Điều gì đã đẩy trẻ vị thành niên đến tội ác?
Liên tiếp 2 vụ việc giết người dã man khi đối tượng còn chưa thành niên và có mối quan hệ ruột thịt với những nạn nhân. Điều gì đã đẩy các đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành đến tội ác?
Liên tiếp những vụ việc gây rúng động xã hội bởi mức độ đặc biệt nghiêm trọng, hành vi giết người dã man, đặc biệt đối tượng còn chưa thành niên và có mối quan hệ ruột thịt với những nạn nhân. Điều gì đã đẩy các đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành đến tội ác? Để xảy ra nỗi đau này - lỗi thuộc về ai? Và cần phải làm gì để ngăn chặn những đứa trẻ phạm tội?
TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên đã phân tích những vấn đề này trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên VOV2:
PV: Nhìn lại vụ việc ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho thấy, cậu bé đầu độc sữa khiến bố và bà tử vong có một gia đình không hạnh phúc, hai bố mẹ ly thân nhiều năm, ông bố thì nghiện rượu không quan tâm suốt ngày đánh đập, cậu bé này không được dạy dỗ mà tất cả những gì cậu tiếp nhận chỉ là những thứ không được kiểm soát trên mạng. Thưa tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, ông có cho rằng đây là nguyên nhân không chỉ trong các vụ việc ở Tiền Giang mà có thể nó còn xuất hiện ở nhiều những vụ án mà trẻ chưa thành niên khác?
TS Đặng Vũ Cảnh Linh: Chính xác là như vậy chúng ta có thể thấy ở trên đường phố khắp nơi thì có một khẩu hiệu “gia đình là trường học đầu tiên”, giáo dục là một chức năng vô cùng quan trọng của gia đình và là trách nhiệm của bố mẹ. Với các em vị thành niên thì bất kỳ một sai lầm nào của các em, kể cả về nhận thức, thái độ hành vi thì đều có trách nhiệm của người làm cha làm mẹ. Bố mẹ phải cung cấp cho con cái mình những kiến thức, kỹ năng ứng xử giáo dục về đạo đức, theo sát quá trình này suốt cho đến khi các trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thấy rằng là các gia đình thì bố mẹ bận rộn sao nhãng không quan tâm đến con cái, dạy dỗ con cái thì cũng đôi khi là chưa đúng cách, chưa đúng nội dung. Và điều nữa là bố mẹ không nêu gương, ứng xử với con cái chưa phù hợp.
PV: Khi những vụ giết người dã man xảy ra, có một câu nói mà người vẫn nói: “Giờ con người ta sống ác với nhau quá”. Cái chữ “giờ” chúng ta hiểu là cái thời buổi ngày hôm nay, cái xã hội này. Phải chăng xã hội này đang có những thay đổi, đang có những tác động tâm lý, nhận thức đặc biệt là tác động đến những đứa trẻ đang còn trong quá trình hình thành nhân cách?
TS Đặng Vũ Cảnh Linh: Xã hội hiện đại có nhiều cái hay lắm, một xã hội năng động cởi mở giải phóng những năng lực cho con người. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta hình dung là với một tốc độ và một sự thay đổi rất nhanh chóng về sự phát triển xã hội thì những vấn đề mặt trái nó kéo theo rất nhiều. Trong thời gian qua một trong những sự đảo lộn giá trị mà chúng ta thấy rất rõ đó là sự lên ngôi của đồng tiền để đôi khi con người xử với nhau thì bằng đồng tiền, lấy đồng tiền làm cái thước đo của giá trị. Thế rồi những cái sự phân hóa người giàu người nghèo trong xã hội, nó dẫn đến những sự bất ổn tâm lý của các nhóm và đặc biệt là nó sẽ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Lớp trẻ chúng ta hiện nay lớn lên khó khăn hơn rất nhiều so với trước.
Bởi vì sự thay đổi của xã hội nhưng cái thiết chế của chúng ta chưa theo kịp. Chúng ta thấy rằng, gia đình nhà trường có những lúc rất là lúng túng không trợ giúp một cách kịp thời trong khi các em chưa đủ năng lực để nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Đây là một nguy cơ lớn khi mà các nhà nghiên cứu tội phạm cho rằng là tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa.
PV: Ông có cho rằng, giáo dục của chúng ta hiện đang thiên quá nhiều về kiến thức văn hóa mà việc dạy làm người, dạy những giá trị nhân văn, nhân ái dường như chưa đúng mức?
