Điều đang chờ đợi ông Biden

Trở lại Nhà Trắng vào hôm 23/7, ông Biden phải đối diện với một hiện thực mới: Trở thành tổng thống 'lame duck' với những tháng cuối nhiệm kỳ không mấy dễ chịu.

Khi đoàn xe của tổng thống Mỹ tiến vào cổng Nhà Trắng vào hôm 23/7 - lần đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden thông báo rút lui khỏi cuộc đua bầu cử năm 2024, 6 tháng cuối nhiệm kỳ hoàn toàn khác biệt đang chờ đợi ông.

Ông Biden trở thành vị tổng thống gây e ngại nhất Phòng Bầu dục: Một tổng thống “lame duck” (ám chỉ người sắp mãn nhiệm), một tổng tư lệnh sắp rời chức vụ, người đang phải đối mặt với những thách thức để chứng minh tầm quan trọng và duy trì ảnh hưởng cuối nhiệm kỳ.

New York Times cho biết theo truyền thống, đây là khoảng thời gian khó chịu nhất trong nhiệm kỳ của một tổng thống. Sự chú ý hướng tới những người kế nhiệm tiềm năng. Các nhà lập pháp, thay vì thông qua những đạo luật quan trọng, tập trung vận động tranh cử. Trong khi đó, các lãnh đạo trên thế giới đang lên chiến lược đối phó và thiết lập mối quan hệ với chính quyền sắp tới.

"Tôi quyết tâm hoàn thành nhiều việc nhất có thể"

Dù không còn là ứng viên tái tranh cử, nhiệm kỳ của ông Joe Biden vẫn còn 6 tháng nữa, và ông khẳng định mình sẽ “không đi đâu cả”. Trong một bài viết đăng tải trên mạng xã hội hôm 23/7, vị tổng thống thông báo sẽ có bài phát biểu toàn quốc từ Phòng Bầu dục vào lúc 20h tối 24/7 (giờ Mỹ). Ông cho biết bài phát biểu sẽ thảo luận “những gì trong tương lai và cách tôi sẽ hoàn thành nhiệm kỳ của mình cho người dân Mỹ”.

Trong cuộc gọi tới trụ sở chiến dịch tranh cử cũ hôm 22/7, ông vẫn nuôi hy vọng về những bước tiến mới. “Nhiệm kỳ của tôi vẫn còn 6 tháng nữa. Tôi quyết tâm hoàn thành nhiều việc nhất có thể, bao gồm cả chính sách đối ngoại và đối nội”, ông nói, trích dẫn các sáng kiến hạn chế bạo lực súng đạn, mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, giảm chi phí thuốc theo toa và ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Ông cũng đề cập đến nỗ lực làm cầu nối cho đàm phán ngừng bắn ở Gaza, bày tỏ lạc quan lệnh ngừng bắn sẽ sớm được diễn ra: “Tôi sẽ hợp tác rất chặt chẽ với người Israel và người Palestine để tìm ra cách chấm dứt xung đột ở Gaza, lập lại hòa bình ở Trung Đông và đưa tất cả con tin về nhà. Tôi cho rằng chúng ta sắp đạt được điều đó”.

 Ông Biden trở về Washington hôm 24/7 sau thời gian cách ly tại Delaware vì mắc Covid-19. Ảnh: New York Times.

Ông Biden trở về Washington hôm 24/7 sau thời gian cách ly tại Delaware vì mắc Covid-19. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, New York Times cho rằng ông sẽ sớm rõ để đạt được điều này sẽ khó khăn ra sao trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 25/7. Ông Netanyahu không thực sự coi trọng tiếng nói của ông Biden trong cuộc chiến ở Gaza. Giờ đây, ông lại càng có lý do để phớt lờ, trong trường hợp vị thủ tướng có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn với Mỹ nếu ông Donald Trump tái đắc cử.

