Điều gây tranh cãi tại cuộc tranh luận Trump-Harris
Chưa đầy 2 tuần nữa, cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris sẽ diễn ra, nhưng các quy định vẫn chưa được thống nhất.
Chỉ vài ngày nữa là đến cuộc tranh luận tổng thống theo lịch trình (10/9) giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên hai nhóm chiến dịch của họ vẫn chưa thống nhất được về việc liệu micro của các ứng cử viên có bị tắt tiếng khi không đến lượt họ phát biểu hay không.
Hồi tháng 6, nhóm chiến dịch của Tổng thống Mỹ Joe Biden (khi đó chưa rút khỏi cuộc đua) thỏa thuận với nhóm ông Trump: Sẽ có hai cuộc tranh luận giữa các ứng viên, cuộc do CNN tổ chức vào ngày 27/6 và cuộc do ABC tổ chức ngày 10/9, được thực hiện với các quy tắc đã thống nhất. Một trong những yêu cầu của nhóm Biden - mà nhóm Trump đã đồng ý - là micro "sẽ bị tắt tiếng trong suốt cuộc tranh luận, ngoại trừ khi ứng cử viên đến lượt phát biểu".
Tuy nhiên ông Biden không còn tranh cử tổng thống nữa. Còn nhóm chiến dịch của bà Harris lại muốn bật micro liên tục trong suốt cuộc tranh luận của ABC - như thường lệ trong các cuộc tranh luận tổng thống.
"Chúng tôi đã nói với ABC và các kênh khác đang tìm cách tổ chức cuộc tranh luận có thể diễn ra vào tháng 10 rằng, chúng tôi tin micro của cả hai ứng cử viên đều phải được bật trong suốt quá trình phát sóng đầy đủ", Brian Fallon, cố vấn cấp cao về truyền thông của chiến dịch Harris, nói với tờ Politico.
Ông Fallon nói thêm: "Chúng tôi hiểu người của Trump muốn micro bị tắt tiếng vì họ không tin ứng cử viên của mình có thể hành động như một tổng thống trong suốt 90 phút. Chúng tôi nghi ngờ rằng nhóm của Trump thậm chí còn chưa nói với sếp của họ về tranh cãi này, vì sẽ rất xấu hổ nếu thừa nhận họ không tin tưởng ông ấy có thể tự đối đầu với Phó Tổng thống Harris mà không có nút tắt tiếng".
Một trong những nguồn tin của Politico cho rằng nhóm của Phó tổng thống Harris có thể khiến ông Trump mất bình tĩnh và nói điều gì đó "hớ hênh" trên micro. Họ cho rằng ông Trump có vẻ dễ nổi nóng, ngắt lời người khác và trở nên bối rối.
Trong khi đó, nhóm chiến dịch của ông Trump coi tất cả những điều này là "trò lừa bịp". Họ muốn cuộc tranh luận tại ABC được điều chỉnh theo các quy tắc của CNN, nghĩa là tắt mic như cũ, như đã thống nhất với nhóm ông Biden, mặc dù nhóm của bà Harris chưa đồng ý với các quy tắc này.
Jason Miller, cố vấn cấp cao của ông Trump nói với Playbook: "Nếu Kamala Harris không đủ thông minh để truyền tải các thông điệp mà những người quản lý chiến dịch muốn cô ấy ghi nhớ, thì đó là vấn đề của họ. Đây có vẻ là mô hình chiến dịch của Harris. Họ sẽ không cho phép Harris trả lời phỏng vấn, họ sẽ không cho phép cô ấy tham gia họp báo và bây giờ họ muốn cô ấy chỉ đơn giản là đọc một bản tóm tắt cho cuộc tranh luận. Tôi đoán là họ đang tìm cách thoát khỏi bất kỳ cuộc tranh luận nào với ông Trump".
Sau đó, Trump nói với các phóng viên rằng ông hy vọng cuộc tranh luận sẽ vẫn được thực hiện với các quy tắc như cũ, nhưng "điều đó không quan trọng với tôi, tôi muốn có cuộc tranh luận hơn".
Cố vấn Fallon đã đăng bình luận của ông Trump lên mạng xã hội và coi đó là lời đồng ý bật micro, mặc dù chiến dịch tranh cử của Trump chưa chính thức công bố.
Bản thân ông Trump cũng đề xuất thêm các cuộc tranh luận với bà Harris, sẽ áp dụng các quy tắc khác với tiêu chuẩn của CNN - bao gồm đề xuất một cuộc tranh luận do Fox News tổ chức vào ngày 4/9 với "toàn bộ khán giả tại đấu trường". (Cuộc tranh luận của CNN không có người xem trực tiếp.)
Quan điểm không sử dụng micro trực tiếp cũng trái ngược với yêu cầu chiến dịch tranh cử của ông Trump trong năm 2020, khi họ đối mặt với ông Joe Biden.
Đối với khẳng định của cố vấn Miller rằng bà Harris muốn có cuộc tranh luận ngồi và sử dụng ghi chú, cố vấn Fallon đã phản đối mạnh mẽ. Ông Fallon nói: "Cả ba bên (Trump, Harris và ABC) đều đã đồng ý tranh luận đứng và không có ghi chú, và chúng tôi chưa bao giờ tìm cách khác".
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dieu-gay-tranh-cai-tai-cuoc-tranh-luan-trump-harris-ar892316.html