Điều gì giúp Đan Mạch chống đỡ làn sóng Covid-19 tốt hơn Đức và Mỹ?

Niềm tin của xã hội - yếu tố quan trọng nhất trong khả năng phục hồi quốc gia - là chìa khóa giúp Đan Mạch trụ vững trước Covid-19, khác so với Đức và Mỹ - nơi lòng tin suy giảm.

Một trong những chủ đề mà tâm lý học quan tâm nhất là khả năng phục hồi - khả năng cá nhân đối phó với nghịch cảnh và dần quay trở lại nhịp sống thường ngày sau khó khăn.

Khả năng phục hồi của cả một quốc gia thường chưa được nghiên cứu một cách thích đáng, chủ yếu chỉ được chú ý đến sau các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ hay Israel.

Tuy nhiên, nhờ có đại dịch Covid-19, khả năng phục hồi của quốc gia giờ đây có thể trở thành vấn đề lớn tiếp theo trong lĩnh vực khoa học xã hội, Bloomberg nhận định.

Khả năng phục hồi sau đại dịch đánh giá theo tiêu chí nào?

Trong bối cảnh hiện tại, khả năng phục hồi không nhất thiết chỉ đề cập tới khả năng ngăn chặn ca mắc mới hoặc tử vong của một quốc gia. Covid-19 đã dạy loài người một bài học: Những nơi tại một thời điểm phòng ngừa khá tốt, như Đức, hiện lại chứng kiến đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, và ngược lại.

Chính sách của chính phủ và biện pháp sức khỏe cộng đồng cũng là yếu tố cần xem xét. Tuy vậy, ở mức độ rộng lớn hơn, virus làm "công việc" của chính nó, đột biến ở đây rồi lây lan ở đó, buông tha cho thành phố này để rồi quay lại tấn công sau đó,...

Khả năng phục hồi đề cập đến việc các quốc gia duy trì hoạt động tổng thể, bất kể điều gì xảy ra - như đối phó với SARS-CoV-2 - nhưng vẫn duy trì sự gắn kết xã hội. Chúng ta đang chứng kiến những khác biệt lớn ở đây.

 Đan Mạch xếp hạng cao nhất về độ tin cậy và tinh thần cộng đồng khi có 90% người dân nói họ tin vào cơ quan y tế trong số các quốc gia khảo sát. Ảnh: Reuters.

Đan Mạch xếp hạng cao nhất về độ tin cậy và tinh thần cộng đồng khi có 90% người dân nói họ tin vào cơ quan y tế trong số các quốc gia khảo sát. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu trước đó về khả năng chống chịu của một quốc gia, chủ yếu từ Israel, nhấn mạnh đến các yếu tố như lòng yêu nước và sự lạc quan của người dân, cùng với sự hòa nhập xã hội và lòng tin vào thể chế chính trị. Nhưng lòng yêu nước sẽ phù hợp hơn nếu các mối đe dọa là con người. Vẫy cờ chống lại các phân tử RNA vô hình thì ít đem lại kết quả thỏa mãn hơn nhiều.

Thay vào đó, sự tin tưởng mới là yếu tố quan trọng. Đây không phải là ý tưởng mới. Từ lâu, mọi người quy định xã hội sẽ giàu có, an toàn và lành mạnh hơn nếu người dân không chỉ tin tưởng người thân mà còn cả người xa lạ và những thứ trừu tượng như thể chế. Ví dụ như bán đảo Scandinavia nằm trong danh mục "hạnh phúc", còn các quốc gia Đông Âu thì không.

Vai trò của niềm tin trong xã hội

Vai trò của niềm tin trong việc đối phó với đại dịch vẫn là một câu hỏi mở. Ban đầu có những suy đoán rằng xã hội có tỷ lệ tín nhiệm thấp sẽ hoạt động tốt hơn.

Điều này được giải thích rằng mọi người sẽ càng đứng cách xa nhau khi họ không tin tưởng hàng xóm trong vấn đề xét nghiệm hay rửa tay. Họ cũng ủng hộ chính sách cứng rắn như phong tỏa vì họ cho rằng người khác sẽ hành động vô trách nhiệm.

