do chính, sau: Thứ nhất, thế giới đã bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó; việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai. Nếu 15 năm trước, giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2009, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,2 triệu người mỗi năm, thì từ năm 2014 đến năm 2019, mỗi năm tăng chỉ 400 nghìn người. Nếu chúng ta không mở rộng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam sẽ phải đối mặt thiếu hụt lao động trong tương lai.
Thứ hai, điều đó sẽ bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ là khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ thu hẹp lại, tiến tới bằng nhau. Tuổi nghỉ hưu hiện nay quy định nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi, chênh lệch 5 tuổi. Lần đề nghị này sẽ thu hẹp khoảng cách còn hai tuổi và tiến tới sẽ san bằng khoảng cách này. Nếu tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chênh lệch quá lớn có thể sẽ hạn chế cơ hội làm việc và thăng tiến của phụ nữ. Nghỉ hưu sớm hơn thì tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) thấp hơn vì thời gian tham gia BHXH ngắn hơn… dẫn tới cuộc sống khi về già của phụ nữ khó khăn hơn nam giới.
Thứ ba, là cố gắng bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động (NLĐ). Nhiều người lo ngại tuổi thọ của Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 thấp. Nhưng thực tế, theo đánh giá xếp hạng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với 183 nước, Việt Nam xếp thứ 41, với số năm khỏe mạnh trung bình là 17 năm sau tuổi 60, cao nhất Xin-ga-po là 21 năm và Nhật Bản 20,8 năm. Ngay tại 46 nước châu Á, Việt Nam chỉ đứng thứ năm sau Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, I-xra-en. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phụ nữ tăng thêm năm tuổi và nam thêm hai tuổi có thể khả thi khi nhìn vào số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60.
Thứ tư, bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai vấn đề là: Số năm hưởng BHXH ít đi giúp quỹ sẽ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện.
Vì thế, đợt này, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu, và đề xuất này để thể chế hóa Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH.
PV: Việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ thực hiện theo lộ trình? Đồng chí có thể cho biết, việc áp dụng lộ trình này có ý nghĩa như thế nào?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được tiến hành theo lộ trình. Trước hết là nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động. Đặt giả thiết, mỗi năm có khoảng 400 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Nếu nâng độ tuổi nghỉ hưu nhanh, như một năm tăng thêm một tuổi chẳng hạn, thì lập tức sẽ có 400 nghìn người vẫn tiếp tục làm việc thêm một năm. Như vậy, sẽ có 400 nghìn người khác sẽ phải ngồi chờ thêm một năm và sau hai năm, con số này sẽ tăng lên 800 nghìn đến 900 nghìn người “ngồi chờ”. Điều này sẽ gây sự “tắc nghẽn” rất lớn trong thị trường lao động. Trong đề xuất, Ban soạn thảo đưa ra lộ trình, mỗi năm chỉ tăng ba tháng tuổi chẳng hạn, như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại chứ không bị “tắc nghẽn”. Đồng thời, việc điều chỉnh theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho xã hội, cho NLĐ cũng như người sử dụng lao động.
PV: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Đồng chí có thể nói rõ về quyền nghỉ hưu và những quy định tạo điều kiện để NLĐ thực hiện quyền này như thế nào?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Tại nhiều nước, việc hưởng chế độ hưu trí thường được quy định trong Luật BHXH, với hai điều kiện gồm: Đạt độ tuổi nhất định và số năm tham gia BHXH. Như Luật BHXH của Lào, NLĐ nam được nhận chế độ hưu trí khi đủ hai điều kiện đủ 60 tuổi và có 20 năm tham gia BHXH. Còn ở một số nước, người ta cho rằng, NLĐ có thể nghỉ hưu từ khi 55, 56, 57 tuổi nhưng đến khi 60 tuổi thì NLĐ mới nhận chế độ hưu trí.
Nhưng Bộ luật Lao động (sửa đổi) này đề xuất quyền được nghỉ hưu sớm hơn năm tuổi, tức là sớm hơn năm tuổi đã được nhận chế độ hưu trí. Quyền được nghỉ hưu trước 5 năm được áp dụng nếu NLĐ suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Quyền được nghỉ hưu sớm được hiểu theo nghĩa NLĐ có thể được nhận lương hưu trước 5 năm so với quy định.
