Điều gì đằng sau việc Trung Quốc giảm mạnh lượng nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ?
Lượng nắm giữ trái phiếu này của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 14 năm vào cuối tháng 8 với tốc độ giảm ngày càng nhanh.
Việc Trung Quốc tiếp tục giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ đã làm dấy lên những đồn đoán trên thị trường về động thái của nước này. Một số nhà phân tích cho biết, các cơ quan tiền tệ Trung Quốc đang dẫn đầu động thái củng cố đồng nhân dân tệ, trong khi những người khác cho rằng điều đó là nguyên nhân gây ra tình trạng tháo chạy trái phiếu gần đây ở Mỹ.
“Có lẽ Trung Quốc đứng đằng sau việc tăng lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ”, nhà kinh tế Torsten Slok của Apollo Global Management cho biết trong một blog đăng vào đầu tháng 10 khi lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ đạt mức cao nhất trong 16 năm.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, số dư trái phiếu Kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đạt tổng cộng 805,4 tỷ USD trong tháng 8, giảm 40% so với một thập kỷ trước đó.
Trung Quốc từng đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ Mỹ với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai vào trái phiếu Kho bạc Mỹ chỉ sau Nhật Bản. Với quy mô nắm giữ của mình, động thái bán ra của Trung Quốc có thể làm tăng giá trái phiếu chính phủ Mỹ và đẩy lãi suất lên cao.
Một số nhà phân tích lại cho rằng Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển lượng trái phiếu nắm giữ sang những tổ chức giám sát ở nước ngoài mà không cần bán chúng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tập trung vào sự sụt giảm trong lượng nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ của nước này như một dấu hiệu cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc bảo vệ đồng nhân dân tệ.
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tháo chạy dòng vốn nghiêm trọng do lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng kinh tế và gánh nặng nợ tăng cao. Theo ước tính của Goldman Sachs, dòng vốn chảy ra đã đạt 75 tỷ USD vào tháng 9, con số hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2016. Điều này gây áp lực giảm giá mạnh lên đồng nhân dân tệ, hiện giao dịch ở mức khoảng 7,3 nhân dân tệ đổi 1 USD - mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường tiền tệ kể từ năm 2015, khi đồng nhân dân tệ mất giá dẫn đến giá cổ phiếu và tiền tệ sụt giảm. Theo các nhà phân tích, với mong muốn duy trì mức cân bằng dự trữ ngoại hối hiện tại, Trung Quốc có thể đã thúc đẩy các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước thay mặt họ hỗ trợ đồng nhân dân tệ.
Trong khi khoảng cách giữa tỷ giá tham chiếu và tỷ giá thực trên thị trường đã mở rộng đến mức kỷ lục, điểm giữa chính thức vẫn được chốt ở mức 7,17 nhân dân tệ đổi 1 USD kể từ giữa tháng 9. Với việc áp biên độ dao động của tỷ giá nhân dân tệ và USD trong phạm vi +/-2%, có vẻ như Trung Quốc đã quay trở lại hệ thống tỷ giá cố định.
Mặt khác, để tận dụng lãi suất thấp hơn ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi việc nới lỏng tiền tệ, một số nhà đầu cơ đã tham gia giao dịch chênh lệch lãi suất bằng cách đi vay bằng đồng nhân dân tệ và chuyển đổi tiền thành các loại tiền tệ khác có lãi suất cao hơn (chiến lược carry trade). Goldman Sachs đã đề xuất khách hàng sử dụng đồng nhân dân tệ đi vay để đặt cược vào các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn như đồng Real của Brazil hoặc các đồng tiền Nam Mỹ khác.
Khi các nhà đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận bằng cách bán đồng nhân dân tệ để mua các loại tiền tệ khác, sự gia tăng của các giao dịch carry trade có thể làm suy yếu thêm đồng nhân dân tệ. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng nếu giao dịch đầu cơ như vậy gia tăng, chính quyền Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc can thiệp vào việc củng cố đồng nhân dân tệ - có thể bằng cách tiếp tục bán trái phiếu Kho bạc.
Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khó có thể tăng như trước đây do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lượng đầu tư từ nước ngoài giảm. Những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc chỉ mới bắt đầu có hiệu lực.
Nếu Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ nắm giữ, những người tham gia thị trường có thể xem đây là yếu tố thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng và do đó là vấn đề khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed) lo ngại. Nền kinh tế của Trung Quốc đã tạo thêm một biến số khó lường khác cho thị trường tài chính toàn cầu.