Bằng chứng là Thụy Điển, quốc gia có tỷ lệ tin cậy cao, chưa bao giờ phải phong tỏa, trong khi Bulgaria thì có.

Tuy vậy, những luận điểm trái ngược cũng ngày càng trở nên hợp lý hơn. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã so sánh thái độ ở Đan Mạch với 6 quốc gia châu Âu khác và Mỹ. Đan Mạch xếp hạng cao nhất về độ tin cậy và tinh thần cộng đồng khi có 90% người dân nói họ tin vào cơ quan y tế.

Giới nghiên cứu cho rằng đó chính là lý do Đan Mạch cho tới nay vẫn đang ứng phó tốt với đại dịch Covid-19. "Kiểm soát tốt" không đồng nghĩa với tỷ lệ lây nhiễm được kiểm soát. Sau một vài tháng nới lỏng phòng dịch, số ca mắc tăng lên là chuyện dễ hiểu.

Thay vào đó, đây đồng nghĩa với việc người Đan Mạch có thể tiếp tục thích nghi, bằng cách điều chỉnh chuẩn mực hành vi, và quan trọng hơn hết là đi tiêm chủng để bảo vệ lẫn nhau. Phần lớn người dân tin tưởng vào các khuyến nghị của giới khoa học và chuyên gia y tế công cộng, phớt lờ những thông tin sai lệch. Họ vẫn tiếp tục với cuộc sống của mình.

 Hiện 76,1% dân số Đan Mạch đã tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: AFP.

Hiện 76,1% dân số Đan Mạch đã tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: AFP.

Ngược lại, ở đất nước có sự tin tưởng thấp là Bulgaria, mọi người có xu hướng không nghe theo chuyên gia và nhà chức trách, nhưng lại tin sái cổ "lang băm". Không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ người Bulgaria được tiêm phòng đầy đủ, ở mức 23%, thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi tỷ lệ tử vong lại cao nhất.

Các quốc gia phương Tây khác nằm ở giữa. Những nền văn hóa nói tiếng Đức - Áo, Đức và phần lớn Thụy Sĩ - có tỷ lệ tiêm chủng ở mức trung bình, có thể là do họ dễ tiếp nhận các thuyết âm mưu.

Mỹ cũng có khả năng phục hồi không cao. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ trở nên phân cực sâu sắc, với việc áp dụng các thuyết âm mưu gần như là điều kiện tiên quyết để thuộc về một trong những đảng lớn.

Sử dụng khẩu trang hay tiêm phòng trở thành biểu hiện của bản sắc hoặc lòng trung thành của một nhóm người trong cuộc chiến văn hóa. Mỗi bên đều có ý niệm xấu với bên kia, cản trở nỗ lực của những người theo chủ nghĩa thực dụng. Điều đó trái ngược với sự tin tưởng và khả năng phục hồi.

Tuy vậy, ở mức độ nào đó, sự so sánh này là không công bằng. Mỹ và Đức là những quốc gia rộng lớn và đa dạng hơn nhiều so với Đan Mạch nhỏ bé.

Đôi khi, có những lý do dễ hiểu dẫn đến tình trạng "khan hiếm" lòng tin. Chẳng hạn như người Mỹ da đen và bản địa có ký ức không mấy tốt đẹp về cơ sở y tế của người Mỹ da trắng trong quá khứ.

Dù phá hủy lòng tin là điều dễ dàng, việc nuôi dưỡng nó lại rất khó khăn. Tuy vậy, nếu không có lòng tin, các quốc gia sẽ gặp bất lợi.

Họ sẽ gặp khó khăn trong việc thích ứng với những điều xảy tới phía trước, đưa ra quyết định trong bối cảnh không chắc chắn, thay đổi khi cần thiết nhưng vẫn phải bảo toàn giá trị. Nói một cách ngắn gọn, khả năng phục hồi của các nước sẽ kém hơn nhiều.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-giup-dan-mach-chong-do-lan-song-covid-19-tot-hon-duc-va-my-post1278997.html