Điều đọng lại sau phiên xử chuyến bay giải cứu
Xét xử vụ án chuyến bay giải cứu như một bức tranh sáng về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Hôm nay (28/7), tòa sẽ tuyên án đối với 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu. Ngoài số tiền đưa và nhận hối lộ, suốt những ngày diễn ra phiên tòa, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước những lời khai, màn đối chất giữa các bị cáo.
Theo đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học, Phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội), có quá nhiều điều đọng lại sau khi đại án này khép lại.
Mọi lời biện minh đều vô nghĩa
Tại phiên xét xử, hầu hết bị cáo khai việc nhận tiền không phải cố ý, họ không phân biệt được ranh giới giữa nhận quà và nhận hối lộ, không ép doanh nghiệp đưa tiền. Có cựu quan chức còn nói đó là quà cảm ơn, chuyện “văn hóa phong bì” này là bình thường. Ông bình luận gì về việc này?
Không gì có thể bào chữa cho hành vi của các bị cáo khi đã nhận hối lộ. Trong hành vi này, người phạm tội nhận tiền hoặc những tài sản có giá trị khác để làm một việc mà lẽ ra họ không được làm, nhằm có lợi cho các đối tượng đưa hối lộ.
Bản chất vấn đề ở đây là các cựu cán bộ, công chức đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ. Do đó, các tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo này hoàn toàn chính xác.
Cần khẳng định, cán bộ, công chức có chế độ, chính sách, lương bổng và có giá trị xã hội, đã chấp nhận làm việc trong bộ máy, tổ chức thì họ phải tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật, của tổ chức đó.
Mọi lý do đưa ra nhằm giải thích cho việc nhận quà cảm ơn, được tặng hay “anh em giúp đỡ nhau” đều là ngụy biện, biện minh cho hành vi trái pháp luật.
Có bị cáo là đại diện doanh nghiệp khai nếu không đưa tiền sẽ không được cấp giấy phép tổ chức chuyến bay. Họ bị quan chức nhũng nhiễu, yêu cầu phải có tiền thì mới đóng dấu. Ông nghĩ gì khi doanh nghiệp khai họ là nạn nhân của cơ chế xin - cho?
Về mặt tổ chức, bản chất Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Người cán bộ phải là công bộc của dân, chứ không phải lợi dụng nguyên tắc đó để làm việc không đúng với quy định. Cho nên, người nào đó không thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy định của tổ chức thì việc làm đó là sai.
Trong vụ án này, “nạn nhân” (các đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ) đồng thời cũng là tội phạm, về khía cạnh tội phạm học gọi là “nạn nhân tự nguyện”. Những doanh nghiệp này có tính vụ lợi rất cao, dù họ đưa được đồng bào về nước, nhưng việc đưa hối lộ cần phải được nhận thức là sai.
Chủ trương của Nhà nước trong việc đưa công dân về nước tránh dịch là hoàn toàn đúng, dù có thể gặp một số điều kiện hay hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch bùng phát. Tuy nhiên, những ai lợi dụng chủ trương, chính sách đó để trục lợi là hoàn toàn sai.
Các doanh nghiệp dù muốn công việc được thuận lợi thì cũng không bao giờ được lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Các bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp cũng không thể biện minh do bị nhóm cựu quan chức o ép, nên doanh nghiệp mới phải đưa hối lộ.
Quên địa vị, trách nhiệm người cán bộ
Thực tế, cái gọi là cơ chế xin - cho và “văn hóa phong bì” là vấn nạn nhức nhối. Nó không chỉ xuất hiện trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước mà còn cả với người dân khi làm các thủ tục hành chính. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Xét về tâm lý pháp luật, hành vi nhận hối lộ là vấn nạn “ăn sâu bén rễ” trong đời sống xã hội.
Thậm chí, có từ xã hội phong kiến, kéo dài cho đến ngày nay.
Hiện nay, chúng ta đang sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, nhưng về mặt tâm lý xã hội, hành vi này vẫn còn tồn tại.
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, khi các bị cáo là cựu cán bộ một số bộ, ngành thấy được mối lợi quá lớn, họ đã quên mất địa vị xã hội, quên mất vị thế, vị trí mình đang giữ lẫn trách nhiệm của bản thân.
Họ không vượt qua được cám dỗ, từ đó dẫn đến thực hiện hành vi trái pháp luật.
