'Điều đáng sợ' của hot girl tuyển nữ Việt Nam khi Tết về
Trong ký ức của nữ tuyển thủ Hoàng Thị Loan, Tết là những ngày tất bật nhưng thật vui và ấm áp vì được quây quần bên gia đình.
Cô thích vào bếp vào dịp Tết bởi chỉ có vậy cô mới tâm sự, trò chuyện cùng mẹ nhiều hơn. Nhưng mỗi dịp Tết về, điều luôn làm hoa khôi tuyển nữ Việt Nam “sợ” nhất là khi đi chúc Tết họ hàng, ai nấy đều hỏi: “Bao giờ lấy chồng?!”.
Nhớ mùi bánh chưng Tết
Trong văn hóa của người Việt từ xưa tới nay, Tết Nguyên đán là một dịp lễ vô cùng đặc biệt. Với các cầu thủ bóng đá, Tết càng có ý nghĩa nhiều hơn bởi đặc thù công việc khiến họ thường xuyên phải xa gia đình để tập luyện và thi đấu. “Hoa khôi” Hoàng Thị Loan của đội tuyển nữ Việt Nam và CLB Hà Nội đương nhiên cũng không ngoại lệ.
Loan sinh ra và lớn lên ở huyện Thanh Oai, một vùng quê ngoại thành Hà Nội (trước đây thuộc Hà Tây cũ). Gia đình cô vẫn sinh sống tại địa phương trong khi đại bản doanh của CLB nữ Hà Nội nằm gần sân vận động Mỹ Đình, tức chỉ cách nhau chừng 30km. Ấy vậy mà hiếm khi cô được ở bên bố mẹ.
Chính vì thế, những ngày Tết với nữ tuyển thủ này rất được mong chờ.
“Năm nào cũng vậy, khi những đợt rét đậm tràn về, những cành đào, cây quất xuống chợ sớm là tôi háo hức vô cùng. Háo hức được về nhà để ngửi mùi luộc bánh chưng ngai ngái, mùi dưa hành muối, mùi canh măng”, cô chia sẻ.
Loan kể, gia đình cô vốn có nghề làm bánh chưng, chè, xôi để bán. Thế nên, ngay từ khi còn nhỏ, quanh năm cô được xem mẹ gói bánh chưng, được thức cùng bố trông bếp lửa, lớn thêm chút là phụ giúp những công đoạn làm bánh. Tuy nhiên, theo cô, cái vị bánh chưng ngày Tết nó vẫn rất riêng, không lẫn vào đâu được.
“Bánh chưng phải gói vào lúc trời rét, rửa lá cước cả tay rồi ngồi sưởi ấm bên bến lửa, vùi thêm củ khoai lang mới đúng vị bánh chưng Tết. Khi còn ở nhà đi học, tôi cũng chỉ ăn bánh chưng Tết, không phải sợ béo mà vì cảm thấy không ngon như khi thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới”, cầu thủ sinh năm 1995 nhớ lại.
Cũng theo nữ tuyển thủ 26 tuổi, vì gia đình bán bánh chưng nên tháng Chạp hàng năm luôn là tháng bận rộn nhất của cả nhà: “Tôi nhớ cứ giáp Tết là bố mẹ gần như không có thời gian nghỉ. Tôi thì chỉ đỡ được vài việc vặt như rửa lá, lau lá, vo gạo. Càng gần mấy ngày Tết thì khối lượng bánh làm càng nhiều. Phải tới khoảng 7 - 8h tối ngày 30 Tết bố mẹ mới về để chuẩn bị đón Giao thừa. Thế nên, khi còn nhỏ, cận Tết cũng là dịp chị em tôi ăn uống khá thất thường”.
Kể từ khi theo bóng đá chuyên nghiệp, Loan chỉ được về nhà từ khoảng 28 - 29 Tết. Nhưng cũng rất nhanh, cô xắn tay tham gia vào các công đoạn làm bánh chưng, đỡ đần bố mẹ.
“Tuy mệt nhưng tôi cảm thấy rất vui vì được sống lại ký ức thời còn cắp sách tới trường, vô lo vô nghĩ”, cô kể.
Với nhiều gia đình, nhà cửa sẽ được trang hoàng lộng lẫy khi Xuân về. Nhưng do bố mẹ bận làm bánh, bán hàng nên gia đình Loan thường chỉ trang trí đơn giản với cây quất cùng cành đào nhỏ cho có không khí. Dù vậy, chị em cô lúc nào cũng phải có một vài bộ quần áo mới.
“Tôi nhớ hồi 6 tuổi, mẹ mua cho một bộ quần áo để diện Tết nhưng tôi nhất định không mặc vì sợ nó cũ. Giờ lớn rồi, không cần bố mẹ mua quần áo cho nữa. Ngược lại, tôi sẽ mua tặng bố mẹ, ông bà tấm áo bằng chính những đồng lương của mình”, hot girl của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nói.
