Điều gì làm nên sức hấp dẫn của ngoại giao ẩm thực Hàn Quốc?

Trong những năm qua, Hàn Quốc luôn giữ vững vị thế một đất nước với nền ẩm thực Đông Bắc Á độc đáo và phong phú, hấp dẫn nhiều bạn bè quốc tế.

Lấy cảm hứng từ các chiến dịch ngoại giao ẩm thực khác trong khu vực, Hàn Quốc đã chính thức công bố chiến dịch “Global Hansik” tại Triển lãm Ẩm thực Hàn Quốc năm 2008. Từ đó đến nay, quốc gia này luôn giữ vững vị thế một đất nước với nền ẩm thực Đông Á độc đáo và phong phú, hấp dẫn nhiều bạn bè quốc tế.

Với khí hậu ôn đới bốn mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông cùng địa hình đa dạng, Hàn Quốc sở hữu nền văn hóa ẩm thực đặc sắc mang dư vị riêng của từng vùng miền.

Ẩm thực Hàn Quốc với màu sắc đa dạng. (Nguồn: VYC TRAVEL)

Ẩm thực Hàn Quốc với màu sắc đa dạng. (Nguồn: VYC TRAVEL)

Gạo là thứ nguyên liệu đặc trưng và chiếm vai trò chủ đạo không chỉ trong món chính, món phụ mà kể cả món tráng miệng của quốc gia này.

Bánh gạo cay – món ăn quen thuộc của người Hàn Quốc. (Nguồn: tteokbokki)

Bánh gạo cay – món ăn quen thuộc của người Hàn Quốc. (Nguồn: tteokbokki)

Bên cạnh đó, phải kể đến kim chi, một loại rau cải muối chua được ủ trong gia vị, cũng là một trong số món ăn được yêu thích không chỉ ở Hàn Quốc mà còn nhiều nơi trên thế giới.

Kim chi Hàn Quốc với màu đỏ đặc trưng. (Nguồn: VTV News)

Kim chi Hàn Quốc với màu đỏ đặc trưng. (Nguồn: VTV News)

Ẩm thực Hàn mang trong mình phong cách riêng biệt với sự kết hợp của các nguyên liệu tươi ngon, gia vị độc đáo cùng kỹ thuật nấu nướng đặc trưng. Hơn cả vai trò thực phẩm, đó còn là một phần văn hóa và lối sống của người dân Hàn Quốc nói chung.

Chính phủ và người dân Hàn Quốc đã vận dụng và triển khai một cách sâu sắc, phát huy tối đa thế mạnh mà nền ẩm thực quốc gia đang sở hữu ở mọi cấp độ.

Ở cấp cao

Ở cấp cao, ngoại giao ẩm thực Hàn Quốc được phản ánh rõ nét thông qua văn hóa quốc yến.

Trong chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới xứ sở kim chi, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã có bữa tiệc tiếp đón ông tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Quận Yongsan, Seoul, vào tối ngày 21/5/2022, sau cuộc gặp thượng đỉnh.

Tổng thống Yoon Suk Yeol nâng ly chúc mừng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/5/2022. (Nguồn: KoreaTimes)

Tổng thống Yoon Suk Yeol nâng ly chúc mừng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/5/2022. (Nguồn: KoreaTimes)

Thực đơn phục vụ trong bữa tối cấp nhà nước lần này là món ăn truyền thống của Hàn, được chế biến bằng cách sử dụng các đặc sản từ nhiều vùng miền của đất nước kết hợp với một số nguyên liệu có nguồn gốc từ Mỹ, thể hiện sự hòa hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Thực đơn bữa tối cấp nhà nước của Hàn Quốc tiếp đón Tổng thống Mỹ. (Nguồn: KoreaTimes)

Thực đơn bữa tối cấp nhà nước của Hàn Quốc tiếp đón Tổng thống Mỹ. (Nguồn: KoreaTimes)

Món ăn chính là “bibimbap” - một món ăn hỗn hợp từ cơm và rau nấu chín, với nguyên liệu rau xanh theo mùa từ tám tỉnh của đất nước và sườn bò Mỹ nấu theo kiểu “sous-vide” ăn kèm với nước tương Hàn Quốc. Bánh gạo với sự kết hợp giữa các loại hạt của Mỹ và gạo từ Incheon, tỉnh Gyeonggi, được phục vụ như món tráng miệng.

Một quốc yến khác của chính phủ Hàn Quốc cũng được giới báo chí quan tâm khi phục vụ thực đơn cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du 5 quốc gia châu Á của ông năm 2017, tại thủ đô Seoul tối ngày 7/11.

Thực đơn đã thể hiện sự tinh tế của chính phủ Hàn Quốc khi lựa chọn món cá bơn nướng, được đồn đại là món ăn yêu thích của ông Trump, bắt nguồn từ quê hương của Tổng thống Moon Jae In, ăn kèm với nước sốt đậu nâu. Đặc biệt là sự xuất hiện của món sườn bò ăn kèm với nước sốt chứa “nước tương 360 năm hảo hạng”.

Cơm nấm thông và sườn bò Hàn Quốc kết hợp với nước tương 360 tuổi. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc)

Cơm nấm thông và sườn bò Hàn Quốc kết hợp với nước tương 360 tuổi. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc)

Quảng bá qua các lễ hội ẩm thực

Ngoại giao ẩm thực Hàn Quốc được phản ánh rõ nét thông qua các lễ hội và sự kiện ẩm thực, nổi bật là “Chiến dịch Hansik toàn cầu” năm 2008 mang thương hiệu ẩm thực Hàn Quốc với thành phần và công thức nấu ăn tự nhiên, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc thông qua thực phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường cùng chế độ ăn ít calo sử dụng chủ yếu rau và hải sản trong chế biến.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đã tổ chức nhiều sự kiện ở nước ngoài để quảng bá ẩm thực quốc gia. Không thể không nhắc đến chiến dịch hợp tác với 9 nhà hàng nổi tiếng Hàn Quốc ở New York (Mỹ), lái một chiếc xe tải chở đồ ăn quanh thành phố và phát miễn phí bữa trưa kiểu Hàn vào năm 2011, được thực hiện bởi Viện Xúc tiến Ẩm thực Hàn Quốc.