Công nghệ, giao dịch không tiền mặt sẽ hạn chế được hối lộ
Vậy theo ông, để hạn chế và chấm dứt cơ chế xin - cho, “văn hóa phong bì”, cần phải làm gì?
Đảng đã đề ra nhiều quy định, trong đó có quy định về những điều đảng viên không được làm. Cùng với đó, công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang diễn ra ngày càng quyết liệt.
Chúng ta cũng đã có những biện pháp về giáo dục, ra chính sách pháp luật, thực hiện hình thức xử lý răn đe rất nghiêm minh đối với người phạm tội về tham nhũng. Tuy nhiên, cuộc chiến này không phải kết thúc trong ngày một, ngày hai, mà thậm chí có thể kéo dài hàng chục năm.
Một trong những giải pháp trước mắt, chúng ta có thể áp dụng công nghệ thông tin trong việc phòng chống tham nhũng vặt, tiêu cực, ngăn chặn tình trạng xin - cho.
Cũng đã có ý kiến đề cập đến phương thức giao dịch không tiền mặt, đây là một hình thức mà nếu áp dụng có thể từng bước làm giảm sự tiếp xúc giữa người dân hay doanh nghiệp với cán bộ công chức.
Lời cảnh tỉnh
Vụ án Chuyến bay giải cứu có nhiều kỷ lục (số lượng bị cáo lớn, nhiều cựu quan chức bị xét xử; số tiền đưa nhận hối lộ đặc biệt lớn…). Qua vụ án này, chúng ta rút ra bài học gì về phòng, chống tham nhũng, thưa ông?
Có thể nói việc đưa 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu ra xét xử công khai đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xử tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm. Xét xử vụ án như một bức tranh sáng về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Giữa hàng trăm lời khai, các bị cáo có thể có những cách thức khác nhau để nhận hối lộ. Cách thức có thể trắng trợn như Phạm Trung Kiên theo quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, hoặc có động thái tác động vào việc cấp phép chuyến bay để trục lợi.
Quá trình xét xử, nhiều bị cáo lý giải về bối cảnh phạm tội hoặc giải thích cho hành vi đưa và nhận hối lộ.
Tuy nhiên, hành vi phạm tội đã được các cơ quan tiến hành tố tụng minh định rõ ràng, với động cơ, mục đích và có yếu tố cấu thành rõ ràng. Đặc biệt, các bị cáo thuộc nhóm cựu quan chức không thể làm tròn bổn phận, trách nhiệm cũng như phẩm chất của người cán bộ. Đây là bài học sâu sắc về đạo đức công vụ của người cán bộ.
Đối với doanh nghiệp, khi bước chân vào các hoạt động kinh doanh cần phải thượng tôn pháp luật. Hãy bằng năng lực và kinh nghiệm để có những chính sách quản trị, đường lối kinh doanh đúng pháp luật; không nên vì lợi nhuận mà tìm mọi cách đút lót, dấm dúi cho các cơ quan quản lý để làm lợi cho mình.
Vụ án cũng là lời cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp cố tình làm việc trái với quy định của pháp luật.
Cảm ơn ông!
Một số bị cáo bất chấp tất cả để kiếm tiền
Theo cáo trạng, 18 người (trong tổng số 54 bị cáo) bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát khi luận tội chỉ đề nghị 1 án tử hình, 2 người bị đề nghị 18-20 năm tù. Còn lại 15 người bị đề nghị thấp hơn khung truy tố (từ 2 - 13 năm).
Lập luận trước tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho biết mục đích và ý nghĩa của các chuyến bay là rất tốt đẹp. Song chủ trương tốt đẹp đó đã bị những cán bộ biến chất làm cho hoen ố, mất uy tín với nhân dân cũng như bạn bè quốc tế.
Một số bị cáo trong nhóm nhận hối lộ còn bất chấp tất cả, biến nhu cầu an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng, cần xem xét thời điểm xảy ra dịch đang diễn ra việc thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, nhưng không có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục.
Đây là nguyên nhân, sơ hở để các bị cáo phạm tội. Ngoài ra, 21/21 bị cáo phạm tội nhận hối lộ đều có nhân thân tốt. Nhiều người đã nộp khắc phục số tiền lớn, nên Viện Kiểm sát đề nghị tòa sơ thẩm đánh giá, xem xét.