Điều gì giữ chân cán bộ Công đoàn?
Một Công đoàn cơ sở (CĐCS) được xem là vững mạnh khi CĐ đó thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo được uy tín và trở thành 'chỗ dựa' vững chắc cho công nhân, lao động (CNLĐ). Và cán bộ CĐ chính là 'linh hồn' của mỗi CĐCS.
Cần có những cán bộ nhiệt tình, tâm huyết
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An - Lê Thị Thu Cúc chia sẻ: "Để xây dựng CĐCS vững mạnh, cần có đội ngũ cán bộ CĐ nhiệt tình, năng nổ, tâm huyết và gắn bó với phong trào. Thực tiễn đã chứng minh "Cán bộ nào thì phong trào ấy". Trong hoạt động CĐ cũng vậy, nơi nào có cán bộ CĐ năng nổ, tâm huyết thì nơi ấy chắc chắn hoạt động CĐCS vững mạnh. Ngược lại, nơi nào cán bộ CĐ yếu kém thì vai trò của tổ chức CĐ bị mờ nhạt, hoạt động không có hiệu quả cao".
Để có một CĐCS vững mạnh thì điều cốt yếu là phải có cán bộ CĐ “có nghề” và tâm huyết với "nghề". Đây là hai yếu tố vừa "hồng", vừa "chuyên'' của một cán bộ CĐ giỏi. Cán bộ CĐ phải chuyên nghiệp và lăn xả với những trăn trở, khó khăn cùng CNLĐ. Những cán bộ CĐ tâm huyết với hoạt động phong trào tại các doanh nghiệp thời gian qua có thể kể đến: Chủ tịch CĐCS Công ty (Cty) TNHH ShillaBags International - Lê Công Lập; Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Giày FuLuh Việt Nam - Nguyễn Thị Lệ Chi; Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam - Nguyễn Văn Khải; Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Chế biến thực phẩm G.N - Nguyễn Thị Hà; Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Sheen Bridge - Phan Thị Ngọc Linh,...
Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Giày FuLuh Việt Nam - Nguyễn Thị Lệ Chi chia sẻ: "Tôi gắn bó với hoạt động CĐ đã hơn 20 năm, vẫn với một niềm đam mê chưa bao giờ phai nhạt. Tôi vui cùng CNLĐ, trăn trở cùng họ với những khó khăn, vất vả. Mỗi khi mình làm được một điều gì đó có ích cho CNLĐ, tôi cảm thấy như trẻ lại một tuổi. Chưa bao giờ tôi có ý định dừng lại. Còn sức khỏe ngày nào, tôi sẽ còn gắn bó với CĐ để cùng chăm lo lợi ích cho CNLĐ".
Còn Chủ tịch CĐCS Cty TNHH ShillaBags International - Lê Công Lập nói: "Để hoạt động chuyên nghiệp, cán bộ CĐ phải là người am hiểu pháp luật, đặc biệt là pháp luật về lao động, Luật CĐ và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động. Có kiến thức, am hiểu pháp luật, cán bộ CĐ mới đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động một cách đúng luật”.
Nhưng trong thực tế, không thể phủ nhận vẫn còn một số cán bộ CĐ chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ với pháp luật liên quan, thiếu kỹ năng hoạt động và còn lúng túng trong công việc thực hiện nhiệm vụ CĐ. Sự không am hiểu pháp luật của cán bộ CĐ sẽ để xảy ra hai tình trạng: Một là, cán bộ CĐ đứng ngoài cuộc đấu tranh của người lao động; hai là, tích cực tham gia nhưng sai luật, không mang lại hiệu quả. Cả hai trường hợp trên đều làm mất đi vai trò của tổ chức CĐ. Do đó, để nâng cao tính chuyên nghiệp, đòi hỏi cán bộ CĐ cần có tâm, tầm, uy tín, trình độ, am hiểu về chính sách, pháp luật liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ năng vận động, tập hợp, tổ chức hoạt động, kỹ năng đàm phán, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp, kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể...
Niềm vui của công nhân, lao động là yếu tố giữ chân cán bộ Công đoàn
Có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ CĐ, chúng tôi ghi nhận được, yếu tố quan trọng nhất để giữ chân được họ chính là niềm vui trong ánh mắt những CNLĐ. “Một cán bộ CĐ tâm huyết phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đoàn viên và người lao động, không hưởng đặc quyền, đặc lợi. Có như vậy mới tạo mối quan hệ mật thiết với đoàn viên và người lao động, mới được họ tin tưởng để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng” - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Sheen Bridge - Phan Thị Ngọc Linh tâm sự.
Cán bộ CĐ là người có khả năng phát động và duy trì các hoạt động phong trào. Những phong trào này phải có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, kết nối khách hàng, mở rộng thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Làm được điều này thì người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp sẽ "chịu chi" cho các hoạt động phong trào. Khi những phong trào ngày càng hiệu quả, những lợi ích thiết thực mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho đoàn viên, CNLĐ là động lực giúp cán bộ CĐ ngày càng tâm huyết hơn nữa.
Có nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, cán bộ CĐ sẽ chủ động làm việc với người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp để giải quyết, vừa bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho CNLĐ, vừa góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Anh Lê Công Lập chia sẻ thêm: "Nhiều lúc, chúng tôi cũng chạnh lòng, cũng buồn, nhưng trót yêu nghề làm CĐ rồi nên gắn bó. Nhiều lúc chỉ cần một câu cảm ơn, một cái ôm vai của CNLĐ cũng làm cho các cán bộ CĐ chúng tôi xúc động. Tôi hiểu không điều gì khác, mà chính sự tin cậy, yêu thương của CNLĐ là động lực giữ chân chúng tôi"./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/dieu-gi-giu-chan-can-bo-cong-doan-a84111.html