Điều gì đang diễn ra ở nước Pháp?
Từ hơn một tuần qua, người dân Pháp thuộc mọi ngành nghề, độ tuổi và lĩnh vực đều xuống đường đình công phản đối dự luật cải cách chế độ hưu trí của chính phủ. Đây được cho là vấn đề nhạy cảm và từng khiến nước Pháp tê liệt trong quá khứ.
Trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình và đình công rầm rộ diễn ra từ một tuần qua trên khắp nước Pháp, ngày 11/12, Thủ tướng Edouard Philippe công bố dự thảo luật hưu trí, rất được trông đợi, bảo đảm là mọi người sẽ được hưởng lợi từ hệ thống hưu trí “phổ quát”, công bằng và vững chắc hơn. Những nét chính trong dự án hưu trí “phổ quát”: chấm dứt các chế độ hưu trí đặc biệt, tuổi được phép về hưu vẫn là 62, nhưng tuổi được lãnh đầy đủ lương hưu cơ bản sẽ là 64, hệ thống mới sẽ chỉ được áp dụng cho các thế hệ sinh từ năm 1975 trở đi. Thế hệ sinh năm 2004, sẽ đủ 18 tuổi vào năm 2022, sẽ trực tiếp được áp dụng vào hệ thống hưu trí mới. Đối với những ngành nghề nặng, người lao động “có thể nghỉ hưu sớm hơn hai năm” (60 tuổi). Thủ tướng Pháp cam đoan mức lương hưu tối thiểu là 1.000 euro và hứa những người giầu nhất Pháp sẽ đóng góp liên đới nhiều hơn so với hiện nay. Ngoài ra, các gia đình đông con cũng được chú ý trong dự thảo luật hưu trí của chính phủ. Lương của giới giáo viên cũng được điều chỉnh.
Hiện tại kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng mới chỉ là một bản dự thảo với những đường nét rất chung chung và chính phủ còn đang tiếp tục đàm phán với các công đoàn để chi tiết hóa một số điểm quan trọng trước khi soạn thành dự luật để thông qua và đưa ra Quốc hội. Vì sao Pháp phải cải tổ hưu trí? Có hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là hiện nay, tại Pháp, có đến 42 chế độ hưu bổng tùy theo một số ngành nghề với những khác biệt khá lớn, gây ra một sự bất bình đẳng giữa những người về hưu. Thứ nhì là dân số già đi, tuổi thọ dân Pháp tăng lên, số người làm việc giảm, hệ quả là quỹ lương hưu của Pháp trong tình trạng thâm hụt kinh niên.
Trước khi đưa ra kế hoạch cải tổ, Chính phủ Pháp đã tiến hành thăm dò dư luận. Theo như kết quả một cuộc thăm dò do Viện IFOP thực hiện ngày 1/12/2019, có tới 76% người được hỏi đồng ý là "cần phải thay đổi hệ thống lương hưu" tại Pháp, 64% tán đồng việc chính phủ muốn thống nhất các chế độ hưu bổng để xóa bớt những bất công. Nhưng ngay khi chính phủ Pháp chuẩn bị công bố kế hoạch cải tổ “hợp lòng dân” này thì các công đoàn hô hào người dân rầm rộ xuống đường phản đối. Chỉ riêng trong ngày 5/12 đã có gần 250 cuộc tuần hành diễn ra trên toàn nước Pháp để chống lại chương trình cải tổ chế độ hưu bổng của chính phủ. Trong những ngày sau đó, bãi công vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù không đông đảo bằng ngày đầu. Và một cuộc thăm dò dư luận khác lại cho thấy có tới 58% ý kiến được hỏi tán đồng các cuộc bãi công. Các thăm dò nói trên cho thấy, rõ ràng, cuộc đình công lần này không đơn thuần chỉ vì vấn đề hưu bổng. Bất bình trong xã hội đang chồng chất, từ giới cảnh sát, cho đến giáo viên và cả sinh viên học sinh, từ nhân viên trong các tòa án, đến giới bác sĩ, y tá, hộ lý trong các bệnh viện công ... đều lần lượt xuống đường. Đó là chưa kể phong trào Áo vàng bùng phát vào mùa thu năm ngoái vẫn còn âm ỉ cho dù chính quyền đã rót hơn một chục tỉ euro để xoa dịu công luận, hay mở các cuộc đối thoại, tham khảo ý kiến người dân, để cho mỗi công dân có cơ hội nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào đời sống chung trên đất Pháp.
