Điêu đứng vì đầu tư 'viện dưỡng lão 5 sao': Cẩn trọng trước những chiếc 'bánh vẽ'
Có thể thấy, lùm xùm quanh các hợp đồng hợp tác kinh doanh là vấn đề rất nóng thời gian qua với nhiều vụ việc. Trong đó, có những vụ việc doanh nghiệp đã huy động của hàng nghìn người dân với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, sau đó chủ doanh nghiệp đã bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không thanh toán, cắt liên lạc
Theo nhà đầu tư Phạm Thùy Linh, ngày 6/3/2023 gần đến thời hạn thanh toán hợp đồng giữa chị và Công ty Tuấn Minh, phía công ty có gửi cho chị đề nghị gia hạn thanh toán. Chị đã không đồng ý gia hạn. Ngày 16/3/2023, đến hạn thanh toán, chị đã nhiều lần đề nghị công ty thanh toán bằng văn bản nhưng công ty không thanh toán.
Đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Đinh Thị Ngọc Minh thì trốn tránh không gặp. Từ đó đến 14/8/2023, chị Linh đã gửi 4 văn bản nữa đến công ty để giải quyết nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Từ đó đến nay không có bất kỳ câu trả lời hay động thái nào từ phía công ty.
“Dù đã quá hạn và nhiều lần yêu cầu thanh toán nhưng công ty không trả lời, còn người có trách nhiệm là Tổng Giám đốc Đinh Thị Ngọc Minh cố tình trốn tránh. Tôi cho rằng công ty có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản là số tiền 6,7 tỷ đồng tôi góp qua hai hợp đồng hợp tác kinh doanh”, chị Linh bức xúc cho hay. Để củng cố cho nghi ngờ của mình, chị Linh cho biết đã nhiều lần đến văn phòng Công ty Tuấn Minh tại tầng 21, tháp A, tòa nhà Sông Đà, Nam Từ Liêm, Hà Nội và tại số 3, ngõ 84 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội nhưng cả hai địa chỉ này đều đã đóng cửa.
Khi đưa bố đi nghỉ không thành thời điểm tháng 7/2023, nhà đầu tư Vũ Xuân Khang (Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng) mới tá hỏa tìm cách liên lạc với phía Công ty Tuấn Minh thì không có cách nào liên lạc được với Tổng Giám đốc Đinh Thị Ngọc Minh và cộng sự. Từ đó đến nay, gia đình ông vẫn không nhận được bất cứ thông báo nào giải thích từ phía công ty.
Vì không liên lạc được với người có trách nhiệm, ông Khang đã nhiều lần phải đi từ Hải Phòng lên Hà Nội tìm đến viện dưỡng lão S-Merciful tại Chương Mỹ và hai địa chỉ văn phòng của công ty nhưng tất cả đều đã đóng cửa không hoạt động. Việc công ty đã đóng cửa không hoạt động thể hiện rất rõ qua việc một số nhóm nhà đầu tư đã đến văn phòng tại số 3, ngõ 84 Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội đã đề nghị Công an phường Dịch Vọng Hậu xác nhận. Sau khi cử cán bộ xuống địa bàn xác thực, Công an phường Dịch Vọng Hậu đã xác nhận công ty đóng cửa qua hai biên bản làm việc ngày 10/8/2023 và 20/11/2023.
Để hiểu rõ hơn vụ việc, PV đã liên lạc với bà Đinh Thị Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tuấn Minh, sau hai lần hẹn trả lời rồi thất hẹn, PV cũng đã không kết nối được nữa. Việc Công ty Tuấn Minh không thanh toán, không trả lời các nhà đầu tư, đồng thời công ty đóng cửa, ngắt liên lạc không thể không đặt ra câu hỏi đối với các nhà đầu tư rằng, có hay không việc Công ty Tuấn Minh đang tìm mọi cách trốn tránh?
Cần làm rõ có hay không hành vi lừa dối khách hàng
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, những vụ việc liên quan đến đầu tư, góp vốn như trường hợp của Công ty Tuấn Minh này thường rất phức tạp. Tuy nhiên khách hàng thường là những người phải chịu thiệt vì tiền đã đóng mà không biết khi nào lấy lại được hay có lấy lại được không.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong trường hợp này cần phải làm rõ có hay không hành vi, thủ đoạn lừa dối khách hàng. Như trong trường hợp của Công ty Tuấn Minh này các dự án viện dưỡng lão ở Hà Nội, Đà Nẵng hay như dự án nghỉ dưỡng ở Hòa Bình là không có thật. Cơ sở viện dưỡng lão S-Merciful ở Đà Nẵng của Công ty Tuấn Minh chỉ là cơ sở đi thuê, hoạt động chưa được cấp phép như phản ánh của báo chí. Thế nhưng theo phản ánh của các nhà đầu tư, công ty đã giới thiệu là tài sản để tạo lòng tin nhằm huy động vốn của khách hàng.
“Trường hợp doanh nghiệp có tài sản, cơ sở vật chất thật nhưng đánh bóng, chế biến làm quá lên cũng đã là sai. Nói nặng ra là lừa dối khách hàng. Còn trường hợp anh không có gì mà anh vẽ ra dự án để lừa khách hàng góp tiền thì rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Đây là thủ đoạn lừa đảo khi anh bịa ra những thông tin không có thật. Những trường hợp như thế này cần có cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ bởi rất phức tạp”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Về mặt bản chất của các hợp đồng hợp tác kinh doanh này chỉ là hợp đồng vay vốn. Bởi nếu hai bên ký một hợp đồng hợp tác kinh doanh mà cam kết rõ ràng hằng tháng trả lãi bao nhiêu thì không phải là hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, thời gian qua, tình trạng huy động vốn qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh là tình trạng khá nhức nhối khi liên tục những lùm xùm được dư luận phản ảnh. Nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến hàng nghìn người và vốn góp lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng vẫn liên tục xuất hiện các vụ việc mới, với nhiều nạn nhân mới. Nhiều chủ doanh nghiệp đã bị khởi tố bởi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng báo chí, dư luận đã cảnh báo rất nhiều mà vẫn xuất hiện những vụ việc mới với nhiều nạn nhân mới.
Do đó, luật sư Trương Thanh Đức đưa ra lời khuyên những ai có ý định đầu tư tài chính kiểu này phải tìm hiểu thật kỹ. Phải thận trọng với những lời quảng cáo "có cánh". Đặc biệt là cảnh giác trước những lời hứa hẹn lãi suất cao, bởi lãi suất cao thì thường đi kèm với rủi ro lớn.