Điều gì đang xảy ra ở kênh đào Panama?

Ngày 4/7, Cơ quan Quản lý kênh đào Panama (ACP) cho biết, hạn hán nghiêm trọng đã làm giảm đáng kể mực nước của kênh đào này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp của thế giới.

Một trong các âu tàu tại kênh đào Panama. Nguồn: Freightwaves.

Một trong các âu tàu tại kênh đào Panama. Nguồn: Freightwaves.

Theo ACP, tuyến đường thủy nổi tiếng này liên tục phải đối mặt với tình trạng thiếu nước kể từ mùa khô năm 2023, bất chấp những cơn mưa gần đây đã bổ sung một lượng nước đáng kể. “Mặc dù đã bắt đầu mùa mưa nhưng vấn đề về thiếu nước ở Panama nói chung và kênh đào Panama nói riêng vẫn chưa kết thúc" - ACP cho biết.

Trên thực tế, việc hạn chế tàu thuyền qua lại kênh đào Panama góp phần làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Trong gần 1 năm qua, số lượng tàu qua kênh Panama đã bị hạn chế khi rơi vào tình trạng không đủ nước để nâng và hạ tàu qua âu tàu. Không giống với các tuyến đường thủy khác như kênh đào Suez, kênh đào Panama - nơi thường xử lý khoảng 6% thương mại hàng hải toàn cầu - hoạt động bằng nước mưa từ các hồ nhân tạo Gatun và Alajuela. ACP cho biết, từ ngày 11/7 cho tới ngày 5/8, sẽ chỉ cho phép tối đa 35 tàu lớn nhỏ đi qua con kênh này mỗi ngày.

Trong năm 2023, khoảng 511 triệu tấn hàng hóa đã đi qua kênh đào Panama, tạo ra doanh thu 3,34 tỷ USD cho quốc gia này.

Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo ở Trung Mỹ, nơi cung cấp tuyến đường vận chuyển hàng hóa với chi phí rẻ hơn nhiều cho tàu thuyền di chuyển giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tới nay, ngoại trừ những con tàu đã đặt chuyến đi trước, thì với những tàu hàng không đăng ký hành trình phải chờ tới 3 tuần để đi qua kênh. Việc chậm trễ lại xảy ra vào mùa cao điểm xuất khẩu cây trồng của Mỹ đã khiến chi phí bị đẩy lên cao, gây mối nguy đối với các nhà cung cấp ngô và đậu nành của Mỹ.

Cũng chính vì thế mà nhiều nhà xuất khẩu ngũ cốc Mỹ buộc phải chuyển hướng vận chuyển nông sản của họ sang châu Á từ các cảng Bờ Vịnh đến các cảng tây bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hành trình này có chi phí cao hơn và cũng chậm trễ hơn so với việc đi qua kênh đào Panama.

"Các công ty thương mại đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Nhưng chắc chắn là người dùng cuối sẽ phải chi nhiều tiền hơn" - Dan Basse, Chủ tịch Công ty tư vấn AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) nói.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, chỉ có 5 tàu chở ngũ cốc của Mỹ đi châu Á đi qua kênh đào Panama vào tháng 10/2023 so với 34 tàu vào năm 2022. Tới tháng 6/2024, cũng chỉ có 14 tàu đi qua con kênh này. Thực tế thì ACP đã cắt giảm số chuyến quá cảnh hàng ngày từ 43 tàu như thường lệ xuống còn 18 tàu kể từ tháng 2/2024 do mực nước tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Trong bối cảnh đó, tiến sĩ Jan Hoffmann - chuyên gia thương mại toàn cầu của Liên hợp quốc (UNCTAD) đã cảnh báo về việc gián đoạn thương mại toàn cầu, do các cuộc tấn công trên Biển Đỏ cũng như mực nước thấp kỷ lục ở kênh đào Panama.

Theo ông Jan Hoffmann, kể từ khi xung đột vũ trang xảy ra trên Biển Đỏ, các công ty lớn trong ngành vận tải biển hoặc hạn chế, hoặc tạm ngừng khai thác tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez của Ai Cập; với mức sụt giảm khoảng 42%. Còn tại kênh đào Panama, con số đó ở khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn tới 62% so với cùng kỳ năm 2021.

Việc hạn chế tàu bè đi lại qua kênh đào Panama do thiếu nước gây tắc nghẽn tuyến đường thủy yết hầu nhân tạo nổi tiếng này, khiến cho luồng hàng hóa từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương và ngược lại gặp khó khăn. Trong khi, trung bình mỗi năm hơn 370 tỷ USD hàng hóa thông thương qua con kênh này.

Vậy, tương lai của kênh đào Panama sẽ ra sao? Đầu tháng 7/2024, truyền thông Panama cho biết, hạn hán ngày một nghiêm trọng ở quốc gia này khi mà biến đổi khí hậu ngày một gay gắt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng mưa trung bình giảm gần 40% so với cùng kỳ 2023. Nước ở 2 hồ nhân tạo là Gatun và Alajuela đã không còn đủ để phục vụ cho tàu bè lưu thông trên con kênh. Hiện chính phủ Panama đã tính đến việc đào thêm một hồ chứa nước nữa để cung cấp nước cho con kênh. Nhưng điều đó nếu trở thành hiện thực thì ít nhất cũng mất 5 năm.

Năm 1881, người ta bắt đầu xây dựng kênh đào Panama, cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Trong quá khứ, để vận chuyển hàng hóa từ New York đến San Francisco (Mỹ), phải vượt qua hơn 22.500km qua eo biển Drake và mũi Sừng (Cape Horn) ở điểm cực Nam của Nam Mỹ. Tuy nhiên, từ khi kênh đào Panama đi vào hoạt động thì chỉ còn 9.500 km. Trong vòng 30 năm xây dựng, kênh đào Panama đã qua quá trình “xẻ núi, bẻ hướng sông” kéo dài tới 77km (sau nâng lên 82km). 6000 nhân công đã chết trong 5 năm đầu tiên làm kênh. Còn tổng số người chết lên đến 27.500 người. Sau thời gian gián đoạn vì thiếu nhân công, đến năm 1904 công trình này được xúc tiến lại và bắt đầu mở cửa vào năm 1914.
Năm 1994, kênh đào Panama được Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Hoa Kỳ công nhận là 1 trong 7 thành tựu kỹ thuật xây dựng lớn nhất thời hiện đại.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-o-kenh-dao-panama-10284991.html