Nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, Đà Nẵng là thành phố du lịch nổi tiếng, được mệnh danh là "thành phố đáng sống nhất Việt Nam". Cho đến nay, nguồn gốc tên gọi thành phố Đà Nẵng vẫn làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Ảnh: Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà
Lần giở thư tịch, thì địa danh Đà Nẵng xuất hiện sớm nhất trong sách Ô Châu cận lục (in lần đầu năm 1555), qua câu "Tùng Giang từ. Từ tại Tư Vinh huyện Tư Khách hải môn, tịnh tại Quảng Nam Đà Nẵng hải môn". Ảnh: Đà Nẵng nhìn từ chùa Linh Ứng Bãi Bụt - Sơn Trà.
Câu này dịch nghĩa là: “Đền Tùng Giang. Đền ở cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vinh, còn một đền nữa ở cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam”. Như vậy "Đà Nẵng" được đề cập ở đây không phải là một địa danh hành chính mà chỉ là tên gọi của một cửa biển. Ảnh: Khu vực cửa sông Hàn.
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng tên gọi Đà Nẵng xuất phát từ vị trí nằm ở cửa sông Hàn của thành phố. Đó là một biến dạng của một từ Chăm cổ có nghĩa là "cửa sông lớn". Ảnh: Sông Hàn và khu vực trung tâm Đà Nẵng.
Cụ thể, nhà nghiên Inrasara cho rằng "Đà Nẵng" là cách người Việt phiên âm từ Đaknan. Trong tiếng Chăm, "Đak" có nghĩa là "nước", "nan" có nghĩa là "rộng". Địa danh Đaknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn. Ảnh: Tượng Cá chép hóa Rồng bên sông Hàn.
Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo, Theo Hán tự, chữ “Đà” là con sông, chữ “Nẵng” là xưa kia. Ông cho rằng Đà Nẵng là tên gọi do người Việt mượn của tiếng Chăm mà Việt hóa theo âm Hán Việt một cách tài tình, giữ cả âm lẫn nghĩa: vùng sông nước xưa kia. Ảnh: Vườn tượng bên sông Hàn.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Sakaya (Trương Văn Món) cho rằng tên gọi "Đà Nẵng" không có nguồn gốc từ tiếng Chăm mà có thể xuất phát từ nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, với từ “Đakdơng” hay “Đà dơng” có nghĩa là con sông. Ảnh: Cầu Tình Yêu trên sông Hàn.
Còn một cách giải thích lý thú dựa trên thời tiết. Theo đó, Đà Nẵng và Huế được ngăn cách bởi đèo Hải Vân. Một bên đèo là Huế khi vào mùa thường mưa tầm tã không ngớt. Nhưng chỉ cần băng qua đèo thì trời quang mây tạnh, nắng chan hòa. Ảnh: Cảnh đèo Hải Vân ở địa phận Đà Nẵng.
Người ta thường hí hửng đã nắng, đã nắng… Người miền Trung thường nói giọng nặng hơn “đã” nghe giống “đà”, “nắng” nghe giống “nẵng”. Lâu dần người ta gọi đà nẵng cho dễ đọc và vùng đất bên dòng sông Hàn đã mang tên gọi Đà Nẵng từ đó. Ảnh: Từ đèo Hải Vân nhìn về Đà Nẵng.
Cho đến giữa thế kỷ 19, địa danh "Đà Nẵng" vẫn chỉ là tên gọi của một vùng lãnh thổ gắn liền với cửa biển. Các vua triều Nguyễn nghiêng về ý nghĩa phòng thủ của nơi này hơn là phát triển Đà Nẵng thành một đô thị sầm uất. Ảnh: Thành Điện Hải, tòa thành cổ ở trung tâm Đà Nẵng.
Từ năm 1888 cho đến hết thời Pháp thuộc, Tourane là tên chính thức của Đà Nẵng trên các văn bản hành chính của người Pháp. Quanh tên gọi Tourane cũng có rất nhiều cách giải thích khác nhau. Ảnh: Vùng núi Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong một thời gian ngắn, Tourane đổi tên thành Thái Phiên - nhà yêu nước nổi tiếng của đất Quảng Nam đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Ảnh: Từ Ngũ Hành Sơn nhìn về trung tâm Đà Nẵng.
Tuy nhiên, vào ngày 9/10/1945, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giữ nguyên tên cũ bằng tiếng Việt của các đơn vị hành chính trong cả nước để tiện việc thông tin liên lạc và công văn giấy tờ. Thành phố trở lại tên gọi Đà Nẵng kể từ đó cho đến nay... Ảnh: Công viên Biển Đông ở Đà Nẵng.
Mời quý độc giả xem video: Đà Nẵng chuyển mình xứng tầm "anh cả" miền Trung.
Quốc Lê