“Dù tổng thống sắp mãn nhiệm, các thách thức, đặc biệt trong chính sách đối ngoại, vẫn còn đó và không tự nhiên biến mất”, Julian Zelizer - nhà sử học tại Đại học Princeton - nhận định. “Một tổng thống sắp mãn nhiệm có thể thoải mái hơn khi đưa ra quyết định, nhưng cũng khiến các đối thủ trong và ngoài nước mạnh tay hơn vì không còn quá nể nang người đó nữa. Kết quả là, thay vì đạt được những thành tựu lớn, tổng thống sắp mãn nhiệm có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội (tạo được tiếng vang)”.

Ông Zelizer cùng các chuyên gia khác lưu ý một ngoại lệ, đó là thực thi quyền hành pháp không cần có sự chấp nhận của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, những lệnh hành pháp này có thể dễ dàng bị tổng thống tương lai đảo ngược bằng một chương trình nghị sự khác.

Tham vọng của ông Biden

Ngay cả khi Tổng thống Biden đã vạch ra chương trình nghị sự cho những tháng cuối nhiệm kỳ, các sự kiện bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Trong những tháng cuối tại nhiệm, Tổng thống George W. Bush đã gặp sức ép từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, buộc ông phải thúc ép Quốc hội thông qua gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD để cứu ngành tài chính.

Đây là viễn cảnh mà không tổng thống nào muốn trải qua. Ông Bush khi đó đã phải tận dụng hết tất cả sự ủng hộ và ảnh hưởng chính trị có trong tay để thông qua bản kế hoạch này.

Vị cựu tổng thống từng nói với một trợ lý rằng ông muốn được nhớ tới như một Franklin D. Roosevelt (người đã dẫn dắt nước Mỹ vượt qua khủng hoảng), chứ không phải một Herbert Hoover (người bị chỉ trích). Trợ lý của ông Bush cũng kể việc thông qua kế hoạch này khó khăn tới mức cần phải có một mối đe dọa ngang cuộc Đại suy thoái những năm 1930, và phải thử tới hai lần mới thành công.

Với xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine và Gaza, một cuộc khủng hoảng lớn bùng nổ trong 6 tháng tới vẫn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, ông Biden không muốn đơn thuần chỉ đưa ra phản ứng trước các sự kiện, mà muốn tiếp tục xây dựng các thành tựu khác để củng cố di sản đã xây dựng trong suốt 3,5 năm qua.

 Tổng thống Joe Biden tuyên bố kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống và ủng hộ bà Kamala Harris làm ứng viên của đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống và ủng hộ bà Kamala Harris làm ứng viên của đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Nếu mọi việc chỉ dừng lại ở việc thiết lập lệnh ngừng bắn ở Gaza, thì có lẽ là chưa đủ với ông Biden. Mục tiêu chương trình nghị sự tham vọng nhất của ông Biden trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2025 có thể lớn hơn nhiều, như tái cấu trúc chính trị Trung Đông, trong đó Saudi Arabia thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nhằm mở đường cho việc công nhận một nhà nước Palestine độc lập, cũng như mở rộng các thỏa thuận an ninh và hạt nhân với Mỹ.

Dẫu vậy, ẩn số quan trọng nhất với một tổng thống sắp mãn nhiệm là ai sẽ kế nhiệm. Đây sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Biden cho tới ngày 5/11. Kết quả trong ngày bầu cử này sẽ quyết định liệu 10 tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Biden sẽ trở thành một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho một người kế nhiệm chung chí hướng, hay sẽ là cuộc đua thúc đẩy càng nhiều thay đổi càng tốt trước ngày ông Donald Trump quay lại.

“Có lúc, một tổng thống mãn nhiệm có thể hy vọng di sản của mình được tiếp bước, hoặc thậm chí được nâng lên một tầm cao mới. Trong khi đó, có lúc, di sản lại bị xóa bỏ hoặc đảo ngược hoàn toàn”, Corey L. Brettschneider - giáo sư Đại học Brown - cho hay. “Sự khác biệt tất nhiên phụ thuộc vào việc ai là tổng thống kế nhiệm - đồng minh hay đối thủ”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-dang-cho-doi-ong-biden-post1488092.html