Điều còn thiếu của thể thao Việt Nam ở SEA Games 32
Với 136 HCV, Đoàn Thể thao Việt Nam có kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, thành tích ở các môn thể thao Olympic chưa cao.
Khi không còn lợi thế chủ nhà, Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành từ 89 đến 120 HCV và nằm trong top các đoàn dẫn đầu trước khi SEA Games 32 chính thức khởi tranh. Vì thế, việc dẫn đầu bảng tổng sắp ở kỳ đại hội này được xem là bất ngờ.
Đó là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần cải thiện.
Những điểm sáng
Có nhiều lý do khách quan dẫn đến việc Đoàn Thể thao Việt Nam không đặt mục tiêu nhất toàn đoàn ở SEA Games 32. Theo tính toán ban đầu của các lãnh đạo ngành thể thao, Đoàn Thể thao Việt Nam có nguy cơ mất khoảng 50 HCV do nước chủ nhà Campuchia bỏ nhiều môn thế mạnh, trong đó có bắn súng, bơi thuyền... Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt ở Campuchia cũng ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng thi đấu của các VĐV Việt Nam.
Trong khi đó, lý do chủ quan là Việt Nam không có lực lượng mạnh nhất ở một số môn sở trường. Ví dụ, chúng ta mất 5 VĐV điền kinh vì doping. Các VĐV cử tạ trọng điểm bận thi đấu ở giải vô địch châu Á.
Tuy nhiên, Đoàn Thể thao Việt Nam vẫn giành ngôi nhất toàn đoàn. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm được điều này khi không phải là chủ nhà của đại hội. Bên cạnh đó, chúng ta còn giành được nhiều HCV bất ngờ, thậm chí mang tính lịch sử.
HLV Nguyễn Thái Dương của đội tuyển golf Việt Nam từng chia với Zing: "Đây là môn chúng ta đi sau các nước Đông Nam Á khoảng 20, 30 năm. Thậm chí, golf Thái Lan còn vươn tầm thế giới". Vì thế, việc giành được huy chương ở SEA Games đã là một thành công.
Song, đội tuyển golf Việt Nam còn làm được nhiều hơn thế. Ở nội dung đơn nam, VĐV Lê Khánh Hưng, người mới 15 tuổi, đã giành được tấm HCV. Đến nội dung đồng đội nam, Khánh Hưng và các đồng đội cũng đã chơi ấn tượng để có được HCB. Đây có thể là điểm tựa để môn golf phát triển hơn nữa trong tương lai.
Ngoài ra, một số HCV khác cũng rất quý giá nằm ở các nội dung bóng bàn đôi nam - nữ (giành HCV sau 26 năm chờ đợi), bóng rổ 3x3 nữ (HCV đầu tiên của môn bóng rổ)...
Chúng ta cũng không thể quên dành lời khen cho các VĐV phải tập luyện, thích nghi nhanh chóng với các môn truyền thống của Campuchia như kun Khmer, kun bokator, cờ ốc (ouk Chaktrang)... để giành nhiều HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam.
Điều còn thiếu
Ở SEA Games 32, điền kinh đạt 12 huy chương trong khi chỉ tiêu là 14, bơi cũng chỉ đạt 7 so với chỉ tiêu 8 HCV. Việt Nam chính thức mất vị thế số một Đông Nam Á ở các môn thể thao trọng điểm này vào tay các đối thủ là Thái Lan (điền kinh) và Singapore (bơi lội).
"SEA Games 32 là nền tảng để chúng tôi tính toán điểm rơi phong độ cho ASIAD. Đó là đấu trường khốc liệt hơn nhiều. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khách quan như thời tiết khiến một vài nội dung không đạt như chỉ tiêu ban đầu", ông Đặng Hà Việt, lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 lý giải về thất bại của đội tuyển điền kinh và bơi Việt Nam.
Ngoài ra, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng chỉ giành được 48 HCV ở các nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic 2024, đạt tỷ lệ 35,29%. Đây cũng là con số khá ít ỏi.
Các VĐV Việt Nam phá được 14 kỷ lục đại hội, trong đó có 5 kỷ lục thuộc nhóm môn Olympic là bơi (100 m và 200 m bơi ếch nam của Phạm Thanh Bảo), cử tạ (Nguyễn Quốc Toàn phá kỷ lục cử giật, cử đẩy, tổng cử ở hạng cân dưới 89 kg, Trần Minh Trí phá kỷ lục cử đẩy ở hạng cân dưới 67 kg). Tuy nhiên, thành tích của chúng ta vẫn còn kém khá xa mức có thể giành huy chương ở ASIAD cũng như Olympic.
"Chúng ta cần nhìn về SEA Games 28 diễn ra năm 2015 tại Singapore. Khi đó, chúng ta giành nhiều HCV ở các môn điền kinh, bơi lội, đua thuyền... 75% số huy chương đến từ những nội dung được đưa vào tranh tài ở Olympic. Đó mới chính là thành tích đáng mừng", ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Tổng cục TDTT) chia sẻ với Zing News.
Ông Minh nói thêm: "Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần tìm cách chiến thắng các môn thể thao trong chương trình Olympic như điền kinh, bơi lội, TDDC, cử tạ. Các nước khác có những môn thể thao thế mạnh để lấy về 5-7 huy chương ASIAD. Trong khi đó, chúng ta nỗ lực lấy 1-2 huy chương cũng chật vật. Cái đó thuộc về định hướng phát triển thể thao".
Một điều đáng mừng là sau SEA Games 32, những VĐV có khả năng cạnh tranh huy chương ở ASIAD sẽ được đi tập huấn nước ngoài, được đầu tư nhiều hơn để phát triển mạnh mẽ. Đây là việc các lãnh đạo ngành thể thao cần làm mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.