Điều đặc biệt về nữ sinh gốc Việt thành thủ khoa đại học tại Australia
Patricia Quyen (18 tuổi) đạt số điểm tuyệt đối trong kỳ thi vào các trường đại học trên toàn Australia.
Patricia Quyen hiện sống cùng bố mẹ và em trai tại thủ đô Canberra, Australia. Cuối năm 2022, khi chuẩn bị chào đón năm mới, gia đình Patricia nhận được thông báo điểm đại học của em - Patricia đạt số điểm tuyệt đối trong kỳ thi, nghĩa là em trở thành một trong những thủ khoa các trường đại học.
“Em rất bất ngờ khi biết mình đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi. Cả thời gian dài em chỉ dành để chữa bệnh, có lúc em không thể đi lại, ăn uống hay đi học như người bình thường”, cô bé 18 tuổi bật khóc khi nhận được giấy báo điểm, vì có lúc cô nghĩ với sức khỏe hiện tại mình chẳng thể vào đại học.
Ba năm nay Patricia bị bệnh, em ít đến trường. Thậm chí có thời gian dài cô gái không thể lên lớp vì vấn đề sức khỏe. Năm lớp 12 Patricia chỉ lên lớp vào những hôm làm bài thi.
Việc học của em diễn ra chủ yếu ở nhà, phải tự học mà không có bất kỳ bài giảng online hay sự giúp đỡ của giáo viên. Cô bé tự tìm hiểu kiến thức và đọc sách giáo khoa để làm bài.
Patricia lựa chọn Australian National University để theo học chuyên ngành Kinh tế. Cô gái trẻ cho biết đây là một trong những trường đại học xếp hạng tốt nhất ở Úc, với đề cương bài giảng thú vị và cũng là ngôi trường bố em từng theo học.
Lĩnh vực kinh tế là niềm yêu thích từ nhỏ Patricia. Nữ sinh từng viết nhiều bài luận liên quan đến kinh tế và đọc nhiều tài liệu về lĩnh vực này. Patricia từng là người có lực học không tốt. Ngày học tiểu học, khả năng tiếp thu bài của em khá chậm, điểm tổng kết chỉ đạt C hoặc cao lắm là B. Nhiều lần trên lớp học em chưa kịp hiểu cô giáo hỏi gì thì các bạn đã trả lời xong câu hỏi.
Trước khi thiết lập được một phương pháp học tập hiệu quả, Patricia Quyen luôn cặm cụi học bất kỳ lúc nào. Giờ ra chơi ở trường cô bé vẫn đọc sách, không dám nghỉ ngơi nhưng kết quả học tập không tiến bộ. Trong khi em trai chỉ mất thời gian ngắn để hoàn thành bài, thì Quyen vẫn ngổn ngang với đống bài tập và chẳng bài nào làm xong. Ở trường cô nhút nhát vì cảm thấy mình thua kém bạn bè.
“Nhờ sự động viên từ mẹ, em lập cho mình kế hoạch học tập bài bản để cải thiện”, cô gái 18 tuổi nói.
Bản thân thường xuyên phải đến viện, nữ sinh không có nhiều thời gian để học, em tự tìm hiểu và đưa ra những cách học rút ngắn thời gian, đạt hiệu quả cao.
Với Patricia, các môn học khác nhau cần phương pháp học khác nhau. Để việc học tập đạt hiệu quả, cô chia thời gian học từng môn theo phương pháp lặp lại ngắt quãng. Nữ sinh thường dành nhiều thời gian cho môn học khó. Cô tạo bản đồ tư duy gồm những kiến thức về một chủ đề nhất định, để có thể xác định những lỗ hổng trong kiến thức của mình và bổ sung phần còn thiếu. Điều này giúp cô gái ghi nhớ và liên kết các phần thông tin khác nhau, phục vụ cho quá trình ôn tập làm các bài kiểm tra.
Thay vì đặt mục tiêu cố gắng làm điều gì đó hoàn hảo, nữ thủ khoa đặt cho mình mục tiêu cải thiện từng khía cạnh nhỏ nhất. Từng chi tiết nhỏ cộng lại sẽ trở thành những khác biệt lớn. Em thường tự tạo ra những câu hỏi mà bản thân nghĩ có thể xuất hiện trong các bài kiểm tra và thực hành trả lời. Đồng thời em chia nhỏ câu hỏi phức tạp thành những câu hỏi đơn giản hơn để vừa có thể dễ dàng trả lời và lại dễ ghi nhớ.
