Điều đọng lại sau những tháng ngày làm báo
Bỗng dưng anh chị em đồng nghiệp đồng loạt đổi avatar 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2024) trên trang Facebook cá nhân làm tôi thấy vui và nhớ ra mình đã làm báo được gần 30 năm. Với công nghệ thông tin hiện đại như hiện nay, nhớ lại một thời nộp bản thảo viết tay thì đúng là như chuyện… cổ tích. Một thời làm báo vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào lại ùa về.
Nhìn các nữ phóng viên viết rất sung sức bây giờ, tôi như thấy lại hình ảnh của mình trước đây.
Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) năm nay, tôi đã trao đổi với các nữ nhà báo, phóng viên về điều đọng lại trong họ sau những tháng năm miệt mài với nghề.
Nhà báo Lê Tâm Trang (Báo Bình Dương): Đọng lại trong tôi là tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm
Mới đó mà tôi đã có 15 năm làm nghề báo. Suốt thời gian gắn bó với nghề, điều đọng lại trong tôi chính là tình yêu nghề báo và tinh thần trách nhiệm trong từng sản phẩm. Nếu chỉ có tinh thần trách nhiệm với công việc, những tác phẩm báo chí được viết ra sẽ tròn trịa, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhà báo Lê Tâm Trang
Tuy nhiên, có thêm lửa đam mê, nhiệt huyết trong tôi sẽ luôn thôi thúc mình phải cố gắng hơn nữa, dấn thân thực hiện những đề tài “nóng”, nguy hiểm đến bản thân để có những bài viết sinh động, gần gũi với hơi thở cuộc sống. Điều này giúp tôi thấy yêu nghề và luôn tràn đầy năng lượng tích cực.
Khi tập trung cho công việc, tôi quên đi mệt mỏi vì đó là đam mê của mình.
Nhà báo Phạm Ngọc Như (Báo Bình Dương): Đi, trải nghiệm và sống thật… sâu!
May mắn của tôi khi về Báo Bình Dương công tác là được phân công phụ trách mảng thanh niên. Đối với mảng ngành này, đọng lại trong tôi là những chuyến đi, những hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ.
Nhà báo Ngọc Như (phải) đang trao đổi nghiệp vụ cùng đồng nghiệp
Tôi được đến với bà con vùng sâu, vùng xa, đến với vùng biên cương hải đảo, được trò chuyện với những người lính biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc. Những bài học từ cuộc sống cũng đến với tôi trong những chuyến đi này. Đi để thấy yêu thương hơn đất nước, con người Việt Nam mình.
Chúng tôi thường nói với nhau rằng, mình cần sống sâu chứ không chỉ là… sống lâu và phải cống hiến hết mình khi còn ở tuổi thanh xuân này…
Phóng viên Huỳnh Thị Thủy (Báo Bình Dương): Cuộc sống quanh mình có nhiều gam màu rực rỡ
Gắn bó với nghề báo là một mối nhân duyên lớn với tôi. Trong hành trình đi tác nghiệp của mình, tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh, nhiều câu chuyện giúp tôi yêu hơn, gắn bó hơn với nghề báo.
Những chuyến đi theo đoàn thăm, tặng quà hay những ngày rong ruổi cùng cán bộ, chiến sĩ ra quân làm công tác dân vận, tôi được gặp những tấm gương bình dị trong đời thường như ông Đinh San Hà - người vì phố phường mà tình nguyện đi quét dọn đường phố trong đêm, hay tấm gương thân khuyết nhưng tâm “nở hoa” như bà Tư Sen ở TP.Bến Cát… Đó là những con người đã giúp tôi gom lại kỷ niệm thật đẹp về đất và người Bình Dương. Để tôi thấy được rằng, cuộc sống quanh mình có nhiều gam màu rực rỡ.
Nếu không phải là phóng viên, chắc rằng tôi sẽ không được đi nhiều nơi, không được tiếp xúc với nhiều người, không được “mắt thấy, tai nghe” với nhiều điều tử tế bình dị mà cao quý.