Sự kiện này đã mang món ăn Hàn đến với những khán giả Mỹ mới, những người có thể không tự mình trải nghiệm món ăn Hàn Quốc.

Xe tải bán đồ ăn sẵn dưới thương hiệu Bibigo của Hàn Quốc tại New York. ( Nguồn: CJ CheilJedang)

Xe tải bán đồ ăn sẵn dưới thương hiệu Bibigo của Hàn Quốc tại New York. ( Nguồn: CJ CheilJedang)

Truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc cũng được chính phủ vận dụng thành công trong việc quảng bá nền ẩm thực đất nước. Một thành tựu to lớn phải kể đến là bộ phim truyền hình Jewel in the Palace (Nàng Dae Jang Geum) năm 2003, được công chiếu tại hơn 91 quốc gia, thể hiện văn hóa và phong cách nấu ăn truyền thống của người Hàn Quốc.

Phân cảnh trong phim với những nét đặc sắc tuyệt vời của ẩm thực thời Joseon. (Ảnh chụp từ phim)

Phân cảnh trong phim với những nét đặc sắc tuyệt vời của ẩm thực thời Joseon. (Ảnh chụp từ phim)

Các chương trình như Flower Boy Ramen Shop (2011) và Let's Eat (2013) cũng đã phát huy thế mạnh của truyền hình và điện ảnh trong việc quảng bá ẩm thực Hàn Quốc, cho thấy sự quan tâm “một cách tự nhiên” của công chúng nước ngoài thông qua văn hóa và làn sóng Hallyu.

Một phương thức khác cũng được Hàn Quốc sử dụng và phát huy cho đến thời điểm hiện tại là việc xuất khẩu món ăn quốc gia, với sự thành công của kim chi như một hiện tượng ẩm thực toàn cầu.

Kim chi đã trở thành một phần văn hóa của người dân Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Kim chi đã trở thành một phần văn hóa của người dân Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Nhờ hương vị đặc trưng và màu sắc độc đáo, kim chi không chỉ là một món ăn được công chúng ưa chuộng mà còn đại diện cho văn hóa Hàn Quốc, thông qua nghi lễ truyền thống có tên Kimjang trong quá trình chế biến món ăn này.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Kimjang là một trong những di sản phi văn hóa và kim chi cũng được một tạp chí sức khỏe Mỹ công nhận là một trong năm loại thực phẩm hàng đầu thế giới tốt cho sức khỏe.

Chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng kim chi như một công cụ để tiến hành ngoại giao ẩm thực, cũng như thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến hoặc đồ uống của Hàn Quốc, từ đó mang lại những giá trị kinh tế nhất định cho sự phát triển của quốc gia.

Giao lưu nhân dân

Việc xuất khẩu món ăn quốc gia cũng đem lại thành công cho ngoại giao ẩm thực thông qua giao lưu nhân dân, qua các hệ thống nhà hàng Hàn Quốc rộng khắp trên thế giới.

Một trong những nhà hàng Hàn Quốc nổi tiếng tại Bangkok. (Nguồn: CNN)

Một trong những nhà hàng Hàn Quốc nổi tiếng tại Bangkok. (Nguồn: CNN)

Ở nước ngoài, “Hansik” được biết đến như một nghệ thuật ẩm thực và trong bối cảnh cả thế giới quan tâm đến thực phẩm tốt cho sức khỏe, số lượng nhà hàng Hàn Quốc cũng ngày càng tăng.

Theo Quỹ Ẩm thực Hàn Quốc, hiện nay có hơn 10.000 nhà hàng Hàn Quốc trên thế giới và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Khi nhu cầu về các món ăn Hàn Quốc như Bibimbap, rượu gạo truyền thống Macoli tăng cao, việc các doanh nghiệp ẩm thực di chuyển ra thị trường nước ngoài cũng trở nên nhanh chóng hơn.

Ông Dennis Tae, chủ cửa hàng Bibigo số 1 tại Los Angeles (Mỹ), cho biết: “Bình thường chúng tôi đón khoảng 300-350 thực khách/ngày, 80% trong số đó là người dân bản địa. Họ đặc biệt thích món cơm trộn nấu bằng nồi đá Dolsot Bibimbap do món này luôn được giữ nóng khi dùng”.

Rõ ràng, một nền ẩm thực sẽ khó tác động sâu sắc đến công chúng toàn cầu nếu chỉ có những sách lược đến từ chính phủ. Vì vậy, ngoại giao ẩm thực sẽ thực sự thành công khi công chúng của quốc gia đó nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này và bắt đầu thực hiện nó như chính những nhà ngoại giao ẩm thực.

Việt Nam là một đất nước với nền ẩm thực phong phú, tuy nhiên dường như chúng ta chưa thực sự coi đó như một phương thức ngoại giao để đưa ra những chiến lược cụ thể nhằm xuất khẩu món ăn quốc gia ra thị trường nước ngoài. Việt Nam có thể coi Hàn Quốc một tấm gương sáng trong lĩnh vực này, từ đó phát huy sức mạnh mềm dân tộc, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hải Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dieu-gi-lam-nen-suc-hap-dan-cua-ngoai-giao-am-thuc-han-quoc-226844.html