'Điều còn lại' - làn gió mới của chèo hiện đại
Trong giới làm nghề và cả với khán giả, vở chèo 'Điều còn lại' đã ghi dấu ấn bởi cả 3 yếu tố: Một kịch bản có 'sức nặng', một vị đạo diễn vào 'độ chín' của nghề và một dàn diễn viên tài năng, nhuần nhuyễn cả trong ca và diễn.
Chính vì vậy mà “Điều còn lại” của Nhà hát Chèo Hà Nội đã xuất sắc giành Huy chương Vàng cho vở diễn; 3 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cá nhân ở Liên hoan chèo toàn quốc được tổ chức tại TP Bắc Giang vừa qua.
Khán giả quên sao được cô Thuyến (NSƯT Thu Huyền đóng)-cô gái trẻ xinh đẹp vừa cưới chồng chưa đầy một tuần đã phải nói lời tạm biệt để chồng ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Quỳ lạy mẹ chồng tên Muộn (NSƯT Minh Nhan) với tấm lòng vô cùng cao cả, Thuyến run bần bật, đau đớn, ê chề. Mẹ chồng Thuyến có chồng hy sinh khi còn rất trẻ nhưng bà đã ở vậy nuôi con, thờ chồng, giờ sẵn lòng tha thứ và cưu mang cho lỗi lầm của cô con dâu trong phút yếu lòng trót trao gửi cho Bường (diễn viên Quang Dương)-một chiến sĩ trên đường tòng quân ghé qua làng yêu Thuyến, mà anh lầm tưởng đó là con gái ruột của bà Muộn.
Đau đớn thay, người chồng tên Bân (NSƯT Việt Thắng) nhiều năm sau chiến tranh đã tìm về làng quê, nơi có người mẹ già ngày đêm trông ngóng, không thể chấp nhận được nghịch cảnh trớ trêu khi vợ anh những tưởng thủy chung giờ đã có con với người khác.
Nhưng cũng thật xúc động trong trường đoạn người chồng đi tìm “gã Sở Khanh” đã bỏ lại người vợ của mình và “giọt máu rơi” ngày ấy, hòng làm cầu nối đoàn viên cho gia đình họ… Rồi chứng kiến cảnh anh bộ đội Bường tại trạm điều dưỡng thương binh nặng trong cơn điên loạn, lúc nhớ, lúc quên ngay cả chính mình, vẫn đau đáu một nỗi niềm trở về một miền quê nhưng sợ rằng cô gái ấy đang hạnh phúc bên người chồng của mình…
Vở chèo “Điều còn lại” của tác giả Nguyễn Đăng Chương được NSƯT Lê Tuấn Cường đạo diễn đề cập tới đề tài hậu chiến. Câu chuyện rất giản dị về người lính từ biệt mẹ già, vợ trẻ và quê hương ra mặt trận. Ở lại hậu phương, người vợ trẻ và mẹ già cùng làng xóm ngày đêm chống chọi với đạn bom khói lửa.
Theo PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan chèo toàn quốc 2019, kịch bản văn học “Điều còn lại” từng được dàn dựng ở sân khấu kịch và sân khấu dân ca, song ông đánh giá cao bản dựng của Nhà hát Chèo Hà Nội khi đã tác động vào cảm xúc của khán giả. Trong đó phải kể đến đạo diễn Lê Tuấn Cường rất “có nghề” trong việc chắt chiu từng chi tiết nhỏ để mỗi khi mở và kết cảnh đều đưa ra tình huống và giải quyết ngay trong từng phân cảnh, cảnh nào cũng gây xúc động và lấy được nước mắt người xem.
“Điều còn lại” là một trong hai vở diễn về đề tài hiện đại/26 vở diễn tham dự Liên hoan chèo toàn quốc lần này. Có lẽ cũng chính điểm nổi bật này mà “Điều còn lại” đã ghi thêm điểm cộng đối với hội đồng nghệ thuật, bởi vở diễn đã bỏ qua lối mòn tìm đến các đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại vốn dễ thể hiện trên sân khấu chèo. Như nhận định của PGS, TS Trần Trí Trắc: “Chèo với đề tài đương thời là khó. Nhưng không phải chính đề tài đương thời đã làm nên những trang sử vàng của chèo cách mạng đó sao? Và vở “Điều còn lại” ở liên hoan này đã làm chúng ta xúc động biết bao”.
“Điều còn lại” đọng lại trong cách ứng xử vô cùng nhân văn giữa con người với con người trước những mất mát do chiến tranh gây ra. Họ đối diện với những nỗi đau bằng cái nhìn thiện lương: Một người mẹ chồng trước sự phản bội của con dâu vẫn sẵn lòng che chở, bao bọc; một người chồng tưởng rằng ích kỷ nhưng sự thực lại là người bao dung, độ lượng bởi sau khoảng thời gian dài đấu tranh, cuối cùng lòng nhân ái vẫn chiến thắng khi ngay trong quân ngũ, anh đã biết việc xảy ra nơi quê nhà, vẫn trở về để tác hợp cho vợ có chồng, con có cha… Thông điệp đầy ý nghĩa mà vở diễn muốn gửi gắm đó là những “vết thương” sẽ không bao giờ lành nếu thiếu đi sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương. Đã có nhiều tiếng khóc nấc nghẹn của khán giả dưới khán phòng khi vở diễn lên sân khấu liên hoan cũng như những buổi công diễn bán vé tại rạp Đại Nam, Hà Nội những ngày này.
NSƯT Thu Huyền, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho hay, khi vào vai Thuyến, chị đã mất ăn mất ngủ trong thời gian khá dài bởi chưa diễn hình mẫu này trong suốt 30 năm trên sân khấu chèo. Đây cũng là vai diễn ám ảnh nhất trong cuộc đời diễn xuất của nghệ sĩ, ám ảnh bởi cảm xúc của người nghệ sĩ được hòa vào vai diễn, được sống cùng nhân vật và thật hạnh phúc khi khán giả yêu mến, đón nhận nhân vật cũng như vở diễn của nhà hát.
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng cho rằng: “Điều còn lại” đã làm được điều kỳ diệu của những người làm sân khấu chèo ước mơ bấy lâu nay. Hấp dẫn là vở diễn đã nói được tiếng nói của rất nhiều người trong cuộc chiến và ngoài cuộc chiến. Vở diễn khai thác câu chuyện thời hậu chiến nhưng luôn có giá trị và có tính giáo dục cho các thế hệ ngày nay và mai sau”.
Nói về sân khấu chèo, soạn giả Mai Văn Lạng cũng trăn trở, thời đại ngày nay có rất nhiều câu chuyện, vậy chèo chuyển tải như thế nào để vẫn giữ được là chèo mà không lấn sang các loại hình nghệ thuật khác là câu hỏi cho bất cứ người làm chèo nào. Anh hy vọng từ làn gió mới “Điều còn lại”, các nghệ sĩ, người làm chèo sẽ tiếp tục suy nghĩ để những liên hoan chèo tới đây có nhiều vở diễn mang dấu ấn của đời sống đương đại.