Quả thật, nghề báo đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống…
Phóng viên Huỳnh Thị Thủy (phải) nhận giải thưởng Nguyễn Văn Tiết năm 2024
Phóng viên Nguyễn Thị Hạnh (Báo Bình Dương): Lấy đam mê làm động lực vượt qua khó khăn
Tôi đến với nghề báo không qua trường lớp đào tạo chuyên ngành, mà hoàn toàn vì sở thích và cái duyên tình cờ. Do vậy, khi mới bước chân vào môi trường làm báo, tôi cảm thấy lo lắng, hồi hộp: Làm thế nào để hoàn thành tốt công việc và hòa nhập với môi trường mới.
Tôi cũng lo lắng vì sợ không đáp ứng được yêu cầu công việc, sợ mắc sai lầm...
Song tôi cũng cảm thấy nhuệ khí và háo hức muốn được học hỏi, thử sức với những thử thách mới. Tôi tranh thủ thời gian học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tiền bối trong cơ quan, từ đồng nghiệp; tích cực đi cơ sở để khám phá và trải nghiệm, rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình để không ngừng hoàn thiện bản thân...
Phóng viên Nguyễn Thị Hạnh đang tác nghiệp
Sau hơn 4 năm gắn bó với nghề báo, tôi cảm nhận nghề báo là một nghề đầy thử thách, nhưng rất cao quý. Người làm báo thường xuyên làm việc trong điều kiện phải đối mặt với nhiều áp lực và rủi ro. Để theo đuổi nghề báo, người làm báo cần có lòng đam mê, nhiệt huyết, sự hy sinh về thời gian, sức khỏe và cần có tinh thần trách nhiệm cao…
Khó khăn của nghề báo là thế nhưng nếu thực sự yêu thích công việc, mình sẽ có động lực để phát triển. Mỗi khi gặp áp lực, tôi cố gắng giữ cho mình tinh thần lạc quan, giữ niềm đam mê để làm động lực vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các nhà báo, phóng viên Báo Bình Dương trong một lớp tập huấn nghiệp vụ
Nhà báo Lê Thị Lý (Đài Tiếng nói Việt Nam, từng làm việc tại Báo Bình Dương): Tôi rất tự hào vì đã chọn nghề này
Sau gần 15 năm gắn bó với nghề báo, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì đã chọn con đường này để theo đuổi.
Công việc này đã mang đến cho tôi cơ hội được đặt chân đến nhiều nơi, gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh nhưng với nghị lực phi thường họ đã vươn lên vượt qua mọi thử thách. Những tấm gương đầy nghị lực ấy đã được tôi ghi chép lại qua những trang phóng sự, những bài phát thanh đầy cảm xúc, truyền tải nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến với mọi người.
Bên cạnh đó, theo nghề báo tôi được chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của những em nhỏ phải đi nhặt ve chai, bán vé số để kiếm sống, những bà mẹ già neo đơn, tật bệnh, những gia đình lâm vào cảnh khốn khó vì thiên tai, dịch bệnh… Những hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi viết nên những bài báo kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng, góp phần mang đến cho họ những tia hy vọng và niềm tin vào cuộc sống.
Nhà báo Lê Thị Thiên Lý (phải) đang tác nghiệp
Ngoài ra, tôi còn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi những vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của địa phương được tôi nêu lên đã được lãnh đạo các địa phương ghi nhận và khắc phục để ngày càng phát triển.
Đối với tôi, làm báo không chỉ là một nghề, mà còn là một sứ mệnh cao cả. Tôi biết ơn những năm tháng được làm báo, được cống hiến sức mình cho sự nghiệp cao quý này. Đặc biệt, tôi biết ơn những người thầy, lãnh đạo, đồng nghiệp đã giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn.
Như vậy đó, để gắn bó với nghề báo, nữ phóng viên phải cố gắng nhiều hơn đồng nghiệp nam, bởi họ còn phải lo tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Bằng niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm, họ đã vượt qua và ngày càng trưởng thành hơn, là những cây bút sung sức mà tôi yêu quý.
Chúc các nữ đồng nghiệp của tôi luôn “chân cứng đá mềm”, dấn thân trên con đường mà các bạn đã chọn.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/dieu-dong-lai-sau-nhung-thang-ngay-lam-bao-a324807.html