Trái ngược với vẻ ngoài xinh xắn, nữ tính, Patricia lại rất thích những môn thể thao vận động như bơi lội, võ thuật, bóng rổ. Nữ sinh yêu thích vai trò lãnh đạo. Khi còn học ở bậc trung học, Patricia được vinh danh tấm gương tiêu biểu trong phong trào hoạt động nhân đạo, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Austrailia đích thân trao tặng Giấy khen “Công dân tích cực và hiểu biết” vì những cống hiến cho cộng đồng. Cô còn là cá nhân duy nhất giành huy chương cho thành tích xuất sắc ở môn Giáo dục thể chất ở trường trung học vào năm lớp 10 và giải Nhì “Học sinh nữ xuất sắc nhất về môn Toán” do Đại học New South Wales trao tặng. Patricia còn thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường thu hút hơn 200 học sinh tham gia. Câu lạc bộ đã đưa ra nhiều chất vấn các thành viên trong Quốc hội Australia về vấn đề khí thải và các biện pháp bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, cô gái trẻ muốn trở thành người quản lý quỹ phòng hộ, hoặc làm việc cho chính phủ để giúp thiết lập chính sách kinh tế, cải thiện điều kiện sống cho người dân. Song song với công việc Patricia muốn cùng mẹ làm từ thiện giúp đỡ trẻ em.
“Mẹ là người có ảnh hưởng lớn với em, từ suy nghĩ đến hành động. Bà là người coi trọng sự nghiệp giáo dục và thường xuyên giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh không tốt. Em luôn muốn làm những việc ý nghĩa như mẹ”, Patricia chia sẻ
“Con gái luôn là niềm tự hào với tôi”
Chia sẻ về kết quả thi tuyển đại học của con gái, chị Hoàng Hằng (mẹ Patricia Quyen - giáo viên mầm non - tác giả của kênh Youtube Hey Hằng) cho biết chị sốc khi nhận được giấy báo điểm. Bản thân chị và cả con không nghĩ con mình có thể đạt điểm cao như vậy.
“Tôi đã rất hạnh phúc. Đối với người khỏe mạnh việc đạt được thang điểm này là dễ hiểu, nhưng với một người có vấn đề về sức khỏe như Patricia là điều kỳ diệu”, người mẹ nói.
Patricia sống tình cảm, luôn nghĩ cho người khác, trong công việc cô bé nhiệt tình và năng nổ. Tuy nhiên trong một khoảng thời gian dài cô bé có lực học không tốt, không theo kịp các bạn.
“Con bé tâm sự với tôi về việc không thể nghe kịp cô giảng bài, và việc làm bài tập cũng là điều khó khăn”, chị Hằng nói và cho biết chị tự hào về con và kết quả con đạt được. Cô bé đã mất một khoảng thời gian dài để học tập theo kịp các bạn. Khoảng trong khoảng thời gian đấy Patricia còn phải chiến đấu với bệnh tật hành hạ.
Chị Hằng cũng từng kỳ vọng con học hành giỏi giang, lớn lên có thể trở thành bác sĩ. Có thời điểm chị áp đặt con làm theo mong muốn của mình, học những môn mà cô bé không thích. Thấy con không hứng thú, và không tiến bộ, chị quyết định thay đổi bản thân để con được sống đúng với sở thích cá nhân. Patricia trở nên hoạt bát khi được theo đuổi những điều mình thích.
“Thời điểm biết con đạt thủ khoa, nhiều người khuyên con nên chọn lại ngành Y. Tôi cũng yêu thích ngành học này, nhưng đấy không phải sở thích của con”, chị Hằng cho biết ngành học của Patricia được lựa chọn trước khi con thi. Giả sử có thể thay đổi, chị vẫn ủng hộ con theo đuổi ước mơ của mình, để Patricia có thể phát huy hết được sở trường của bản thân.
Với chị con người sống vui nhất, hạnh phúc nhất là khi được tự do theo đuổi đam mê và sở thích của mình. Nên chị lựa chọn đồng hành cùng con trên con đường chinh phục ước mơ.