Điều gì đón đợi ở phía trước?
Năm 2020 chứng kiến nhiều hiện tượng dị thường: nào là đại dịch, thiên tai, nào là tranh chấp thương mại, cạnh tranh chiến lược, nào là Brexit, nào là nước Mỹ rơi vào khủng hoảng bầu cử...Những hiện tượng trên vừa là dấu hiệu, vừa là chất xúc tác thúc đẩy quá trình thế giới chuyển dịch sang 'trạng thái mới' về chất.
Hình thù “trạng thái mới” sẽ thế nào?
Đó là câu hỏi không dễ gì tìm được câu trả lời chuẩn xác; trước mắt ta chỉ có thể mường tượng rằng, “trạng thái mới” sẽ là sự pha trộn giữa những cái cũ được làm mới và những cái mới dần dần lộ diện.
Quá trình này diễn ra trong mọi lĩnh vực: từ kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, văn hóa tới chính trị, an ninh, quan hệ quốc tế, trên cả tầm vĩ mô lẫn ở tầm vi mô. Ở đây chỉ xin đề cập về những chuyển biến về kinh tế, xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế, dường như trạng thái mới sẽ chứng kiến một số nét sau:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tiếp tục ở mức thấp do sự phát triển của các nền kinh tế hàng đầu đã đến ngưỡng và phải đối mặt với tình trạng tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, dân số già, chi phí an sinh xã hội…ngày càng lớn.
Thêm vào đó, tần suất suy thoái kinh tế cũng như thiên tai, dịch bệnh ngày càng dầy, phạm vi ngày càng rộng, mức độ ngày càng nghiêm trọng làm cho khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao càng hạn chế. Các nội dung xã hội ngày càng nổi lên trong mô hình phát triển do hố ngăn cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp dân cư và giữa các quốc gia ngày càng sâu, môi trường bị hủy hoại ngày càng nghiêm trọng.
Vì lẽ đó lần lượt xuất hiện các khái niệm “chỉ số phát triển con người” (HDI), “phát triển bền vững”; “phát triển bao trùm” và gần đây là “phát triển hạnh phúc”…Những khái niệm này đều nhấn mạnh yêu cầu thu hẹp khoảng cách giầu nghèo, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và người yếu thế….
Xu hướng này chắc sẽ ngày càng gia tăng dưới tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội.
Thước đo trình độ phát triển các quốc gia ngày càng đa dạng
GDP tính theo đầu người sẽ không còn là tiêu chí duy nhất và quan trọng nhất mà sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tiêu chí “mềm” khó bề định lượng. Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch đáng kể. Lâu nay tỷ trọng nông nghiệp có thiên hướng giảm dần, tỷ trọng công nghiệp gia tăng, tỷ trọng dịch vụ từng bước xoán ngôi đầu bảng.
Đồng hành cùng sự chuyển dịch mô hình phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh tế hoàn toàn mới như “kinh tế số”, “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế xanh”, “kinh tế giám sát”, “kinh tế mang tính xã hội” hay “kinh tế chăm sóc con người” (care economy)…
Ngày nay và trong thời gian tới, giá trị kinh tế số có thể sẽ lớn hơn cả giá trị công nghiệp nói chung và trở thành động lực phát triển của cả ba sản nghiệp truyền thống. Vậy nó sẽ được xếp vào sản nghiệp nào hay sẽ trở thành sản nghiệp thứ tư? (**)
Và nữa, nếu như trước đây công nghiệp chế tạo là động lực phát triển (manifacturing-led development) thì ngày nay công nghệ số dần trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển (digital-led economy)?
Liên quan tới câu chuyện này, còn một khía cạnh nữa đáng suy nghĩ. Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX, nhiều nước, nhất là “các nước công nghiệp mới” (NIC), rồi “các nền kinh tế mới nổi”, kể cả hai nền kinh tế khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ đều chuyển từ mô hình “thay thế nhập khẩu” sang mô hình “hướng mạnh ra xuất khẩu” làm cho xu thế toàn cầu hóa càng tăng tốc và lan tỏa.
Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới hết sức mong manh, nhiều nước có xu hướng chú trọng hơn tới nội nhu tuy vẫn tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu. Điều đó cho thấy xu thế toàn cầu hóa không mất đi, nhưng mối quan hệ giữa thị trường bên trong và thị trường bên ngoài, các chuỗi sản xuất và cung ứng, các tổ chức đa phương liên quan và các luật lệ điều hòa sự hợp tác quốc tế...sẽ được điều chỉnh.
Sự chuyển dịch lớn của vai trò của đồng tiền
Đồng tiền kim loại rồi tiền giấy xuất hiện từ hàng nghìn năm trước nay được thay thế dần bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thậm chí xuất hiện cả các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số (CBDC).
Thê hệ đang sống còn được chứng kiến hiện tượng nhiều sản phẩm, vật dụng quen thuộc hàng thế kỷ dần biến mất, nhiều sản phẩm mới lạ như trong tiểu thuyết viễn tưởng nhanh chóng chiếm lĩnh cuộc sống. Một trong những biểu hiện của xu thế này là trong tương lai không xa xe hơi chạy bằng xăng dầu chắc sẽ dần nhường chỗ cho xe điện và xe tự lái; thậm chí “khí thải” cũng trở thành mặt hàng trao đổi...
Cùng với sự chuyển dịch mô hình phát triển và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng đang thay đổi mạnh mẽ: dù làm nông nghiệp cũng phải tiếp cận nhiều phương thức làm ăn của công nghiệp, dịch vụ và tri thức; sự khác biệt giữa “nông dân” với “công nhân áo xanh” và “công nhân áo trắng” cũng mờ dần.
Loại hình “kinh tế mang tính xã hội” (social economy) như giáo dục, y tế, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người yếu thế…thu hút ngày càng nhiều lao động.
Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, người máy…sẽ từng bước thay thế không chỉ lao động chân tay mà cả lao động trí óc, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ năng suất lao động và tạo nhiều tiện ích cho con người.
Quy mô và hình thức tổ chức doanh nghiệp chứng kiến hai chiều hướng trái ngược nhau: vừa “cực đại hóa” các doanh nghiệp vừa “cá nhân hóa” quá trình kinh doanh.
Ta có thể thấy xu hướng này qua sự xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế khổng lồ với doanh số lớn hơn cả GDP của cả một quốc gia tầm trung, trong đó các “ông lớn công nghệ số” bao phủ toàn cầu, khuyếch trương thanh thế ngày càng lớn, thậm chí lấn lướt cả quyền lực nhà nước, khuynh đảo chính trường nhiều quốc gia.
Ở chiều ngược lại, xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng một cá nhân ngồi bất cứ đâu cũng có thể kiếm bộn tiền qua mạng nhiều hơn cả các công ty với hàng trăm, hàng nghìn cổ đông và nhân viên!
Trung tâm kinh tế chuyển dần từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương
Quy luật phát triển không đều thể hiện ngày càng rõ nét qua sự chuyển dịch sức mạnh của 10 nền kinh tế hàng đầu vốn chiếm tới 67% GDP toàn cầu.
Hiện nay và trong tương lai đang nổi lên hai xu hướng lớn: một là, trung tâm kinh tế chuyển dần từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và hai là, sự rượt đuổi giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc nổi lên thành cuộc cạnh tranh kịch tính nhất. Năm 2019, GDP của Trung Quốc tính theo sức mua tương đương (PPP) đã đạt mức 23.301 tỉ đô la so với 19.391 tỉ đô la của Mỹ.
