Điều gì đằng sau sự sụt giảm tuổi thọ của người Okinawa?

Từ bao đời nay, người dân tỉnh Okinawa, Nhật Bản đã được biết đến là một trong những người sống lâu nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, ngày nay, điều đó đang thay đổi.

Tuổi thọ dân Okinawa giảm bất thường

Các chuyên gia y tế và bác sĩ lão khoa từng đổ xô đến những hòn đảo bán nhiệt đới ngoài khơi phía nam Nhật Bản này để tìm kiếm bí quyết kéo dài tuổi thọ của người dân địa phương. Hầu hết đều đi đến kết luận rằng: Đó là sự kết hợp của chế độ ăn uống bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên và sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng rộng lớn hơn.

Lối sống cũ của người dân Okinawa đang bị giới trẻ từ bỏ. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Đối thoại Shangri-La: Thủ tướng Nhật Bản đưa ra chiến lược an ninh châu Á

Nhật Bản mở cửa lại du lịch với khẩu trang, bảo hiểm và người đi kèm

Nhật Bản mạnh tay chi 21 tỷ USD nhằm giải quyết những bất ổn kinh tế

Người đàn ông Nhật Bản chi hơn 15.000 USD hiện thực hóa ước mơ trở thành động vật bốn chân

Trong khi phần lớn dân số Nhật Bản đang sống lâu hơn bao giờ hết, thì người dân Okinawa lại bắt đầu chết sớm hơn. Và sự đổ lỗi được đổ dồn vào các thế hệ trẻ đang quay lưng lại với lối sống cũ ở quần đảo.

Năm 1980, Okinawa có tuổi thọ trung bình cao nhất cho cả nam giới và phụ nữ, với nam giới thường đạt ít nhất 84 tuổi và phụ nữ sống đến 90 tuổi.

Nhưng kỷ lục đáng ghen tị đó đã bắt đầu trượt dài. Đến năm 1990, tuổi thọ trung bình của nam giới Okinawa chỉ cao thứ 5 trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản và đến năm 2020 đã giảm xuống vị trí thứ 36 trong danh sách. Phụ nữ Okinawa đứng đầu danh sách cấp tỉnh cho đến năm 2005 nhưng tụt xuống vị trí thứ 7 vào năm 2020.

Trong cuộc điều tra dân số năm 2020, do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện, đàn ông Okinawa có số tuổi trung bình là 80,27 và phụ nữ là 87,44.

Ông Makoto Suzuki, 89 tuổi, rất quan tâm đến chủ đề này và đã nghiên cứu lý do đằng sau tuổi thọ của những người dân trên đảo của mình. Ông, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tuổi thọ Okinawa có trụ sở tại Naha, cho biết: “Tuổi thọ của người dân Okinawa đang giảm xuống khá nhanh và chúng tôi tin rằng vấn đề là những người trẻ tuổi đã thất bại trong việc tiếp bước các thế hệ trước”.

"Người dân Okinawa đã bị ảnh hưởng bởi các lựa chọn thực phẩm và lối sống của các xã hội khác, đặc biệt là của Mỹ", ông Suzuki bình luận thêm.

Kể từ khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vào cuối Thế chiến II năm 1945, Okinawa vẫn là nơi có một số lượng lớn các căn cứ quân sự và hàng chục nghìn quân của Mỹ. Ông nói, văn hóa ăn thức ăn nhanh và xem truyền hình thay vì tập thể dục đã ảnh hưởng đến người dân địa phương, và kết quả bây giờ có thể được nhìn thấy.

"Thông thường, chế độ ăn uống của người Okinawa bao gồm nhiều rau, trái cây địa phương, các món ăn như đậu phụ, cá và thịt với khẩu phần nhỏ. Khi tôi còn là một cậu bé, chúng tôi ăn thịt khoảng một lần một tuần, và đó là một thói quen mà tôi đã gắn bó cho đến ngày nay", ông chia sẻ.

