Điều chưa rõ về Covid-19 khiến giới khoa học đau đầu
Giới khoa học vẫn đang tìm cách lý giải vì sao Covid-19 gần như không gây triệu chứng với một số người nhưng có thể khiến nhiều bệnh nhân khác trở nên nguy kịch.
Mặc dù đã hoành hành hơn 3 tháng và khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm, virus SARS-CoV-2 và dịch Covid-19 vẫn mang nhiều điều bí hiểm khiến giới y học đau đầu. Một trong những câu hỏi chưa có lời đáp là vì sao bệnh này khiến rất nhiều người tử vong, nhưng cũng có người gần như không biểu hiện triệu chứng, hoặc tự khỏi sau khi cách ly vài tuần.
Theo thống kê được đăng tải trên BMJ Global Health cập nhật đến hết tháng 2, tỷ lệ tử vong ca bệnh do virus ở nam giới tại Trung Quốc là 2,8% còn nữ giới là 1,7%. Thống kê về các ca tử vong cho thấy người già có bệnh lý nền là đối tượng nguy hiểm nhất và tỷ lệ tử vong của đàn ông lớn hơn phụ nữ.
Tuy nhiên, tại Mỹ có rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện với triệu chứng nặng là người trẻ, dưới 40 tuổi.
Tìm lời giải từ mã di truyền
Một trong những khía cạnh đang được nghiên cứu là DNA của bệnh nhân. Nghiên cứu về các bệnh trước đây cho thấy gen có thể đóng vai trò quyết định đối với một số bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, những người có đột biến thụ thể CCR5 sẽ miễn nhiễm với HIV.
23andMe, công ty cung cấp các dịch vụ về gen đã bắt đầu một nghiên cứu với hy vọng tìm ra câu trả lời cho sự nguy hiểm của Covid-19. "Hy vọng bằng cách thu thập dữ liệu từ những người đã được xét nghiệm và nhiễm Covid-19, chúng tôi có thể hiểu ra cơ chế sinh học của bệnh", Wired dẫn lời Joyce Tung, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của 23andMe.
23andMe là một trong những công ty sở hữu kho dữ liệu gen lớn nhất với 10 triệu khách hàng, trong đó có 80% đồng ý sử dụng dữ liệu của mình phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Dữ liệu của mỗi khách hàng cũng được thu thập rất chi tiết, bao gồm cả thói quen hút thuốc hay tiền sử bệnh lý của người thân trong gia đình.
Theo Wired, nghiên cứu của 23andMe sẽ sử dụng phương pháp gọi là GWAS, trong đó các đối tượng nghiên cứu được chia thành những nhóm khác nhau để xem liệu có đặc điểm DNA nào xuất hiện thường xuyên trong nhóm không. Nếu đặc điểm xuất hiện đủ nhiều, họ có thể đi đến kết luận những dị biệt này liên hệ trực tiếp với các triệu chứng.
Sẽ khó có được câu trả lời sớm
"Nhìn chung, chúng ta biết rằng gen có ảnh hưởng tới khả năng lây nhiễm virus. Cũng là hợp lý khi hệ miễn dịch của mỗi người đều khác nhau", ông Michael Snyder, Trưởng khoa di truyền tại Đại học Stanford chia sẻ.
Một khả năng khác là gen liên quan đến thụ thể ACE-2. Thụ thể nằm trên bề mặt phổi này chính là nơi virus SARS-CoV-2 bám vào bằng các protein gai và xâm nhập tế bào.
Sự khác biệt về gen có thể khiến thụ thể thay đổi theo, làm cho khả năng virus bám vào bị ảnh hưởng. Thậm chí, gen có thể quyết định số lượng thụ thể trong tế bào, do đó cũng quyết định khả năng xâm nhập của virus.
Tuy nhiên, nghiên cứu của 23andMe mới chỉ bắt đầu, và ông Snyder cũng không chắc họ có thể tìm được câu trả lời trong thời gian sắp tới.
Đây cũng không phải dự án duy nhất đi tìm lời giải cho dịch bệnh từ góc nhìn di truyền học. Hơn 90 dự án nghiên cứu di truyền về Covid-19 đang được triển khai trên toàn cầu và những nỗ lực để tập hợp kết quả sẽ rất quan trọng, bởi càng nhiều dữ liệu thì khả năng thống kê càng chính xác.