Điều gì giúp bệnh nhân tiểu đường giảm nguy cơ mắc bệnh tim?

Đối với bệnh nhân tiểu đường, mỗi một khẩu phần hạt (28 gram mỗi khẩu phần) tăng thêm một tuần giúp giảm 3% nguy cơ mắc bệnh tim và 6% nguy cơ tử vong do bệnh tim.

Ảnh minh họa. (Nguồn: sikanti.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: sikanti.com)

Theo Reuters, một nghiên cứu của Mỹ cho thấy bệnh nhân tiểu đường thường xuyên ăn các loại hạt có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn so với bệnh nhân tiểu đường nhưng hiếm khi làm điều này.

Các nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện ra rằng bệnh nhân tiểu đường ăn ít nhất 5 khẩu phần mỗi tuần (28 gram mỗi khẩu phần) các loại hạt có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 17% so với bệnh nhân tiểu đường nhưng không ăn quá một khẩu phần hạt mỗi tuần.

Chuyên gia chỉ ra rằng ngay cả khi bệnh nhân tiểu đường chỉ ăn một khẩu phần hạt mỗi tuần cũng tốt cho tim của họ.

Đối với bệnh nhân tiểu đường, mỗi một khẩu phần hạt tăng thêm một tuần giúp giảm 3% nguy cơ mắc bệnh tim và 6% nguy cơ tử vong do bệnh tim.

Liu Gang, một nhà nghiên cứu dinh dưỡng, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những dữ liệu này cung cấp bằng chứng mới để hỗ trợ cho đề xuất đưa các loại hạt vào chế độ ăn uống lành mạnh ngăn ngừa các biến chứng tim mạch và tử vong sớm của bệnh nhân tiểu đường.

Ông Liu nói nghiên cứu này không phải là một thử nghiệm kiểm soát để chỉ ra liệu các loại hạt có bảo vệ bệnh nhân tiểu đường khỏi bệnh tim hay không.

Tác giả nghiên cứu cũng cho biết các loại hạt có thể giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và tình trạng viêm là do các chất dinh dưỡng trong các loại hạt như axit béo không bão hòa, chất xơ, vitamin E và axit folic, cũng như các khoáng chất như canxi, kali và magiê.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều hạt cũng có thể không phải là một điều tốt.

Các nhà nghiên cứu nói rằng ăn một lượng hạt nhất định sẽ tốt cho tim nhưng ăn quá nhiều thì vẫn chưa xác định được kết quả. Hơn một nửa số người tham gia cuộc nghiên cứu này không ăn loại hạt nào. Vấn đề ăn nhiều hạt có tốt hơn không đòi hỏi nhiều nghiên cứu hơn ở những người tiêu thụ nhiều loại hạt.

Mặc dù mật độ năng lượng của các loại hạt cao nhưng không có bằng chứng cho thấy có mối tương quan giữa việc thường xuyên ăn hạt và tăng cân.

Trong cuộc khảo sát này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bảng câu hỏi tự báo cáo về chế độ ăn uống trước và sau khi được chẩn đoán mặc bệnh tiểu đường từ 16.217 nam giới và nữ giới. Đồng thời, họ cũng tự thông báo về tình trạng ăn đậu phộng hay các loại hạt khác trong vòng vài năm.

Tất cả những người tham gia đều bị tiểu đường tuýp 2. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có liên quan đến lão hóa, béo phì và là dạng tiểu đường phổ biến nhất.

Trong quá trình nghiên cứu, 3.336 người được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch. Tổng cộng có 5.682 người chết, trong đó 1.663 người chết vì bệnh tim mạch và 1.297 người chết vì ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã tính đến yếu tố nguy cơ khác gây ra các vấn đề về tim như thời gian mắc bệnh tiểu đường, béo phì, chế độ ăn uống, tập thể dục, sử dụng thuốc và ăn các loại hạt trước khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy, các loại hạt vẫn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngoài ra, các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt hạch Brazil, hạt điều, hồ trăn, hồ đào, macadamia, hạt phỉ và hạt thông giúp bệnh nhân giảm nguy cơ mắc bệnh tim hơn so với các loại hạt họ đậu trồng dưới lòng đất như đậu phộng.

Theo bác sỹ Emilio Ross ở bệnh viện Barcelona, các loại hạt trên cây có khả năng kháng bệnh tim cao hơn bởi chúng có chất chống ôxy hóa ở lớp vỏ bên ngoài (như óc chó, hạnh nhân và hạt phỉ). Người ta thường ăn cả lớp vỏ bên ngoài của những loại hạt này còn đậu phộng thường được ăn sau khi được bóc vỏ. Ngoài ra, đậu phộng thường được rang, ướp, và muối được thêm vào có thể là nguyên nhân khiến đậu phộng mất đi tác dụng tích cực ban đầu.

Bác sỹ Ross cũng gợi ý rằng một phần đến một phần rưỡi khẩu phần hạt (28 đến 42 gram) là lượng lý tưởng cho một ngày./.

Kim Thúy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dieu-gi-giup-benh-nhan-tieu-duong-giam-nguy-co-mac-benh-tim/573723.vnp