Điều còn lại sau lũ dữ
Mưa như trút, nước chảy cuồn cuộn ở tâm lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình nhưng hàng nghìn đoàn xe 'hướng về miền Trung' vẫn nườm nượp đổ về. Giữa mất mát, đau thương, do bão lũ, tình người, nghĩa đồng bào đã thắp lên những ngọn lửa ấm áp, yêu thương. Lũ qua, tình người đọng lại nồng nàn sưởi ấm những phận người.
Những ngày tháng không quên
Khi người dân Hà Tĩnh phải oằn mình trong mưa lũ cũng là lúc nhận được sự sẻ chia của đồng bào khắp cả nước. Lúc hoạn nạn mới hiểu lòng nhau, tinh thần tương thân tương ái, vì miền Trung, vì người dân Hà Tĩnh ruột thịt dấy lên ở khắp mọi nơi, từ mỗi người, mỗi nhà, gia đình, tổ dân phố cho đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài…
Mưa lũ tại Hà Tĩnh từ ngày 18 đến ngày 20/10/2020 khiến 6 người chết, thời điểm cao nhất (20/10) toàn tỉnh có 118 xã, phường, thị trấn với hơn 42.000 hộ/151.000 người dân của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Toàn tỉnh phải sơ tán 18.771 hộ/59.268 người. Tài sản của nhân dân các xã bị ngập sâu, thiệt hại rất lớn, ước tính hàng trăm nghìn tỷ đồng.
“Một miếng khi đói, bằng gói khi no”, giữa lúc phong ba nguy nan ấy, người dân khắp nơi phát động nấu bánh chưng, nấu cơm nóng, chuẩn bị nhu yếu phẩm…kịp thời tiếp tế cho người dân vùng lũ Hà Tĩnh.
Với mong muốn xoa dịu bớt nỗi đau, mất mát của người dân vùng lũ Hà Tĩnh, báo Đại Đoàn kết trực tiếp tiếp nhận tấm lòng của bạn đọc, đối tác của báo và trao gửi đến tận tay người dân.
Nhớ lại khoảnh khắc nhận được chiếc bánh chưng từ đoàn cứu trợ, bà Lê Thị Mại (49 tuổi, thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn không khỏi xúc động: “Suốt đêm 18/10, sang đến cả ngày 19/10, vợ chồng tôi lái đò chở người trong thôn lên sơ tán.
Mãi đến chiều tối 19/10 mới được miếng bánh chưng cứu trợ bỏ bụng. Lúc đó, tôi gần như kiệt sức, may có miếng bánh không thì đứt hơi mất. Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi cảm giác lúc đó, vừa đói, vừa lạnh, chân tay run lên bần bật, ăn miếng bánh vào người như chết sống lại, ấm áp quá đỗi” - bà Mại bồi hồi nhớ lại.
Cũng trong cơn lũ dữ ấy, người phụ nữ đơn chiếc Nguyễn Thị Khánh Hiền (46 tuổi, trú khối phố 9, phường Đại Nại, TP Hà Tĩnh) chỉ muốn buông xuôi tất cả nhưng tình người lúc hoạn nạn đã níu giữ chị lại…
Vụ tai nạn cách đây 10 năm đã cướp đôi chân và đứa con trai duy nhất của chị. Nhiều năm nay, chị Hiền chỉ có thể nằm úp một chỗ trên chiếc xe lăn. Lũ lụt tràn về căn nhà nhỏ, người phụ nữ cô độc không muốn sơ tán mà chỉ muốn lũ cuốn trôi tất cả để xóa hết nỗi đau vẫn ngày đêm dày vò thể xác lẫn tâm hồn mình.
Thế nhưng, lực lượng chức năng đã trợ giúp đưa chị sơ tán, rời khỏi căn nhà kịp thời. Lũ tràn về nhấn chìm mọi tài sản trong nhà chỉ còn lại chiếc xe lăn hư hỏng nằm lăn lóc trong căn nhà. “Khi đó tôi thực sự không muốn sơ tán, muốn chết đi để không làm phiền người khác nhưng mọi người cứ động viên nên tôi lại gắng gượng”.
Đến đầu tháng 1/2021 đã có 3.844 tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ cho người dân Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Tổng số tiền và hàng hóa quy ra tiền đã ủng hộ và đăng ký ủng hộ trên toàn tỉnh là 285,603 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt hơn 204 tỷ đồng; hàng hóa quy ra tiền hơn 81 tỷ đồng.
