Điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo và sự xưng danh đúng lúc

Tôi yêu vô cùng cái cách xưng danh đúng lúc đúng chỗ của điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo. Nó đẹp, giản dị mà sang trọng… và nó làm rạng danh ngành y.

Ngày hôm qua tôi ngồi xem đi xem lại cái clip cô điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo ở bệnh viện trẻ em Hải Phòng cứu cháu bé sơ sinh, mới mấy ngày tuổi, mười phần chết... chín chín. Xem và nước mắt nhạt nhòa, tất nhiên có thể do mình đã già nữa.

Ngoài chuyện ai cũng thấy ai cùng biết khi xem clip hoặc đọc báo kể lại, rằng cô ấy là người giỏi chuyên môn và có lòng vị tha, sẵn sàng ôm việc, sẵn sàng làm việc tốt, tôi chú ý chi tiết bốn lần cô xưng danh.

Đầu tiên là đang đi với chồng, thấy ông cụ ôm cháu bé lao ra xe mà lật đật ngã, bố mẹ cháu chạy sau khóc thất thanh, cô nói chồng giữ con rồi lao đến và nói ngay mình là điều dưỡng ở bệnh viện trẻ em. Cú xưng danh rất cần thiết, là để giành lấy cháu bé từ tay ông nội cháu, bởi mỗi giây lúc này là rất quý. Nếu không xưng, chưa chắc ông nội cháu đã dám giao cháu.

Trên xe tắc xi, ngoài việc cứu cháu theo chuyên môn, và như phản xạ tự nhiên cô liên tục kêu cháu: "cố lên con ơi, cố lên nào, cô xin con" vừa thảm thiết vừa tràn đầy yêu thương dù cháu mới mấy ngày tuổi mà lại đã ngưng tim ngưng thở, thì Thảo còn phải làm một việc nữa là trấn an mẹ cháu lúc này khóc ngằn ngặt, khóc nức nở, vì kỳ thật lúc ấy cháu đã ngưng thở, tím tái toàn thân, và cách trấn an là lại phải xưng danh: Chị là y tá nhi, chị đang cố gắng hết sức đây, đang ép tim cho cháu đây, đừng khóc nữa, vỗ chân cho con phản xạ đi... Cái câu xưng danh chị là y tá nhi đây quả là có làm cho người mẹ trẻ ngưng khóc một lúc, và ông với bố cháu thêm yên tâm, họ đều nói mẹ cháu nín đi, vỗ chân cho cháu như điều dưỡng Thảo nói đi.

Tới bệnh viện, Thảo hét tài xế vào phòng hồi sức, và là người bế cháu lao xuống, miệng kêu to, cũng là xưng danh: em ở bệnh viện trẻ em, bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim rồi, các anh, chị chuẩn bị bóp nội khí quản, bóp mát. Cú xưng danh này cũng rất cần thiết, là để các nhân viên y tế ở đấy biết là có người có chuyên môn chẩn đoán bước đầu, và họ chuẩn bị ngay phương tiện cần thiết. Nếu không xưng, chắc chắn sẽ còn mất thời gian khám, hội chẩn vân vân. Và vẫn nên nhớ, lúc này thời gian càng là vàng. "Tôi liên tục nói mình đang công tác tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, để các đồng nghiệp có lòng tin", chị Thảo kể.