Ông Suzuki cho biết thêm: "Khi tôi còn trẻ, tôi cũng đi bộ, leo núi và bắn cung rất nhiều, nhưng bây giờ tôi không còn làm nhiều những việc này nữa, chủ yếu là vì tôi không còn thời gian cho những sở thích đó".

Tầm quan trọng của 'ikigai' - giá trị của cuộc sống

Ông Suzuki chia sẻ: “Tôi cũng tin rằng khái niệm 'ikigai' quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là ở những người lớn tuổi".

“Công việc của tôi ở bệnh viện rất bận rộn và đó là ikigai của tôi. Điều quan trọng đối với tôi là giúp đỡ những người bệnh và tôi không coi họ là bệnh nhân của mình, tôi xem họ như những người bạn của mình. Ở bên họ cũng giúp tôi tránh được sự cô đơn rất nguy hiểm cho người già", ông nói thêm.

"Vợ tôi đã mất cách đây hai năm nên bây giờ tôi thường đến bệnh viện trong đêm để ở cùng những người khác như những người bạn của tôi", ông cho hay.

Bà Tomoko Owan, phó giáo sư khoa y tại Đại học Ryukyus, đồng ý rằng những tác động từ bên ngoài đã có tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân trên đảo.

Người dân Okinawa đã phản đối việc xây dựng các căn cứ quân sự của Mỹ trong vài năm qua. Ảnh: Kyodo

Bà nói: “Okinawa nổi tiếng là nơi người dân sống đạm bạc khi về già, nhưng điều đó bắt đầu thay đổi trong những năm sau chiến tranh. Những người từ nước ngoài chuyển đến đây và họ mang theo nền văn hóa của họ. Dần dần, người dân địa phương hòa nhập với những người mới đến này và chế độ ăn uống cũng như truyền thống của chúng tôi đã thay đổi".

Theo bà, thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng đã thay đổi, nhưng còn những yếu tố khác.

Các bài học của karate

Bà Owan nói: “Đây là một xã hội hải đảo, trong đó gia đình và cộng đồng luôn rất quan trọng. Trong quá khứ, người dân ít căng thẳng hơn".

Bà Owan chỉ ra rằng nhiều người Okinawa gần đây đã tiếp cận cuộc sống "vội vàng" của người Nhật đại lục nhiều hơn, trong khi làm việc ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc có ít thời gian hơn để thư giãn, dành cho bạn bè, gia đình và sở thích.

Karate gắn liền với Okinawa và cho đến ngày nay, rất nhiều người già Okinawa tập luyện môn võ này. Bản thân bà Owan dạy karate ở trường đại học của mình và cho biết đây là một phần không thể thiếu trong thói quen tập thể dục hàng ngày của bà. Bà nhấn mạnh, đó là sự rèn luyện cho cơ thể, trí óc và tâm hồn.

Tuy nhiên, các thế hệ trẻ của Okinawa dường như hài lòng với cách sống hiện tại của họ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ khó có thể sống lâu như ông bà của họ. "Đây là phong cách sống hiện đại của Nhật Bản", anh Shuhei Kohagura, một quan chức 39 tuổi của cơ quan du lịch tỉnh cho hay.

Anh nói thêm: "Tôi đã lớn lên với cách sống này nên bây giờ tôi cảm thấy thoải mái, mặc dù tôi phàn nàn rằng tôi quá bận rộn trong thời gian dài. Cách sống truyền thống ở đây nghe có vẻ hấp dẫn nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó để tôi thích nghi với điều đó vì nó quá khác với mọi thứ mà tôi đã quen".

Cuối cùng theo ông Suzuki, nguyên nhân sự sụt giảm tuổi thọ của người Okinawa là họ đã không học hỏi được từ cha ông mình. Điều đó cho thấy, xã hội của chúng ta đang trải qua những thay đổi nghiêm trọng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn!

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dieu-gi-dang-sau-su-sut-giam-tuoi-tho-cua-nguoi-okinawa-post198805.html