TS Đặng Vũ Cảnh Linh: Tôi cũng nghĩ vậy nhưng cũng đồng thời thông cảm với ngành giáo dục. Bởi vì khối lượng tri thức mà chúng ta phải truyền dạy của xã hội hiện đại càng ngày càng nhiều lên vì thế không còn thời gian cho giáo dục đạo đức. Chúng ta biết rằng là khẩu hiệu bao nhiêu năm của ngành giáo dục là “tiên học lễ hậu học văn”, tức là đòi hỏi mỗi một con người là phải giáo dục một cách toàn diện, nhưng hiện nay nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thầy cô cũng có tâm cũng muốn dạy đạo đức cho các con nhưng mà lại không dám can thiệp vì phụ huynh có xu hướng nuông chiều con mình nhiều hơn, dân chủ nhiều hơn.
PV: Hiện tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5 % đối với người dưới 14 tuổi 24 % đối với người từ 14 đến 16 tuổi và trên 70 % đối với người từ 16 đến 18 tuổi và trẻ chưa thành niên phạm tội ở tất cả các mức từ giết người đến cướp tài sản cố ý gây thương tích. Có lẽ đây là một điều hết sức nhức nhối.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh: Tôi cho rằng là đây là những con số biết nói. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà nghiên cứu thì một điều quan trọng hơn là tính chất của các vụ việc gần đây nghiêm trọng hơn, mức độ tàn bạo hơn làm cho xã hội rất là đáng lo ngại. Như vậy, chúng ta không chỉ quan tâm đến con số mà chúng ta hãy quan tâm đến các vụ việc cụ thể. Thứ hai là hiện tượng mà thanh thiếu niên hiện nay ứng xử một cách bạo lực đang rất đáng báo động bởi vì nó dường như là một cái cách hành xử mà các em tiếp thu từ mạng xã hội, từ những môi trường thiếu lành mạnh, tạo nên sự thiếu kiểm soát trong những giao tiếp xã hội. Đôi khi chỉ vì những câu chuyện nhỏ thôi, nhưng mà coi bạo lực là một phương thức để giải quyết vấn đề. Những cái đó nó tạo nên một cái rất là không tốt, là mầm mống tội phạm, là có từ chính trong suy nghĩ trong tâm lý chứ không hoàn toàn chỉ là yếu tố ngoại cảnh nữa.
PV: Chúng ta vẫn thường nói là cái ác cần được ngăn chặn từ gốc rễ vậy thì theo ông gốc rễ ở đây là gì?
TS Đặng Vũ Cảnh Linh: Không có một cái gốc rễ nào bền và tốt bằng văn hóa cả. Chúng ta là một đất nước mà có một truyền thống văn hóa lâu đời, văn hóa nhân đạo văn hóa yêu thương, đó chính là cái gốc rễ
Chúng ta phải có một sự chung tay của tất cả các nhóm có liên quan từ gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục cho thế hệ trẻ, tức là cái gốc đó chúng ta phải hàng ngày chúng ta vun tưới và chứ chúng ta không thể sao nhãng được.
Trong giáo dục thì chúng ta phải nêu gương. Muốn dạy cho các con về đạo đức thì trước hết những người lớn phải có đạo đức đã chứ nếu không thì tất cả các bài giảng sẽ là vô nghĩa, sẽ là lý thuyết. Chúng ta phải dạy con cái mình yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu mọi người xung quanh và giúp đỡ mọi người. Đó là những bài học đầu tiên mà tôi cho là vô cùng quan trọng.
Chúng ta cũng phải trang bị kỹ năng sống cho các em. Việc các em tiếp cận mạng xã hội cũng cần thay đổi, không thể để những hình ảnh bạo lực tràn lan ảnh hưởng đến lối sống và hành xử lúc nào không hay.
Bên cạnh đó thì khi cần bất kỳ sự trợ giúp nào thì các em hãy tìm đến những người lớn và những người mà có kinh nghiệm để có thể chỉ bảo cho các em.
PV: Ông có nói đến một yếu tố đó là internet. Ông có cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để kiểm soát những nội dung thông tin dành cho trẻ chưa thành niên hay không?
TS Đặng Vũ Cảnh Linh: Chắc chắn là chúng ta phải làm cái việc này và phải làm quyết liệt. Bởi vì tôi thấy rằng trong thời gian gần đây thì mạng xã hội trở nên rất là nguy hiểm khi có quá nhiều những hình ảnh bạo lực rồi những hình ảnh phản cảm. Chúng ta xử lý rất chậm nhưng mà trong khi cái việc lan truyền tốc độ của các hình ảnh này lại rất nhanh chóng. Nó tác động và từng ngày từng giờ đến nhận thức của thanh thiếu niên. Cần có những hình thức xử phạt đối với những nhà cung cấp dịch vụ khi để xảy ra sai phạm và bố mẹ phải rất quan tâm và kiểm soát thời lượng, nội dung của các con vào mạng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dieu-gi-da-day-tre-vi-thanh-nien-den-toi-ac-post1055928.vov