Và y như rằng, vừa cấp cứu các nhân viên y tế ở đây vừa khám chức năng sống của cháu và cho rằng cháu mất rồi. Điều dưỡng Thảo cũng lăn vào cấp cứu dù có bác sĩ nói với tôi là, đúng ra chị không được làm. Và câu này xưng danh thứ tư này bật ra đúng lúc, kịp thời đã khiến cháu được cứu sống, nó là cú cuối cùng để cháu ở lại với cuộc đời này: "Lúc đó, chị Thảo nói: 'Em là điều dưỡng bệnh viện nhi. Em vừa sơ cứu cho cháu, tim trẻ sơ sinh hồi sinh tốt lắm, cứ bóp bóng đi, bóp bóng đi, làm mạch mạnh lên. Vẫn còn hy vọng, tin em đi'. Thế rồi nhân viên Bệnh viện huyện Thủy Nguyên làm theo lời chị Thảo. Họ đưa máy móc, huy động y bác sĩ trực và để chị Thảo cùng tham gia ca cấp cứu. Một lúc sau, cháu hồng hào trở lại. Cả nhà tôi như được được tái sinh cùng con", bố cháu bé kể lại.

Chưa bao giờ tôi thấy yêu cái cách xưng danh của điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo đến như thế. Cái cách xưng danh hết sức thông minh, đúng lúc, đúng chỗ đã cứu mạng cháu bé.

Lại nhớ ở ngoài đời, rất nhiều kiểu xưng danh lãng xẹt, mà nhiều nhất là: biết bố mày là ai không? câu này buột ra từ trẻ trâu tới cả người có tí chức, quyền. Từ gây gổ nhau ngoài đường tới chỗ xếp hàng mà chen ngang bị nhắc thì trợn mắt biết bố mày là ai không. Bạn cứ đi máy bay và xếp hàng làm thủ tục hoặc qua cửa an ninh sân bay mà xem, gặp nhan nhản.

Rồi thi thoảng gặp cái ô tô dán cái biển "Xe báo chí" to oành ngoài kính xe. Có người còn cẩn thận phóng to cái thẻ nhà báo dán lên nữa. Rất nhiều nhà báo bạn tôi, chả bao giờ phải đưa thẻ mà nói tên ai cũng biết là nhà báo, thậm chí chưa cần nói tên cũng đã có người biết.

Nhiều bác in cái cardvisit mà tới... 2 mặt, chức vụ nhiều quá, học hàm học vị nhiều quá.

Lại còn kiểu xưng danh nữa là tự làm biển hiệu, tự đặt làm bảng vàng vinh danh "Nhân tài đất Việt" và cả khánh vàng "Quốc trung hiền sĩ" để đánh bóng mình, mình làm nhưng lại một tổ chức danh giá trao của một vị tiến sĩ nhưng đang được yêu cầu báo cáo quá trình học và bảo vệ.

Năm nào đó có người tổ chức thơ thế giới gì đó để vinh danh mình, những là Chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Đại sứ trọn đời của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Phó Chủ tịch hội đồng Những người bảo vệ các nhà thơ thế giới, Chủ nhiệm nhiều câu lạc bộ thơ trong và ngoài nước... vân vân, hồn nhiên hơn... cô tiên.

Lại còn giới thiệu. Cứ phải là đầy đủ chức tước, danh hiệu, thiếu là lo thon thót, là bị sinh chuyện. Chưa hết, vừa giới thiệu sự có mặt xong, giới thiệu tiếp lên "phát biểu chỉ đạo" lại vẫn phải như cũ, là chức tước danh hiệu các cái, mà ở ta, món một người kiêm nhiệm nhiều chức và rất nhiều các loại danh hiệu không ít...

Chao ơi là các cách xưng danh.

Nên tôi yêu vô cùng cái cách xưng danh đúng lúc đúng chỗ của điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo. Nó đẹp, giản dị mà sang trọng, rất sang, và nó làm rạng danh ngành y, ngành có lúc có nơi đang bị chỉ trích.

Điều dưỡng Thảo nói: ở trường hợp ấy ai cũng sẽ làm như cô. Nhưng tôi nghĩ, ai cũng sẽ làm, nhưng không phải ai cũng làm được như cô, quyết đoán, thông minh, bình tĩnh, kiên trì và đúng lúc, và đã thành công...

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dieu-duong-nguyen-thi-thao-va-su-xung-danh-dung-luc-204240714162324259.htm