Điều gì đang kìm chân Trung Quốc
Hoạt động sản xuất đình trệ do nắng nóng, thị trường bất động sản đi xuống cùng với biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 31/8 cho biết đợt nắng nóng ở nước này đã dẫn đến tình trạng thiếu điện và gián đoạn sản xuất, khiến các hoạt động sản xuất bị thu hẹp trong tháng thứ hai liên tiếp.
Bên cạnh đó, theo một nhà cung cấp dữ liệu bất động sản Trung Quốc, doanh số bán nhà ở quốc gia này cũng tiếp tục giảm, bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt rào cản mua nhà và giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn thành dự án, theo Wall Street Journal.
Sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc đang cản trở động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phải đối mặt với áp lực từ lạm phát và tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc giảm xuống cũng gây khó khăn cho các công ty đa quốc gia như Apple hay Starbucks. Những công ty này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc để tăng trưởng lợi nhuận.
Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi ban đầu vào tháng 6, sau khi các lệnh hạn chế để chống dịch tại trung tâm tài chính Thượng Hải được dỡ bỏ. Tuy nhiên, sự hồi phục này không duy trì được lâu.
Số ca nhiễm Covid-19 bùng phát trở lại trong tháng qua khiến nhiều thành phố của trung Quốc tiếp tục phải thực hiện lệnh phong tỏa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 31/8, chỉ số quản lý sức mua (PMI) đạt mức 49,4 điểm vào tháng 8, tăng hơn so với mức 49 điểm hồi tháng 7. Theo đó, chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất. Ngược lại, chỉ số PMI dưới 50 điểm biểu thị sự suy giảm.
Tuy nhiên, ông Yingke Zhou và bà Jian Chang - các nhà kinh tế học của tổ chức tài chính Barclays (Anh) nhận định: “Sự phục hồi này vẫn không dựa trên một cơ sở vững chắc”.
Thách thức chồng chất
Cuộc khủng hoảng năng lượng do đợt nắng nóng đang diễn ra ở Trung Quốc làm giảm hoạt động của các nhà máy vừa và nhỏ, buộc các nhà máy của các tập đoàn Foxconn, Toyota, Volkswagen AG phải tạm ngừng sản xuất, theo Wall Street Journal.
Bên cạnh đó, dữ liệu mới được công bố hôm 31/8 cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang có dấu hiệu đi xuống khi doanh số nhà bán ra giảm trong tháng thứ 14 liên tiếp.
Theo dữ liệu của tập đoàn China Real Estate Information, doanh số bán hàng của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 7, doanh số tháng 8 cũng giảm 0,8%.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng cho biết họ đã sẵn sàng cho kịch bản tăng trưởng thấp hơn trong năm nay. Tại cuộc họp quan trọng vào tháng 7, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết sẽ từ bỏ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% được đặt ra vào đầu năm.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng cho biết chỉ số quản lý sức mua với các mặt hàng phi sản xuất của Trung Quốc đã giảm từ 53,8 điểm trong tháng 7 xuống 52,6 điểm trong tháng 8.
Cơ quan này cũng biết thêm sự lây lan của dịch Covid-19 và thời tiết xấu đã kìm hãm sự phát triển của cả dịch vụ và hoạt động xây dựng trong tháng 8.
Các nhà kinh tế của ngân hàng ANZ (Australia) cho biết lĩnh vực dịch vụ chiếm 53% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2021. Do vậy, sự đình trệ hiện nay không phải là điềm báo tốt cho nền kinh tế nước này.
Ngân hàng này cũng giảm mức dự đoán tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc từ 4% xuống còn 3%, sau khi dữ liệu hôm 31/8 được công bố.
Việc phong tỏa đột ngột để ngăn chặn Covid-19 tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trong tháng qua, sự bùng phát dịch Covid-19 ở hàng chục thành phố đã dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt các địa điểm giải trí và kinh doanh.
Nhà chức trách của trung tâm công nghệ Thâm Quyến đã đóng cửa một chợ bán đồ điện tử trong tuần này.
Tại thành phố cảng Thiên Tân, các trường học đã lùi việc mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hè do chính quyền địa phương yêu cầu hơn 13 triệu người dân phải xét nghiệm sau khi hàng chục trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện.
Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, có 41 thành phố, chiếm khoảng 1/3 GDP của Trung Quốc, đang trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 4 năm nay.
Một cuộc khảo sát gần đây với các công ty thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc cho thấy niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc thăm dò hơn 16 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm này là do Bắc Kinh tiếp tục chính sách phong tỏa vì Covid-19.
Tín hiệu tích cực
Theo các nhà kinh tế, không giống như những đợt suy thoái trong quá khứ, xuất khẩu sẽ khó có thể vực dậy nền kinh tế Trung Quốc trong đợt này.
Lạm phát cao kỷ lục trong hàng thập kỷ và chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, cũng như các nền kinh tế phát triển khác đã khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, theo Wall Street Journal.
Bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis (Pháp), cho biết: “Tôi không thể nghĩ đến bất kỳ động cơ tăng trưởng nào trong tương lai”. Bà cũng hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc từ mức 3,5% xuống còn 3%.
Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất sẽ sớm được giải quyết vì nhiệt độ đã bắt đầu giảm ở tỉnh Tứ Xuyên - nơi cung cấp lượng điện lớn cho cả nước.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 31/8 cho biết hầu hết nguồn cung cấp điện cho mục đích sử dụng công nghiệp và thương mại đã được khôi phục trong tuần này. Các biện pháp kích thích kinh tế cũng được các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc công bố vào tuần trước.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang đi xuống của Trung Quốc tiếp tục tác động đến nền kinh tế nước này. Giá nhà trung bình ở hàng chục thành phố đã giảm kể từ tháng 9/2021 mà không có dấu hiệu phục hồi.
Tình trạng suy thoái kéo dài của ngành bất động sản làm làm tăng quan ngại ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm và giảm tiêu dùng của các hộ gia đình.
Robin Xing, nhà kinh tế phụ trách về Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), cho biết thị trường bất động sản của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ còn “loay hoay” trong nửa cuối năm nay.
“Thị trường nhà ở dường như vẫn bị kẹt giữa đà tăng trưởng do nới lỏng chính sách và đà suy thoái”, ông Xing nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-dang-kim-chan-trung-quoc-post1351433.html