Điều gì giúp Nga 'thay đổi cuộc chơi' ở Ukraine?
Mỹ gần đây bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc 'đang cân nhắc hỗ trợ vũ khí sát thương' cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Bắc Kinh nhanh chóng bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có những lý do để Mỹ nói thế, và nếu Trung Quốc thực sự làm vậy, đây sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với cuộc xung đột đã kéo dài 1 năm. Từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Trung Quốc vẫn ủng hộ Nga về ngoại giao và tài chính, nhưng không tham gia về quân sự hay gửi vũ khí sát thương.
Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc bán máy bay không người lái phi sát thương và các phương tiện khác cho cả Nga và Ukraine, nhưng Mátxcơva buộc phải quay sang Iran để mua những phương tiện cần thiết như máy bay không người lái tấn công. Mỹ cũng nói rằng Triều Tiên đã cung cấp pháo và đạn pháo cho Nga.
Washington cho rằng, điều này có thể sẽ thay đổi. Ngày 19/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thể hiện nỗi lo đó. “Dựa trên thông tin mà chúng tôi nhận được… Họ đang cân nhắc hỗ trợ vũ khí sát thương”, ông Blinken nói về Trung Quốc. Ông Blinken không đưa ra bằng chứng nào khi nói điều này, và những người chỉ trích nhắc lại những thất bại của tình báo Mỹ trước đây, nhưng bước đi này của Mỹ phù hợp với mô hình tiết lộ thông tin nhạy cảm để ngăn chặn và phá vỡ kế hoạch của Nga.
“Thực tế là ông Blinken chọn cách thể hiện quan ngại công khai như vậy cho thấy Mỹ đã nhận được thông tin tình báo mạnh mẽ”, Richard McGregor, một nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Á tại Viện Lowy ở Sydney, nhận định. Bắc Kinh không bình luận về bất kỳ trao đổi kín nào, nhưng cáo buộc Washington “lan truyền tin giả” và “đổ lỗi”.
Trong suốt 1 năm qua, Nga được cho là đã gặp nhiều khó khăn trong huy động đủ binh lính, vũ khí và đạn dược để đè bẹp sự kháng cự của Ukraine, buộc Mátxcơva phải gọi quân dự bị, sử dụng các lực lượng quân sự tư nhân và từ bên ngoài. Trong khi đó, Ukraine với sự hỗ trợ tích cực của các đồng minh đã chặn được nhiều chiến dịch của Nga, đôi khi giành được lợi thế hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến đang ở thời điểm bước ngoặt, mỗi bên đều đang quyết liệt huy động nguồn lực và hướng đến những chiến thắng mang tính quyết định khi mùa đông đã chuyển sang xuân.
Trong bối cảnh đó, một dòng vũ khí lớn từ Trung Quốc sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”, Mick Ryan, một chiến lược gia và là cựu sĩ quan của lục quân Úc, nhận định. “Đây là cuộc chiến giữa các nền công nghiệp. Hiện tại, Nga đang bị phương Tây áp đảo. Nếu Trung Quốc tham gia, bất kỳ lợi thế nào Ukraine có nhờ năng lực công nghiệp của phương Tây đều biến mất ngay lập tức”, Ryan nói.
Các kênh bí mật
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping khẳng định Bắc Kinh sẽ không gửi vũ khí, nhưng hợp tác chính trị, thương mại và quân sự giữa Mátxcơva và Bắc Kinh đã được làm sâu sắc trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine và sẽ tiếp tục như vậy. “Trung Quốc sẽ không nghe theo đòi hỏi của Mỹ. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hợp tác với Nga dựa trên ý chí và lợi ích an ninh quốc gia của mình”, ông Song nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể trở thành chiến trường đại diện như thời Chiến tranh Lạnh. “Cuộc chiến ở Ukraine xảy ra đúng thời điểm khủng hoảng của môi trường an ninh quốc tế, của trật tự quốc tế”, Alexey Muraviev, giáo sư về nghiên cứu an ninh và chiến lược tại ĐH Curtin, Úc, nhận xét.
Nếu quyết định xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc đối mặt với rủi ro bị phương Tây trừng phạt, đánh sập nốt cây cầu còn lại với Washington và châu Âu. Tuy nhiên, ông Muraviev tin rằng nguy cơ Nga thất bại ở Ukraine sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng. “Nếu Nga thua ở Ukraine về chính trị hay quân sự, Trung Quốc sẽ còn lại một mình. Nga là cường quốc lớn duy nhất ủng hộ Trung Quốc”, ông nhận định.
Ngược lại, chiến thắng cho Nga ở Ukraine sẽ có nghĩa là “thất bại chiến lược đối với Mỹ”, giúp củng cố lập luận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng phương Tây đang suy tàn. GS Muraviev cho rằng Trung Quốc có thể cố gắng hành động khôn khéo, bằng cách cung cấp vũ khí qua các doanh nghiệp nhà nước, qua Triều Tiên hoặc hãng quân sự tư nhân Nga Wagner, thay vì cung cấp thường xuyên và trực tiếp cho quân đội Nga. “Tôi nghĩ cách tiếp cận của họ sẽ bí mật hơn”, ông Muraviev nhận định.
Wall Street Journal: Ông Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Nga
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị thăm Mátxcơva để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những tháng tới, Wall Street Journal hôm qua dẫn các nguồn tin. Theo báo này, cuộc gặp của ông Tập với nhà lãnh đạo Nga sẽ là một phần trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán đa phương về hòa bình cho Ukraine và là dịp để Trung Quốc nhắc lại lời kêu gọi không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Những chuẩn bị cho chuyến thăm đang ở giai đoạn đầu và thời điểm thực hiện chuyến thăm vẫn chưa được quyết định. Các nguồn tin nói với Wall Street Journal rằng chuyến thăm có thể diễn ra vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5, khi Nga kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến 2.
Ngày 21/2, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị thăm Mátxcơva, trong bối cảnh Bắc Kinh có vẻ đang đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Vài giờ trước khi chuyến thăm diễn ra, Tổng thống Putin thông báo đình chỉ tham gia hiệp ước với Mỹ về kiểm soát vũ khí hạt nhân START Mới. Theo Wall Street Journal, ông Vương Nghị có thể bàn về chuyến thăm của ông Tập trong dịp này.
Ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Ukraine đã “đứng vững” sau 1 năm xung đột với Nga và Mátxcơva sẽ không bao giờ đánh bại được quốc gia này. Mỹ và các đồng minh NATO đã viện trợ cho Ukraine số vũ khí và đạn dược trị giá hàng tỷ đô la. Nga có một số bước lùi ở Ukraine năm ngoái, nhưng vẫn kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ của nước láng giềng và có vẻ đang nhích lên từng chút một trong chiến dịch tấn công mới ở miền Đông, Reuters đưa tin hôm qua.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dieu-gi-giup-nga-thay-doi-cuoc-choi-o-ukraine-post1512265.tpo