Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nCoV ở BV Chợ Rẫy: Nhiều ngày chưa được ôm hôn con
Kể từ ngày tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm nCoV, điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm chưa dám ôm hôn con dù được bảo hộ cẩn thận, tiệt trùng mỗi lần ra vào khu cách ly.
Kể từ khi 2 bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên vào điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22/1, Khoa Bệnh Nhiệt đới trở thành khu cách ly đặc biệt. Cũng từ đó, không khí ở đây trở nên khẩn trương, căng thẳng bởi 28 nhân viên y tế tại đây có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Toàn bộ nhân lực của khoa gần như không có Tết, tập trung cao độ để đối đầu với dịch bệnh nguy hiểm.
Mỗi ngày, Khoa Bệnh nhiệt đới phân công khoảng 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng thay phiên vào thăm khám, chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh, cung cấp thuốc và nhu yếu phẩm cho bệnh nhân.
Chia sẻ về việc phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm nCoV khi số ca mắc được công bố ngày một nhiều, điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm cho biết: "Ban đầu tôi hơi lo lắng, sau đó lấy lại tinh thần. Vì tôi được huấn luyện thường xuyên từ những đợt dịch bệnh trước đây nên cũng an tâm. Chúng tôi phải ôn luyện việc mặc trang phục bảo hộ. Các bác sĩ của bệnh viện và Bộ Y tế cũng hướng dẫn, động viên thường xuyên”.
Thế nhưng dù được bảo hộ cẩn thận, tiệt trùng sau khi ra khỏi khu cách ly, anh Tâm chưa dám ôm hôn con kể từ ngày tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm nCoV. “Là những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế cũng như của bệnh viện; cũng để đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp và gia đình”, anh Tâm nói.
Kể về những ngày điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy, ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ - Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, khi đưa cha đến bệnh viện, bệnh nhân Li Zichao (người Trung Quốc) không tin mình cũng bị nhiễm virus corona và cần cách ly nên không chịu hợp tác. Các y bác sĩ phải thuyết phục rất lâu. Sau 2 tuần điều trị, Li Zichao được xuất viện trong sự hân hoan của cả anh và đội ngũ nhân viên y tế.
Chia sẻ về chuyên môn sau kinh nghiệm điều trị thực tế, bác sĩ Thơ nói: “Về điều trị virus, có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và giám sát của Bộ Y tế. Do chưa có thuốc đặc trị kháng virus nên đầu tiên phải nâng tổng trạng người bệnh, đó là điều quan trọng nhất”.
Tuy nhiên, tùy theo từng người bệnh, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng.
“Ví dụ như trong 2 bệnh nhân Trung Quốc, người con còn trẻ, triệu chứng không quá nặng nên đáp ứng điều trị tương đối tốt. Bác sĩ hướng dẫn súc miệng để giảm bớt lượng virus trong đường hô hấp, đảm bảo nơi điều trị thông thoáng. Khi có kết quả âm tính lần thứ 2, anh Li Zichao có thể ra ngoài nhưng lại muốn ở lại chăm sóc cha. Lúc đó người cha vẫn đang thờ oxy nên anh ấy không yên tâm để cha nằm một mình. Sau đó chúng tôi phải xét nghiệm lần nữa để đảm bảo bệnh nhân âm tính, khi người cha ổn định rồi thì cho người con xuất viện”, BS Thơ kể.
Ngoài điều trị thể chất, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy còn điều trị tâm lý cho bệnh nhân, bởi những người nằm trong phòng cách ly luôn có tâm trạng lo lắng. Các bác sĩ thường xuyên phải trấn an để họ yên tâm điều trị.
Cảm kích vì được chăm sóc, chữa trị toàn diện như vậy, anh Li Zichao bộc bạch trong ngày xuất viện: “Tôi cảm thấy khỏe, rất khỏe. Khi đến bệnh viện, tôi sốt 39 độ và cảm thấy không ăn uống được. Sau khi được điều trị, tôi hết ho, ăn uống được và tinh thần thoải mái. Tôi rất biết ơn".
Ghi nhận cống hiến của các y bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ: “Tôi thật sự đánh giá cao nghiệp vụ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Ban đầu hai cha con anh Li Zichao chỉ sốt nhẹ, theo lẽ thường thì chưa cần thiết phải nhập viện nhưng họ vẫn quyết tâm vận động bệnh nhân cách ly ngay chứ không chờ các dấu hiệu lâm sàng khác, không theo một chuẩn mực quốc tế nào cả".