Sau khi biết gia cảnh của chị Hiền, rất nhiều mạnh thường quân trên khắp mọi miền đất nước lội dòng nước bạc tìm đến hỗ trợ chị. “Có rất nhiều đoàn tìm đến tận nơi động viên, sẻ chia, tôi nhận được tất cả là 10 thùng mỳ tôm, 3 yến gạo, 50 triệu đồng tiền mặt cùng một chiếc giường y tế… Sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã cứu rỗi cuộc đời tôi, giúp tôi sống tiếp phần đời còn lại” - chị Hiền gạt nước mắt, xúc động nói.
Hình ảnh nước lũ cuốn trôi, giết chết hàng chục con hươu, hàng trăm con vịt, gà, hàng chục tấn cá… cứ ám ảnh vợ chồng lão nông Trần Văn Báu (64 tuổi) và bà Trần Thị Quý (58 tuổi, thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) lẫn người dân khắp mọi nơi. Lũ rút, vợ chồng ông Báu chỉ biết khóc than, nước lũ cuốn đi toàn bộ tài sản tích góp bao năm của đôi vợ chồng nghèo.
May mắn thay, nước mắt của ông Báu bà Quý làm lay động trái tim của mạnh thường quân cả nước. Ông bà được hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, ngày hôm sau, ông bà mang số tiền này đến trả nợ ngân hàng.
Hơn một tháng sau chúng tôi tìm gặp lại ông Báu, bà Quý, ngay chính trên mảnh đất bị lũ “xóa sổ”, sự sống đã hồi sinh. “Được sự trợ giúp vợ chồng tôi quyết chí làm lại từ đầu. Tôi cầm cố bìa đất vay thêm 250 triệu đồng về đầu tư sang sửa trang trại, mua 3 con hươu giống, 1 tạ giống cua đồng, mấy trăm con vịt, 1 tạ giống cá… để tiếp tục thả nuôi. Đến Tết, số cua đồng sẽ cho thu hoạch, đây là mô hình mới được tôi sáng tạo cách nuôi, hứa hẹn sẽ cho thu nhập khá”, ông Trần Văn Báu gói gém khó khăn phía sau và nghĩ về tương lai tươi sáng.
Sự chung tay trợ giúp của cộng đồng không chỉ giúp vợ chồng ông Sáu mà còn vực dậy hàng nghìn mảnh đời lấm lem do lũ. Đây chính là nguồn trợ lực lớn lao khơi dậy tinh thần vượt khó cho người dân Hà Tĩnh.
Năm nào Hà Tĩnh cũng hứng chịu đau thương, mất mát do thiên tai nhưng có lẽ năm nay người dân ở “túi mưa” này càng cảm nhận được tình người, nghĩa đồng bào sâu sắc hơn bao giờ hết. Theo ông Trần Danh Vinh, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà, thời điểm mưa lũ hoành hành, có lúc 3 giờ sáng ông nhận được cuộc gọi từ đoàn cứu trợ là đã đưa hàng đến để tiếp tế cho bà con vùng lũ.
“Hàng nghìn đoàn cứu trợ đến với bà con vùng lũ huyện Thạch Hà, trong đó có những đoàn đến từ vùng xa xôi như Bắc Giang, Hòa Bình. Họ kể, cả xóm cùng thức đêm gói, nấu bánh chưng, gom quần áo cũ, kêu gọi hỗ trợ tiền, thuốc men…rồi thuê xe đưa đến tận nơi cho bà con. Tiếp nhận tấm lòng của đồng bào như thế chúng tôi hết sức cảm động, qua đó cho thấy nghĩa tình của đồng bào ta sâu lắng biết nhường nào”.
Cái tình của người Hà Tĩnh
Không chỉ đồng bào nơi xa hướng về Hà Tĩnh khi lũ chồng lũ, bão chồng bão mà ngay trong nội tại người dân xứ này, sự gắn kết, yêu thương, san sẻ càng cố kết thắm thiết hơn.
Trong lúc nước lũ vây làng, vây xã, đoàn cứu trợ đến nườm nượp nhưng người dân không ai bảo ai, nếu nhận được đủ nhu yếu phẩm rồi họ sẵn sàng nhường cho những hộ khác để ai cũng nhận được “miếng bánh giữa làng”. Nhà nào cao hơn dành chỗ cho nhà thấp trũng đến ở nhờ để tránh lũ, thậm chí còn cho láng giềng đưa cả lợn, gà đến trú cùng. Sự nhường cơm sẻ áo của người dân trong lúc thiên tai, địch họa càng làm cho tiếng thơm về cái tình của người Hà Tĩnh bay xa, bay cao hơn.
Lũ rút, các xã, huyện nơi không bị ảnh hưởng đồng loạt phát động hỗ trợ vùng lũ dọn dẹp vệ sinh môi trường. Với phương châm lũ rút đến đâu dọn dẹp đến đó, bộ đội, công an, dân quân tự vệ, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, công đoàn…ở khắp các xã, huyện, thị vùng cao huy động xe tải gầm cao, mang theo bảo hộ lao động và dụng cụ đến dọn rác, bùn lầy giúp dân vùng lũ.
Chỉ trong ít ngày, toàn bộ trường học, trạm xá, nhà văn hóa, đường làng, ngõ xóm…của vùng lũ được dọn dẹp tươm tất. “Khi Trường Tiểu học Đồng Lộc (huyện Can Lộc) phát động phụ huynh vào giúp dân vùng lũ huyện Cẩm Xuyên dọn dẹp, tôi xung phong đi ngay. Hai ngày liên tiếp lao động mệt mỏi nhưng chúng tôi rất phấn khởi vì giúp được người dân được tí nào quý tí đó” - chị Nguyễn Thị Hường (thị trấn Đồng Lộc) vui vẻ chia sẻ.
Bị lũ lụt tàn phá, toàn bộ hoa màu, cây trồng, vật nuôi của người dân vùng lũ bị “xóa sổ”, việc cần kíp nhất lúc này là sinh kế cho người dân khôi phục sản xuất. Giữa lúc “khát” giống cây, con như thế, người dân vùng lũ cùng nhau chia sẻ từng mớ hạt giống rau, giống cây, con còn sót lại. Điển hình nhất có lẽ là vùng trồng rau gia vị thôn La Xá (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Đặc thù thổ nhưỡng ở vùng trồng rau gia vị thôn La Xá là một số loại chỉ có giống của dân trong thôn vụ trước để lại vụ sau mới mọc còn giống nơi khác không thể gieo trồng trên đất này. Ông Phạm Văn Đệ (63 tuổi) - một nông dân kỳ cựu với 31 năm trồng cây gia vị ở thôn La Xá - may mắn vẫn sót lại một ít giống cây để trồng lại, ông còn cung cấp thêm cho nhiều hộ dân trong thôn để cùng nhau hồi sinh vùng sản xuất rau gia vị nức tiếng này. “May mắn còn một ít tía tô sót lại nên tôi cung cấp cho người dân, ngoài ra tôi mua thêm giống cây rau húng về trỉa thêm chứ các loại giống khác mua về trỉa cũng không mọc”, ông Đệ cho biết.
Còn tại tâm lũ Cẩm Xuyên, nhận được quần áo cũ cứu trợ nhưng khi mở ra, anh Nguyễn Xuân Lam (thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Duệ) thấy 1 dây chuyền vàng, 1 vòng bạc và một số giấy tờ, anh Lam liền trình báo chính quyền để tìm người trả lại. Tương tự, anh Đào Xuân Minh (25 tuổi, cùng trú xã Cẩm Duệ) tìm thấy 2 chỉ vàng trong gói hàng cứu trợ, anh cũng liên lạc với chính quyền địa phương tìm chủ nhân để trả lại. Đúng là đói nhưng vẫn sạch, dù rách nhưng vẫn thơm!
“Lũ lụt bủa vây nhưng tình người lại trở nên keo sơn, gắn bó. Trong khó khăn hoạn nạn, nghĩa đồng bào tạo nên sức mạnh giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên vượt qua mọi giông bão. Đó là cái nghĩa của hai tiếng “đồng bào”. Giữa cơn lũ dữ xuất hiện nhiều tấm gương nghĩa hiệp giúp bà con chòm xóm thoát khỏi cuồng phong, có nhiều người sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, san sẻ kế mưu sinh…đó là cái tình của người Hà Tĩnh. Có thể Hà Tĩnh không thiệt hại nặng hơn những địa phương khác nhưng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của đồng bào trong và ngoài nước. Phải chăng cái tình, cái nghĩa, cái chất của người Hà Tĩnh đã lay thức tình người ở khắp mọi nơi. Chúng tôi chân thành cảm ơn những ân tình của người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã dành cho đất và người Hà Tĩnh”, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dieu-con-lai-sau-lu-du-552501.html