Điều gì khiến con người khác biệt với các loài?

Cái gì khiến chúng ta khác với động vật khác? Có thể là vì chúng ta có thể suy nghĩ về suy nghĩ của mình, hay suy nghĩ người khác đang nghĩ gì.

Câu hỏi điều gì làm cho chúng ta trở thành sinh vật độc nhất là một chủ đề gây nhiều tranh cãi kể từ bình minh lịch sử nhân loại. Cái gì khiến chúng ta khác với động vật khác? Có thể là vì chúng ta có thể suy nghĩ về suy nghĩ của mình, hay suy nghĩ người khác đang nghĩ gì, và từ đó đưa ra hành động thích hợp.

Đây chính là nội dung của học thuyết tâm trí (Theory of Mind - TOM). TOM bao gồm năng lực tự suy ngẫm, khả năng diễn đạt tư duy và kiến thức thành lời, cùng với việc biết rõ ở mức nào đó những gì mà người nghe biết và những gì đang diễn ra trong đầu của họ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln.

Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln.

Một số nghiên cứu về phát triển tâm trí dựa trên ý tưởng rằng khi trẻ con bắt đầu biết nói dối là vì đó là lúc trẻ bắt đầu nhận ra không phải ai cũng biết những gì mình biết. Nói cách khác, trẻ khám phá ra rằng đôi khi trẻ biết những thứ mà không ai khác biết - có thể là mẹ không nhìn thấy mình lấy trộm bánh từ hộp bánh. (Thật không may là trẻ có thể chưa nhận ra rằng mẹ thấy được vụn bánh quanh mép.)

Kiểu phát triển trí não này thường xảy ra từ khoảng ba đến năm tuổi. Nếu đứa trẻ ở độ tuổi này thấy ai đó nhìn vào cái hộp đựng cái gì đó khó thấy, đứa trẻ có thể đoán được rằng người kia biết cái gì đó mà trẻ không biết. Ở độ tuổi nhỏ hơn, trẻ em chưa phát triển năng lực trí óc này.

Tinh tinh giống con người theo nhiều cách - chúng rất thông minh và có thể giao tiếp với nhau và với chúng ta. Bằng chứng hóa thạch và phân tích DNA cho thấy chúng và chúng ta có chung tổ tiên. Về cấu trúc, não tinh tinh cũng rất giống não người. Vậy tinh tinh có TOM hay không? Bằng chứng gần đây gợi ý rằng chúng có - ít nhất là ở một mức độ nào đó.

Con người đã quan sát được nhiều hành vi có tính che giấu của tinh tinh. Ví dụ con tinh tinh đực thuộc hạ đã từng thử “vụng trộm” với tinh tinh cái khi con đực alpha (đầu đàn) không nhìn thấy. Tương tự một số con tinh tinh đã từng làm báo động giả để khiến bầy của nó chạy trốn khỏi một cái cây đầy quả, để mỗi mình nó hưởng hết cả cây.

Cái gì khiến chúng ta khác với con vật? Một số người nói rằng đó là sức mạnh của ngôn ngữ; một số khác cho rằng là chữ viết; một vài người tin rằng điều duy nhất khiến chúng ta khác những sinh vật khác là khả năng nói dối.

Nhiều nhà tâm lý học hiện này cho rằng TOM có phân cấp. Ở cấp cao nhất theo thang phân cấp, con người có TOM đầy đủ. Đi xuống thấp hơn, các loài linh trưởng như tinh tinh chỉ có một số đặc điểm. Thật không may nghiên cứu trên động vật khác như cá heo và thậm chí bồ câu cho kết quả không rõ ràng. Vì thế chúng ta cần phải chờ xem liệu TOM có khiến chúng ta khác – và thông minh hơn – các loài vật khác hay không.

Trí nhớ và tâm trí

Điều gì xảy ra sau khi chúng ta chú ý, dù là có chọn lọc hay phản xạ, đến thông tin quan tâm? Chúng ta sẽ liên hệ nó với kiến thức đã biết trước để nhận ra nó, hoặc chúng ta nhớ nó để sau này dùng. Chúng ta nhớ hàng triệu triệu thông tin, một số rất dễ, một số rất khó. Tại sao có sự khác nhau lớn như vậy?

Có thể trả lời câu hỏi này bằng cách tham khảo những ca điển hình của những người bị bệnh não có biểu hiện suy giảm trí nhớ. Vào đầu thập niên 1950 nhà phẫu thuật thần kinh người Mỹ William Scoville ở Học viện thần kinh Montreal, Canada, đã phát triển một kỹ thuật phẫu thuật có tính cách mạng để điều trị bệnh động kinh. Động kinh chủ yếu do các tín hiệu điện bất thường trong não gây ra.

Bệnh này gây những cơn động kinh dữ dội, thường kéo theo mất kiểm soát vận động và bất tỉnh. Ngày nay người ta dùng thuốc để kiểm soát phần lớn, ngoại trừ những ca nặng nhất, nhưng tại thời điểm đó Scoville không có lựa chọn nào khác. Để chữa bệnh, ông phát triển kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ hai bên vùng giữa của thùy thái dương. Trong kỹ thuật này một phần lớn của phần giữa thùy thái dương ở cả hai bên bị cắt bỏ.

Cách làm của Scoville là dựa trên công trình do nhà thần kinh học người Anh, John Hughlings Jackson (1835-1911) từng thực hiện. Jackson mô tả sự sắp xếp không gian của hệ thống thần kinh vận động ở người và để ý rằng cấu trúc giải phẫu của thùy thái dương của nhiều bệnh nhân động kinh có dấu hiệu bất thường.

Thủ thuật giải phẫu của Scoville thành công trong việc giảm nhẹ chứng động kinh, nhưng chúng có chung một hiệu ứng phụ. Bệnh nhân hồi tỉnh sau phẫu thuật không còn bị động kinh, nhưng bị chứng quên nặng - họ mất khả năng nhớ những gì đã xảy ra. Hơn nữa mức độ nghiêm trọng của chứng quên phụ thuộc vào kích thước phần não bị cắt bỏ - phần bị cắt càng lớn thì chứng mất trí nhớ càng nặng.

“Động kinh là tổn thương cục bộ của một vài tế bào bất ổn ở một nửa của não.”

-John Huglings Jackson, 1864.

Nhiều tác giả/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-khien-con-nguoi-khac-biet-voi-cac-loai-post1501117.html