Điều dưỡng A9 Bạch Mai cứu người trong quán ăn: 'Anh em ơi, cấp cứu'!
'Khi ép tim lần đầu tiên tôi còn hô lên 'Anh em ơi! cấp cứu!', bởi ở bệnh viện, chúng tôi thường hô lên như vậy khi có một ca bệnh cần cấp cứu'.
Sau khi thông tin và những hình ảnh của video clip nữ điều dưỡng Trung tâm Cấp cứu A9 BV Bạch Mai cứu người được báo Sức khỏe & Đời sống chia sẻ, nhiều người đã không khỏi xuýt xoa thán phục và dành không ít lời khen, lời cảm ơn cho nữ điều dưỡng.
Đặng Thị Hạ (SN 1995) điều dưỡng viên, Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai chính là nhân vật chính trong câu chuyện nói trên.
Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, chị Hạ cho biết ngày hôm đó là một "cơ duyên" để chị cùng nhóm bạn gặp gỡ và giúp đỡ cho người đàn ông nước ngoài không may gặp nạn.
Chị Hạ kể, tối 24/3, chuyến bay từ Đà Nẵng về Hà Nội bị delay đến 2 giờ đồng hồ, nên chị cùng 4 người bạn đã đi ăn tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà. Sự việc xảy ra hoàn toàn bất ngờ và chị hành động theo phản xạ tự nhiên, không hề có một suy nghĩ nào khác ngoài việc "cần phải cấp cứu cho người đàn ông này".
"Hai vợ chồng chú là người nước ngoài. Sau khi ăn xong, chú đứng lên, di chuyển và bất ngờ bị choáng, đi lại loạng choạng, dần mất ý thức, vệ sinh không tự chủ…Nhìn thấy chú như vậy, tôi làm theo bản năng và khi đó không nghĩ được gì thêm.
Tôi chạy đến kiểm tra mạch, đỡ chú ấy nằm xuống, tri hô mọi người gọi cấp cứu 115. Đồng thời tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực.
Khi ép tim lần đầu tiên tôi còn hô lên: "Anh em ơi! Cấp cứu!", bởi ở bệnh viện, chúng tôi thường hô lên như vậy khi có một ca bệnh cần cấp cứu", chị Hạ nói.
Chị Hạ nhớ lại, sau khoảng vài chục lần ép tim ngoài lồng ngực theo chu kỳ thì chú có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe Cấp cứu 115 Đà Nẵng vận chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở địa phương.
Theo chị Hạ, được làm việc tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai 6 năm nay giúp chị có một phản xạ như vậy. Vì một ngày chị cùng mọi người tại Trung tâm có thể sẽ phải tiếp nhận đến 300 bệnh nhân, trong đó có rất nhiều trường hợp nặng.
"Lúc đó bệnh nhân đã ngừng tim rồi, rất có thể bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Kể cả là cấp cứu 115 có đến kịp thì rất có thể người đàn ông đó vẫn sẽ bị tổn thương não", chị Hạ bộc bạch.
Qua sự việc lần này, chị Hạ cũng mong, mọi người sẽ hiểu được phản xạ trong cấp cứu ban đầu là rất quan trọng và cần thiết. Nếu cấp cứu kịp thời, hoàn toàn có thể giúp cứu sống được người bệnh, thời khắc đó chỉ tính bằng giây, thậm chí tính bằng tích tắc.
"Chính vì vậy thay vì việc chỉ bôi dầu gió hoặc gọi cấp cứu thì cần ép tim và hô hấp nhân tạo cho người gặp nạn. Đây là kỹ năng sống rất cần thiết, tôi cho rằng nên đưa vào chương trình giáo dục cho các em học sinh thật cụ thể và chi tiết.
Vì trong cuộc sống chúng ta hoàn toàn có thể sẽ gặp tình huống tương tự. Không chỉ là người xa lạ, nếu biết được kỹ năng ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo thì ta cũng có thể cứu người thân của mình…", nữ điều dưỡng chia sẻ.
Một số hình ảnh của điều dưỡng Đặng Thị Hạ tại Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai:
Video chị Đặng Thị Hạ - Điều dưỡng tại Trung tâm Cấp Cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về khoảnh khắc cứu người: