Điều gì đang diễn ra tại Iraq?
Iraq đang chìm trong phong trào biểu tình đường phố lớn nhất và đẫm máu nhất, với gần 360 người chết và 15.000 người bị thương sau hai tháng.
Phong trào chống chính phủ bắt đầu từ đầu tháng 10/2019 càng ngày càng lan rộng tại Iraq. Tại miền Nam, thêm nhiều thành phố tham gia vào phong trào biểu tình. Khắp nơi, những người tranh đấu áp dụng cùng một chiến thuật: cắt đường giao thông, bao vây các cơ quan hành chính, trường học và tìm cách làm tê liệt kinh tế để "tiếng nói được lắng nghe", theo tuyên bố của người biểu tình.
Những cột khói đen, cuồn cuộn bốc lên từ những đống vỏ xe, gần như thường xuyên bao phủ bầu trời miền Nam Iraq. Tại Baghdad, không khí trên những cây cầu và con đường Al Rasheed chung quanh quảng trường trung tâm Tahri không khác gì ở chiến tuyến: người biểu tình xung đột dữ dội với cảnh sát.
Đêm 27/11, người biểu tình đã xông vào đốt phá tòa tổng lãnh sự của Iran ở thành phố Najaf, miền Nam Iraq. Theo AFP, các nhân viên của lãnh sự quán Iran ở Najaf đã được sơ tán khẩn cấp trước khi xảy ra vụ việc. Ngay sau vụ việc, chính quyền sở tại đã thông báo việc áp đặt lệnh giới nghiêm. AFP dẫn nguồn tin y tế và an ninh Iraq cho biết, ngày 27/11 có thêm 13 người biểu tình bị bắn chết, nâng số tử vong lên gần 360 người từ đầu tháng 10.
Trong một tuyên bố ngày 28/11, Bộ Ngoại giao Iraq nêu rõ vụ tấn công đêm 27/11 “nhằm mục đích phá hoại các mối quan hệ lịch sử giữa Iraq và Iran cũng như giữa Iraq và các nước khác”. Tuyên bố nhấn mạnh các phái bộ ngoại giao hoạt động ở Iraq “được tôn trọng và đánh giá cao”, đồng thời khẳng định vụ việc trên không phản ánh quan điểm của Baghdad.
Theo giải thích của những người biểu tình, họ phá các cơ sở ngoại giao của Iran là vì chính quyền trung ương bị Iran kiềm chế. Nhưng các yêu sách chính của phong trào biểu tình ở Iraq là chính quyền phải tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Cuộc tấn công phóng hỏa ngày 27/11 không phải là lần đầu tiên người biểu tình nhắm vào sự hiện diện của chính phủ Iran tại Iraq. Có đến 4 người biểu tình đã bị lực lượng an ninh Iraq giết chết hồi đầu tháng này khi họ xông vào lãnh sự quán Iran tại thành phố Karbala - thánh địa của người Shia.
Ban đầu, làn sóng công phẫn bùng lên ở Baghdad rồi sau đó mới lan sang các tỉnh phía nam vì tình trạng kinh tế đất nước kiệt quệ, giới lãnh đạo bị tố cáo vơ vét tài sản quốc gia. Chính phủ Iraq khi ấy đã vội vã đề xuất một số biện pháp nhằm xoa dịu tình hình (tăng trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ người thất nghiệp...) nhưng người biểu tình đòi Thủ tướng Adil Abdul Madhi từ chức, thay thế toàn bộ một guồng máy lãnh đạo. Hồi đầu tháng 11, Thủ tướng Abdul Mahdi nói rằng, các cuộc biểu tình làm rung chuyển hệ thống chính trị đã đạt được mục đích và cần dừng lại để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thương mại. Theo ông, các cuộc biểu tình đe dọa nguồn lợi dầu lửa và chặn các tuyến đường dẫn tới các hải cảng đang gây thiệt hại hàng tỷ USD và đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Iraq đã phải trải qua nhiều cuộc xung đột đẫm máu, từ chiến tranh năm 1980-1988 với nước láng giềng Iran đến cuộc xâm lược năm 2003 của Mỹ lật đổ Saddam Hussein, sau đó là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỗi cuộc chiến đã giết chết hàng chục nghìn người, khiến nhiều người hơn thế bị thương tật vĩnh viễn. Dù đất nước có nguồn dầu lửa dồi dào, song nhiều người dân Iraq vẫn sống trong nghèo đói và chỉ được tiếp cận hạn chế với điện, nước sạch, y tế và giáo dục.
Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính phủ kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS cách đây gần 2 năm. Các cuộc biểu tình trên đường phố Iraq, cho đến nay, dường như không có người lãnh đạo. Nhưng nỗi sợ hãi trong chính phủ là khi thời gian trôi qua và thương vong gia tăng, họ có thể trở nên có tổ chức hơn. Các cuộc biểu tình tự phát và thu hút đông đảo quần chúng này, từ những ngày qua, đã được lãnh đạo hệ phái Hồi giáo Shia tại Iraq, là ông Moqtada Sadr ủng hộ. Tuy nhiên, phe này không bước lên tuyến đầu, không chủ trương bảo vệ người tuần hành, hay tham gia một cách tích cực hơn.
Không chỉ riêng tại Iraq mà ở một số quốc gia Trung Đông như Lebanon và Ai Cập cũng đang xảy ra biểu tình phản kháng. Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Lebanon ngày 17/10 sau khi chính phủ thuử áp thuế đối với thuốc lá, xăng dầu và cuộc gọi trên ứng dụng WhatsApp. Thuế mới này đã nhanh chóng bị hủy bỏ nhưng đã quá muộn. Lúc đầu, các cuộc biểu tình ở Lebanon rất hòa nhã. Nhưng căng thẳng thực sự ở nước này đang hiện ra, với một số vụ bạo lực bùng phát.
Theo giới quan sát, hơn bất cứ điều gì, các cuộc biểu tình ở một số nước Trung Đông hiện là biểu hiện của một Mùa xuân Arab còn dang dở từ năm 2011. Các cuộc cách mạng lật đổ chính quyền trên khắp Trung Đông 8 năm trước đã không mang lại tự do vốn được mong mỏi cho những người biểu tình. Những bất bình đã châm lửa cho các cuộc nổi dậy hồi năm 2011 vẫn còn đó, một số trường hợp còn sâu sắc hơn. Tham nhũng được xem như căn bệnh ung thư, là khởi nguồn cho sự giận dữ và thất vọng đằng sau các cuộc biểu tình của người dân. Iraq bị xếp hạng 12 trong danh sách những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, theo Tổ chức Minh bạch quốc tế.
Dầu mỏ, nguồn tài nguyên đem lại ngoại tệ duy nhất cho Iraq, cung cấp 90% ngân sách cho chính phủ, là gót chân Achilles của chính quyền Baghdad. Iraq hiện nay là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới (gần 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2018) và là nhà xuất khẩu dầu thô thứ 3 toàn cầu. Từ năm 2005 đến nay, vàng đen đã đem về cho Iraq hơn 700 tỷ USD. Trong cùng thời gian trên, theo quốc hội nước này, gần 230 tỷ USD đã chạy vào túi các chính trị gia và doanh nhân tham nhũng ở quốc gia này.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dieu-gi-dang-dien-ra-tai-iraq-557081.html