Ông Macron đắc cử tổng thống vì đã đưa ra một chương trình cải tổ táo bạo nhằm đem lại một làn gió mới cho nước Pháp. Ông từng gay gắt phê phán những đời tổng thống tiền nhiệm đã "bỏ quên một số hồ sơ trong suốt 30 năm". Đối với Tổng thống Macron, hồ sơ cải cách hưu bổng lần này là một trắc nghiệm cho hai năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ. Cũng chính vì muốn vượt qua được thách thức to lớn này mà từ nhiều tuần lễ qua, Tổng thống Macron và Thủ tướng Philippe đã huy động toàn thể nội các tham gia giải thích, trấn an về hồ sơ nhậy cảm này.
Hưu trí từ lâu vẫn là một hồ sơ vô cùng nhạy cảm ở Pháp, vì người dân nước này vẫn rất gắn bó với một trong những chế độ hưu bổng tốt nhất thế giới. Không phải đến bây giờ, mà trong hàng chục năm qua, hệ thống hưu trí của Pháp đã được cải tổ nhiều lần để thích ứng với tình trạng dân số già đi. Nhưng ngay từ năm 1991, cố Thủ tướng Rocard đã từng tuyên bố: “Chỉ cần cải tổ hưu trí là đủ để làm đổ nhiều chính phủ”. Chưa đến mức bị đổ, nhưng trước thời Thủ tướng Edouard Philippe, nhiều chính phủ đã lao đao khốn khổ về cải tổ hưu trí, đặc biệt là chính phủ của Thủ tướng Alain Juppé. Vào năm 1995, ông Juppé cũng đã từng muốn cải tổ các chế độ hưu trí đặc biệt, nhưng dự án chưa có mà nước Pháp đã bị tê liệt suốt 3 tuần lễ do phong trào đình công trong ngành giao thông công cộng. Bị phản đối quá mạnh, cuối cùng Thủ tướng Juppé đã buộc phải từ bỏ việc cải tổ. Cho tới nay, hệ thống hưu trí của Pháp đã nhiều lần được cải tổ từng phần và kể từ sau chính phủ Juppé, chưa ai dám đụng đến các chế độ hưu trí đặc biệt. Lần này, Tổng thống Emmanuel Macron đã thực hiện đúng lời hứa khi tranh cử, đó là cải tổ triệt để hệ thống hưu trí của Pháp.
Nhưng ngay sau khi kế hoạch được Thủ tướng Philippe công bố, ngày 12/12 toàn bộ các công đoàn đã chỉ trích kịch liệt, thậm chí còn kêu gọi tham gia xuống đường biểu tình toàn quốc ngày 17/12 tới. Mặt khác, không chỉ có ngành giao thông công cộng, mà giới giáo viên cũng hoài nghi về dự án cải tổ hưu trí. Ngay cả cảnh sát nay cũng nhập cuộc vì lo ngại cho lương hưu của họ sau khi cải tổ. Ấy là chưa kể giới trẻ, nhất là sinh viên, sẽ rất bất bình vì hệ thống hưu trí phổ quát sẽ chỉ được áp dụng cho thế hệ sinh từ năm 1975 trở đi. Theo báo chí Pháp, thời gian tới sẽ là cuộc đọ sức cam go giữa chính phủ và những người phản đối việc cải tổ chế độ hưu trí. Theo yêu cầu của toàn bộ các công đoàn, cũng như các đảng đối lập cánh tả, chính phủ Pháp hoặc phải từ bỏ dự án, hay ít ra là từ bỏ biện pháp bị phản đối mạnh nhất. Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Philippe có lẽ tin tưởng rằng, bất chấp những chống đối đó, dự án cải tổ hưu trí của họ rồi cũng sẽ được toàn thể dân Pháp chấp nhận, và tỷ lệ dân Pháp ủng hộ phong trào đình công biểu tình rồi sẽ giảm. Theo giới quan sát, đây là một nước cờ mạo hiểm, liều lĩnh, vì không ai có thể dự đoán được tình hình sẽ đi đến đâu trong những ngày tới, phong trào chống đối rất có thể sẽ kéo dài cho đến những ngày nghỉ lễ cuối năm, nếu chính phủ không nhượng bộ.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dieu-gi-dang-dien-ra-o-nuoc-phap-558400.html