Ngay từ năm 2010 Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất và nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới; tính tới tháng 10-2019 dự trữ ngoại hối của nước này đã lên tới 3.105 tỉ đô la và Trung Quốc nắm giữ tới 1.270 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ đồng thời trở thành nhà tài trợ hàng đầu thế giới với 700 tỉ đô la vào năm 2019, lớn gấp đôi các khoản tài trợ của IMF và WB cộng lại…
Tất nhiên, sức mạnh quốc gia còn được thể hiện qua nhiều chỉ tiêu khác song chắc rằng, những thập kỷ tới cuộc rượt đuổi giữa hai nước này sẽ ngày càng kịch tính và tác động sâu sắc tới cục diện toàn cầu.
Song hành với sự chuyển dịch trong lĩnh vực kinh tế, sự chuyển dịch về mặt xã hội cũng không kém phần sâu rộng.
Tình trạng bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư và giữa các quốc gia càng gia tăng dưới tác động của đại dịch cùng khủng hoảng kinh tế cũng như các cuộc xung đột xã hội, vũ trang không ngừng nghỉ.
“Bất bình đẳng số” đào sâu thêm hố ngăn cách
Sự “bất bình đẳng số” trở thành một nhân tố mới đào sâu thêm hố ngăn cách này. Hệ quả là những mâu thuẫn giai tầng, sắc tộc, quốc gia ngày càng gay gắt và trở thành miếng đất mầu mỡ cho sự bất ổn về chính trị - xã hội trên diện rộng.
Song hành cùng nền “kinh tế số” là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của “xã hội số”. Sinh hoạt, làm ăn, giao tiếp, học tập, chữa bệnh, quản trị doanh nghiệp và điều hành Nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị và trật tư an toàn xã hội, tiến hành quan hệ quốc tế, xây dựng lực lượng vũ trang…đều được số hóa.
Trước mắt, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cho thấy tính ưu việt của văn hóa tôn trọng lợi ích cộng đồng so với văn hóa tôn thờ quá mức lợi ích cá nhân, đồng thời là cuộc đại khảo sát các thể chế quản trị quốc gia.
Quá trình này diễn biến nhanh đến mức khó quản lý do hệ thống pháp luật ở cả tầm quốc gia lẫn quốc tế không theo kịp. Cùng với những tác động tích cực của quá trình số hóa, những mặt tiêu cực của nó ngày càng lộ rõ và ngày càng phức tạp, nhất là trong lĩnh vực an ninh mạng, về sự giao tiếp giữa người với người trong từng gia đình và ngoài xã hội.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề và đại dịch Covid-19 làm bộc lộ điểm yếu của quá trình đô thị hóa ồ ạt với nhiều đại đô thị chứa hàng chục triệu cư dân, đồng thời cũng thúc đẩy xu thế “sống xanh”, “sống chậm”, “sống giãn cách”... Rồi ra, khi đại dịch qua đi, liệu xu hướng này có tiếp diễn không hay thiên hạ sẽ lại quay về đường mòn, lối cũ?
Sự phát triển mạnh mẽ của “kinh tế số” và “xã hội số” làm cho nhiều giá trị truyền thống chịu sức ép và làm nẩy sinh nhiều giá trị mới.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng không những chỉ đề ra mục tiêu kế hoạch 5 năm mà còn thông qua Chiến lược 10 năm đưa nước ta lên hàng các nước có thu nhập trung bình cao và tầm nhìn tới năm 2045 đưa nước ta vào nhóm các nước phát triển thu nhập cao.
Thiết nghĩ, những chuyển biến rộng lớn sẽ diễn ra trên thế giới trong 5-10 và 25 năm tới chắc chắn sẽ tác động tới quá trình thực hiện những mục tiêu trên và chúng ta không thể không theo dõi sát sao, cập nhật kịp thời, điều chỉnh phù hợp.
(*) Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
(**) Lâu nay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xếp lĩnh vực thông tin vào số 11 ngành dịch vụ.
Vũ Khoan (*)
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/313529/dieu-gi-don-doi-o-phia-truoc.html