Thích vào bếp cùng mẹ
Trở lại với câu chuyện ngày Tết, sau khi kết thúc việc bán hàng vào tối 30 tháng Chạp, cả gia đình Loan tập trung chuẩn bị bữa cơm Tất niên và lễ vật cúng Giao thừa. Cô cho hay, kể từ năm 5 tuổi, chưa năm nào cô không thức để đón thời khắc năm mới cùng cả nhà.
“Tôi tin ai cũng có thể cảm nhận sự thiêng liêng ở giây phút chuyển giao giữa năm cũ và mới”, cầu thủ sinh năm 1995 chia sẻ.
Sáng mồng Một, cả nhà Loan cùng quây quần để nấu các món ăn truyền thống như: Thịt gà luộc, canh măng nấu xương, su su xào, nem cuốn… để dâng lên tổ tiên.
“Mẹ tôi nấu ăn rất khéo nhưng tôi theo bóng đá từ năm 10 tuổi nên không học được nhiều món ăn của mẹ. Dù vậy, một số món đơn giản tôi vẫn tự tin có thể chế biến, canh măng chẳng hạn”, cô kể.
Nữ tuyển thủ Việt Nam chia sẻ, cô rất thích vào bếp nấu ăn trong ngày Tết bởi chỉ dịp này cô mới có cơ hội làm chút gì đó để chăm sóc cho những người thân yêu.
Bởi lẽ, quanh năm tập luyện và thi đấu xa nhà, nếu về cũng chỉ chốc nhát rồi cô lại vội vàng trở lại đội. Vì thế, dù không quá thành thạo, hoa khôi đội tuyển nữ quốc gia vẫn luôn vào bếp cùng mẹ, coi đây là chút tình cảm gửi tới gia đình.
Ngoài ra, cô muốn vào bếp bởi đây là thời điểm hiếm hoi được trò chuyện, tâm sự cùng mẹ. Tuy không quá hiểu về công việc của con nhưng nhờ sự từng trải, mẹ vẫn cho những lời khuyên bổ ích để cô vững vàng hơn trên con đường theo đuổi sự nghiệp.
Vì sự nghiệp, chưa nghĩ đến tình riêng
Trong những ngày Tết, giống như bao gia đình khác, ngoài việc nấu nướng, quây quần cùng dùng những bữa cơm đoàn viên, gia đình Loan cũng cũng giữ nếp chúc Tết ông bà, họ hàng. Nhà vô địch SEA Games 30 chia sẻ, dù đã lớn và đi làm nhưng năm nào cô cũng được nhận khá nhiều lì xì từ người thân.
“
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, Loan xin kính chúc người hâm mộ cả nước nói chung, độc giả Báo Giao thông nói riêng một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, vạn sự như ý. Loan cũng mong người hâm mộ luôn dõi theo, đồng hành cùng bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá nữ, từ đó tiếp thêm động lực cho Loan và đồng nghiệp nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nữ tuyển thủ Hoàng Thị Loan
”
“Cảm giác nhận lì xì ở tuổi này rất khó tả, tôi thấy mình giống như bé lại, vô tư và hồn nhiên. Ngược lại, tôi cũng chuẩn bị những phong bao lì xì thật đẹp để mừng tuổi ông bà, bố mẹ, các em, các cháu trong dòng họ”, Loan hào hứng tâm sự.
Dẫu vậy, đó không phải việc khiến cô phải bận tâm nhiều nhất. Ngày Tết cũng đem đến cho tuyển thủ 26 tuổi một phiền phức nho nhỏ mà hầu hết các cô gái đến tuổi cập kê đều phải trải qua.
“Đi thăm họ hàng, tôi ngại nhất là việc cô dì, chú bác luôn hỏi bao giờ lấy chồng hay đã có người yêu chưa mà chẳng thấy dẫn ai về ra mắt. Mỗi lần như vậy tôi đều trả lời: “Con làm gì đã có người yêu, con còn đang sợ ế đây này!”. Thế là mọi người lại cười phá lên vì nghĩ tôi nói đùa nhưng sự thực là như vậy”, trung vệ của đội tuyển nữ Việt Nam bộc bạch.
Loan tâm sự, thời điểm này cô chưa sẵn sàng cho một quan hệ với người khác giới để tập trung cho sự nghiệp. Tuổi nghề của cầu thủ bóng đá vốn ngắn ngủi, cầu thủ nữ lại càng ngắn nên cô không muốn bỏ lỡ những ngày tháng lăn lộn cùng trái bóng.
“Có chị em sau khi lập gia đình, sinh con vẫn trở lại chơi bóng nhưng số này không nhiều. Ngoài ra, tôi tự nhận thấy mình cũng chưa già đến mức phải sớm tính chuyện kết hôn”, nữ cầu thủ Hà Nội bộc bạch.