PV: Theo đồng chí, việc tăng tuổi nghỉ hưu có tác động nhiều đến cơ hội việc làm của giới trẻ hay không?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Tôi xin đưa ra một vài con số. Thứ nhất, Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, khoảng 2,2%. Nếu xét theo định nghĩa về việc làm và về thất nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì con số thất nghiệp của Việt Nam là thấp.
Thứ hai, hiện Việt Nam có tỷ lệ thu hút lao động trẻ khá tốt khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên chỉ bằng hai phần ba các nước trong khu vực.
Thứ ba, chúng ta cũng thấy, hằng quý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn công bố con số thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng luôn dao động ở mức 200 nghìn người. Từ đó, dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao với con số 200 nghìn người thất nghiệp như vậy mà vẫn muốn nâng độ tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng nếu nhìn vào dòng chảy của thị trường lao động, chúng ta có thể nhận thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Con số đó là để bổ sung vào thị trường lao động và đã được thị trường tiếp nhận, vậy cho nên con số thất nghiệp mới chỉ nằm chung quanh 200 nghìn người...
Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và ILO đã khẳng định rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu ít ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Nếu những người lớn tuổi tiếp tục ở lại làm việc, tiếp tục tạo ra sản phẩm và tích lũy cho nền kinh tế và có cơ hội đầu tư trở lại thì có khi số việc làm tạo ra có thể nhiều hơn. Vì thế, sự đánh giá việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội việc làm của giới trẻ có lẽ cũng cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. ILO cho rằng việc làm bị ảnh hưởng nhiều bởi việc phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư vào tăng trưởng chứ không hẳn đã phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu dần dần.
PV: Tại sao dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vẫn chưa quy định chính sách hưởng lương hưu linh hoạt theo thời gian đóng BHXH, mà vẫn quy định là 20 năm. Theo đồng chí, có cần quy định linh hoạt về thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu với NLĐ hay không?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Dự kiến, các chính sách BHXH sẽ được sửa theo Luật BHXH và hiện nay đã bắt đầu nghiên cứu theo đúng tinh thần của Đề án cải cách chính sách BHXH. Sẽ có rất nhiều nội dung được sửa như về tuổi nghỉ hưu, thời gian tham gia BHXH, tiền hưu trí, công thức tính tương đương tiền lương hưu cũng sẽ được thiết kế lại.
Theo tinh thần của Nghị quyết 28 cũng đề cập rằng, chúng ta cần cố gắng tăng quyền lợi khi hưởng theo diện bảo lưu thời gian tham gia BHXH, chế độ hưu trí giảm quyền lợi nếu nhận BHXH một lần, tiền lương đóng BHXH của NLĐ sẽ hạch toán vào một khoản riêng, tiền lương đóng BHXH của doanh nghiệp vào một tài khoản chung để tăng sự chia sẻ, thu hẹp khoảng cách về lương hưu giữa những người về hưu với nhau, người có tiền tham gia cao chia sẻ với người có tiền tham gia BHXH thấp…, vì thế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang nghiên cứu và dự kiến sẽ sửa vào năm 2021, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và đóng BHXH linh hoạt cũng nằm trong Luật sửa đổi tới đây.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu bình quân của NLĐ nói chung năm 2017 là 55 tuổi (nam 56 tuổi, nữ 53 tuổi), năm 2018 là 56 tuổi (nam 58 tuổi, nữ 54 tuổi). Như vậy, năm 2017 có đến 64% số người hưởng lương hưu khi nghỉ đúng tuổi; năm 2018, đã tăng lên 70% số người hưởng lương hưu đúng tuổi.
Với lộ trình tăng tuổi hưu lên ba tháng mỗi năm, đến năm 2036 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60 và năm 2029 có lao động nam đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62. Ở thời điểm năm 2021, dự kiến khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thì lao động nữ mới nghỉ hưu ở độ tuổi 55 tuổi 3 tháng.